Trong Nước
10:17 25-10-2024Một lĩnh vực "chưa bao giờ được quan tâm đến vậy": Hơn 50 "ông lớn" đã đổ bộ VN, dòng vốn vẫn ồ ạt đổ vào
Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp này và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Ngành công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, có nhiệm vụ tạo ra vi mạch và linh kiện điện tử dùng để sản xuất ra các sản phẩm phức tạp. Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn SIA, từ năm 2001 - 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, tính đến năm 2023 đạt doanh thu gần 600 tỷ USD. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Các quốc gia lớn trên thế giới hiện đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Singapore đã công bố "Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử" để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm. Hàn Quốc cũng đưa ra kế hoạch chi tiêu 450 tỷ USD trong 10 năm cho ngành này. Ấn Độ dự chi 9,1 tỷ USD, Hoa Kỳ cung cấp 52 tỷ USD hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ 120-150 tỷ USD vào nền công nghiệp bán dẫn từ năm 2014.
Bên cạnh việc phát triển trong nước, hiện nay, các quốc gia đã bắt đầu chuyển hướng đến các nước có thế mạnh trong khu vực châu Á, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp bán dẫn được các chuyên gia đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển. Thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân mỗi năm khoảng 6,69% trong giai đoạn 2023 - 2028.
Theo ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê Công nghiệp Savills, lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn là Việt Nam có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.
Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn.
Thời gian qua, Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của các "ông lớn" ngành bán dẫn trên toàn thế giới. Đơn cử như Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Hay như Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP. HCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất.
"Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chia sẻ tại Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn SEMIExpo Viet Nam 2024, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam cho biết, Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn và đã thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Yên - Tổng giám đốc Công ty CoAsia Semi (Hàn Quốc) cũng cho biết: "Chưa bao giờ ngành của chúng tôi được Chính phủ và toàn xã hội quan tâm đến vậy".
Để phát triển ngành bán dẫn, nguồn nhân lực là một yếu tố vô cùng quan trọng. Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nguồn nhân sự chất lượng cao trong ngành bán dẫn của Việt Nam hiện chỉ có khoảng 5.000 người. Để thực hiện được mục tiêu phát triển, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, trong đó đề án phát triển nguồn nhân lực 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 cũng đã được xây dựng.
Phấn đấu đến năm 2050, đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Pha Lê