clock

Thế Giới

07:46 28-12-2023

Mặt hàng của Canada khiến người giàu Trung Quốc săn lùng bất chấp thời tiết, doanh thu tới gần 2 tỷ NDT/năm

Tỷ phú Jack Ma cũng từng dùng mặt hàng của Canada có doanh thu tới gần 2 tỷ NDT/ năm ở Trung Quốc.

Mặt hàng này chính là áo khoác lông ngỗng Canada Goose. Những chiếc áo khoác thoạt đầu trông bình thường nhưng lại có giá trị lên tới chục triệu đồng. Đây cũng là thương hiệu áo khoác được nhiều người giàu ở Trung Quốc nhiệt tình săn lùng tìm mua. Những chiếc áo khoác Goose luôn trong tình trạng cháy hàng ngay cả khi bán ở Trung Quốc giữa những ngày hè.

Vậy, vì sao người giàu Trung Quốc ưa chuộng loại áo này?

Mặt hàng của Canada khiến người giàu Trung Quốc săn lùng bất chấp thời tiết, doanh thu tới gần 2 tỷ NDT/năm- Ảnh 1.

Dù có giá lên tới hàng chục triều đồng nhưng nhiều người giàu ở Trung Quốc vẫn săn lùng tìm mua áo khoác Canada Goose.

Khi mùa đông đến, nhiều người xếp hàng dài trước các cửa hàng áo khoác Canada Goose, đặc biệt là cửa hàng tại Trung tâm tài chính quốc tế Thượng Hải ở Trung Quốc. Nhiều người không ngần ngại xếp hàng trong điều kiện thời tiết gió lạnh chỉ để mua được áo khoác của Canada Goose.

Được nhiều người ưa chuộng khiến những chiếc áo khoác với đủ loại kích cỡ tại các cửa hàng Canada Goose đều trong tình trạng "cháy hàng" ở Trung Quốc, dù có giá dao động từ 500 USD – 1.500 USD (khoảng từ 12 – 36,5 triệu đồng). Điều này phần nào cho thấy sự yêu thích của người dân ở quốc gia tỷ dân đối với thương hiệu này.

Vì sao nhiều người giàu ở đất nước tỷ dân lại ưa chuộng áo khoác Canada Goose? Nguyên nhân hóa ra là đến từ thương hiệu đặc biệt này.

Mặt hàng của Canada khiến người giàu Trung Quốc săn lùng bất chấp thời tiết, doanh thu tới gần 2 tỷ NDT/năm- Ảnh 2.

Những chiếc áo khoác Canada Goose ban đầu được tài trợ cho các nhà nghiên cứu trong các chuyến thám hiểm tới Nam Cực.

Thương hiệu Canada Goose được thành lập từ năm 1957 bởi ông Sam Tick ở một nhà kho ở Toronto. Ban đầu, những chiếc áo khoác của thương hiệu này chỉ dành cho tầng lớp lao động ở Canada. Tuy nhiên, 20 năm sau khi thương hiệu được thành lập, Canada Goose bắt đầu sản xuất những chiếc áo khoác lông ngỗng nhưng chủ yếu cung cấp cho những người nhiên cứu khoa học trong các chuyến thám hiểm tới Nam Cực.

Thông qua quá trình thử nghiệm, áo khoác của thương hiệu Canada Goose có thể chịu được mức nhiệt xuống tới -30 độ C. Ngoài ra, áo khoác của thương hiệu này đắt đỏ vì dùng một trong những loại lông vũ có chất lượng hàng đầu thế giới.

Chiến lược marketing nâng tầm thương hiệu

Mặt hàng của Canada khiến người giàu Trung Quốc săn lùng bất chấp thời tiết, doanh thu tới gần 2 tỷ NDT/năm- Ảnh 3.

Ông Dani Reiss hiện đang là chủ tịch kiêm CEO của Canada Goose.

Đến đầu những năm 2000, sau khi trở thành chủ tịch kiêm CEO mới, ông Dani Reiss, cháu trai của Sam Tick, đã chuyển hướng sang thị trường áo khoác lông vũ cao cấp. Chính vị CEO này cũng là người đưa Canada Goose trở thành từ thương hiệu bình dân trở thành một mặt hàng xa xỉ trên thế giới.

