clock

Bất Động Sản

14:43 28-01-2016

Lột tẩy sự thật bán cắt lỗ chung cư sát Tết

Trong khi thị trường BĐS đang rầm rộ với thông tin tăng giá thì vẫn xuất hiện rất nhiều thông tin cần bán gấp, cắt lỗ. Tuy nhiên, đằng sau đó là những câu chuyện “vàng thau lẫn lộn”.

Tóm tắt:

- Dù căn hộ được rao bán, chuyển nhượng rầm rộ trên các trang mạng, nhưng nếu tìm hiểu kỹ không ít người phải giật mình bởi đây là những sự án đã từng gặp "sự cố".

- Cũng có nhiều nhà đầu tư cắt lỗ thật tại những dự án đang đắt khách. Đó là trường hợp tham đầu tư kiểu lướt sóng, ôm nhiều sản phẩm nhưng không bán ra kịp đành cắt lỗ trước khi bị phạt vì không đủ tiền đóng theo tiến độ trong hợp đồng.


Dạo quanh các trang rao vặt bất động sản, rất nhiều tin rao bán lỗ, bán gấp cự kỳ hấp dẫn. Tại Hà Nội những lời mời chào dự án như cần tiền gấp bán cắt lỗ chung cư City One Vân Canh quý 2/2016 bàn giao căn hộ, hay bán gấp căn hộ dự án chung cư cao cấp Discovery Complex 302 Cầu Giấy, bán gấp căn hộ Sakura 47 Vũ Trọng Phụng đã hoàn thiện sẵn bàn giao...đang được mời chào hấp dẫn trên mạng.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì những dự án này đã từng mang tai tiếng. Nếu Discovery Complex 302 Cầu Giấy đang lâm bị vướng vào vụ lùm xùm với việc xây dựng sai phép thì Sakura 47 Vũ Trọng Phụng dù đã bàn giao nhưng lại bị cư dân phản ánh, nhà mới nhưng nhiều hạng mục đã xuống cấp. Còn đối với dự án chung cư City One Vân Canh cũng đã từng là một trong những dự án đội sổ về tiến độ cách đây 2 năm, dù cam kết bàn giao vào quý 2 năm nay tuy nhiên nhiều khách hàng vẫn hoài nghi về tiến độ khi cuối năm 2015 chủ đầu tư mới xây xong phần móng.

Tại TPHCM, nhiều lời rao bán cũng trong tình trạng tương tự với những lời mời chào “Cần bán lỗ căn hộ PetroVietnam Landmark (quận 2), lầu cao, dự án chuẩn bị làm lại. Căn hộ có diện tích 103m2, giá gốc hợp đồng 23triệu đồng/m2, nay tôi bán lỗ 15,5 triệu đồng/m2”. Gần đó, dự án Gateway Thảo Điền do CTCP BĐS Sơn Kim (Công ty Sơn Kim) làm chủ đầu tư tại phường Thảo Điền (quận 2) đang trong giai đoạn làm móng cũng được nhiều chủ nhân rao bán lỗ đầy rẫy trên mạng.

Dù căn hộ được rao bán, chuyển nhượng rầm rộ trên các trang mạng, nhưng nếu tìm hiểu kỹ không ít người phải giật mình. Đơn cử, PetroVietnam Landmark là dự án dính nhiều tai tiếng vì chậm tiến độ suốt 4-5 năm nay, chưa có kế hoạch khởi động lại. Dự án Gateway Thảo Điền của Công ty Sơn Kim vừa qua cũng xảy ra tình trạng tranh chấp nảy lửa giữa các hộ dân xung quanh với chủ đầu tư, liên quan đến thỏa thuận bồi thường giá đất. Mới đây UBND quận 2 lại kiến nghị Sở Xây dựng đình chỉ mọi hoạt động tại dự án này.

Không chỉ có những dự án đang gặp vấn đề mới bị rao bán cắt lỗ mà ngay cả đến những dự án đang là hàng mới trên thị trường cũng có khá nhiều lời rao bán cắt lỗ. Một số dự án thuộc phân khúc cao cấp tại Hà Nội như Imperia Garden, Goldmark City, HP Landmark The Pride, Mon City......Hay tại TPHCM các dự án cao cấp như Happy Valley, Star Hills, Riverside Residence, Riverpark Residence, Vista Verde, The Estella, Masteri Thảo Điền… cũng xuất hiện nhiều thông tin bán lỗ trên các trang rao vặt địa ốc.

Tuy nhiên, khi xác minh thông tin thì có trường hợp lỗ thật, cũng có trường hợp lỗ ảo, thậm chí bán chốt lời dù giá thấp hơn mức giá bán ra của chủ đầu tư thời điểm hiện tại.Lỗ ảo là do sự chênh lệch về giá giữa lần mở bán đầu với những lần sau nên sau vài đợt mở bán, người mua đầu tiên có thể lời đến 10-15%. Do đó, nhà đầu tư thứ cấp chỉ cần bán rẻ hơn gía chủ đầu tư 5% là đã có lời 5-10%. Như vậy, họ rao bán lỗ 5% nhưng thực chất là lỗ ảo.

Theo phân tích của anh Đăng Minh, một nhân viên môi giới 6 năm trong nghề, tính trung thực của những thông tin rao bán trên mạng thường chỉ ở mức tương đối, cần phải kiểm tra kỹ trước khi quyết định giao dịch. “Nếu tin rao không hấp dẫn thì chẳng ai đọc. Phải làm cho nó khác biệt thì mới được chú ý. Đăng tin rao bán cũng là cả một nghệ thuật. Phải giật tít thế nào cho thật sự hấp dẫn, nhà rao bán phải có vị trí đẹp, giá không những rẻ mà phải thật siêu rẻ. Ngoài ra, không dừng ở bán gấp mà còn phải bán tháo trả nợ, bán cắt lỗ", anh Minh chia sẻ.

Cũng theo anh Minh: "Vô vàn cách để gây chú ý cốt để làm sao người có nhu cầu mua nhà chỉ cần cầm điện thoại lên bấm gọi cho mình cũng là một thành công rồi. Với tin rao giá bán lỗ không đúng sự thật, khách hỏi thì môi giới thường bảo căn đấy đã có người mua và giới thiệu sang căn khác. Làm như vậy, môi giới sẽ có được danh sách khách hàng tiềm năng để bán hàng khác".

Tuy nhiên anh Minh cũng cho biết, cũng có nhiều nhà đầu tư cắt lỗ thật tại những dự án đang đắt khách. Đó là trường hợp tham đầu tư kiểu lướt sóng, ôm nhiều sản phẩm nhưng không bán ra kịp đành cắt lỗ trước khi bị phạt vì không đủ tiền đóng theo tiến độ trong hợp đồng.

Theo các chuyên gia BĐS, việc rao bán lỗ, cắt lỗ là “chiêu” được áp dụng từ lâu.Tuy nhiên, khi việc bán lỗ ngày càng phổ biến càng khiến người mua đặt câu hỏi về giá trị thực của những dự án này. Do vậy người mua nhà cần thận trọng kiểm tra pháp lý, năng lực uy tín chủ đầu tư chứ không nên vội vàng quyết định chỉ dựa vào giá bán.

Theo Trí thức trẻ/CafeF