Để đảm bảo sản phẩm cao cấp, CEO Dani Reiss đã từ bỏ mô hình sản xuất truyền thống và đặt mọi liên kết sản xuất ở các quốc gia lớn nhằm củng cố ấn tượng về Canada Goose đối với người tiêu dùng từ nhiều nước khác nhau. Đồng thời, ông còn cho điều chỉnh các thiết kế với nhiều phong cách, biến những chiếc áo khoác của Canada Goose không chỉ là trang phục đi làm, đi chơi mà còn trở thành thương hiệu thời trang.

Vào thời điểm này, Canada Goose chủ yếu nổi tiếng ở Canada và chưa được biết đến nhiều ở thị trường quốc tế. Để mở rộng thị trường nước ngoài, đồng thời nâng cao nhận diện về thương hiệu, CEO Deni Reiss đã hợp tác với nhiều nhà làm phim nổi tiếng ở Mỹ để biến những chiếc áo của Canada Goose trở thành trang phục phổ biến của các đoàn làm phim trong thời tiết lạnh giá. Đến năm 2004, những chiếc áo Canada Goose đã được xuất hiện trên màn ảnh.

Đặc biệt, sau khi siêu mẫu Kate Upton mặc một chiếc áo của Canada Goose xuất hiện trên bìa của tạp chí Sports Illustrated, doanh số của thương hiệu này tại Mỹ lập kỷ lục vào năm 2013.

Mặt hàng của Canada khiến người giàu Trung Quốc săn lùng bất chấp thời tiết, doanh thu tới gần 2 tỷ NDT/năm- Ảnh 6.

Mỹ nhân Kate Upton từng mặc áo Canada Goose xuất hiện trên trang bìa tạp chí.

Theo bà Pamela Danziger, một chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu thị trường hàng xa xỉ, nhờ vào cách marketing đặc biệt, Canada Goose đã nâng cao được vị thế thương hiệu và tiến vào thị trường hàng xa xỉ.

Sau khi chinh phục thị trường Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu, CEO Dani Reiss đặt mục tiêu sang Trung Quốc và bắt đầu phát triển thị trường tại quốc gia này. Bắc Kinh, Thượng Hải... và nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đều có cửa hàng của thương hiệu Canada Goose. Riêng số lượng cửa hàng của Canada Goose tại Trung Quốc cũng đã chiếm hơn một nửa tổng số cửa hàng trên thế giới.

Mặt hàng của Canada khiến người giàu Trung Quốc săn lùng bất chấp thời tiết, doanh thu tới gần 2 tỷ NDT/năm- Ảnh 7.

Nam diễn viên Huỳnh Hiểu Minh cũng thường xuyên mặc áo khoác của thương hiệu Canada Goose.

Áo khoác của Canada Goose thực tế không hề rẻ. Do đó, để khiến tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc chấp nhận thương hiệu này, CEO Dani Reisss đã sử dụng phương pháp marketing quen thuộc. Đó là mời nhiều người nổi tiếng mặc áo của Canada Goose để nâng cao mức độ nổi tiếng và đẳng cấp của thương hiệu.

Ngoài ra, một trong những thứ khiến mọi người ấn tượng với các sản phẩm của Canada Goose chính là chiếc logo rất nổi bật.

Mặt hàng của Canada khiến người giàu Trung Quốc săn lùng bất chấp thời tiết, doanh thu tới gần 2 tỷ NDT/năm- Ảnh 8.

Áo khoác Canada Goose có logo được thiết kế đặc biệt và nổi bật.

Với tất cả những nỗ lực trên, ngay cả khi tăng giá bán qua từng năm, doanh số bán hàng của Canada Goose vẫn ngày càng tốt. Đặc biệt, ở thị trường Trung Quốc, doanh thu một năm của thương hiệu này có thể lên tới 1,73 tỷ NDT.

Bài viết tham khảo ảnh/nguồn: Business Insider, Toutiao