Thế Giới
08:09 22-11-2024Một nước ASEAN chuộng hàng hoá Việt Nam, đã mua gần 4 tỷ USD trong 9 tháng
Tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và nước này trong 9 tháng năm 2024 đạt 10,63 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Malaysia trong 9 tháng năm 2024 đạt 10,63 tỷ USD, tăng tới 14,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 3,81 tỷ USD, tăng nhẹ 3,5%; nhập khẩu đạt 6,82 tỷ USD, tăng mạnh tới 21,1% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, 2 mặt hàng luôn chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại trong 9 tháng đều giảm.
Ghi điểm trong 9 tháng là xuất khẩu gạo, khi đạt mức tăng trưởng tới 131,2% và đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng tới 9,8%, đứng thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Malaysia, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 8,5%).
Như vậy, Malaysia đã tăng cường mua gạo từ Việt Nam , nhiều hơn cả các hàng tiêu dùng xa xỉ như điện thoại.
Cùng với gạo, các mặt hàng nông sản khác như cà phê cũng có mức tăng trưởng ấn tượng tới 117,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên đây chủ yếu là cà phê nhân làm nguyên liệu cho ngành cà phê của Malaysia, chứ chưa thể hiện sự thâm nhập thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam.
Về nhập khẩu, điểm đáng chú ý là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã lấy lại vị trí thứ nhất với tỷ trọng 24,1% và tăng tới 25,8%, đẩy mặt hàng xăng dầu xuống vị trí thứ 2 chỉ còn chiếm 21,0% về tỷ trọng và nhưng mặt hàng này cũng tăng tới 25,6%, nguyên nhân là do cắt giảm thuế quan nhập khẩu trong các nước ASEAN làm cho chuyển hướng nhập khẩu sang Malaysia. Đây cũng là hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất và vượt trội so với các mặt hàng còn lại (đều chiếm tỷ trọng dưới 10%).
Hàng hoá Việt Nam có nhiều cơ hội tại Malaysia
Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Malaysia đều tăng mạnh, ngoại trừ dây và dây cáp điện giảm nhẹ 1,5%. Các mặt hàng tăng mạnh nhất bao gồm: Khí đốt hóa lỏng tăng tới 262,6%, cao su tăng tới 141,4%, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng tới 48,9%, giấy các loại tăng 63,9%, kim loại thường tăng 37,3… Mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng khác cũng tăng 11,8% nhưng chiếm tỷ trọng tới 7,5%, chỉ đứng sau 2 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Malaysia.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, xuất khẩu Việt Nam sang nước này đang có nhiều cơ hội do thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam.
Độ mở thị trường Malaysia lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam do cùng tham gia nhiều hiệp định tự do hóa thương mại khu vực.
Mặt khác, nước này đang thiếu hụt nguồn cung nội địa về nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thủy hải sản, nhưng Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong nước mạnh.
Việt Nam và Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển tích cực. Malaysia hiện là đối tác thương mại và đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Malaysia trong ASEAN với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 12,7 tỷ USD.
Dy Khoa
Tin liên quan
- Bỏ rơi dầu Nga, quốc gia chủ chốt của BRICS bất ngờ tuyên bố quốc gã nhà giàu mới nổi này mới là chân ái mới để mua dầu
- Campuchia đang giàu lên, quốc tế có thể rút hỗ trợ
- 100 nghìn tỷ USD sắp "đổi chủ" trên toàn nước Mỹ: Loạt công ty quản lý tài sản vội vã "bắt trend" để phục vụ đại gia mới nổi thuộc lớp Gen Y và Gen Z
- Buồn của nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới: Bị láng giềng vượt mặt về GDP bình quân đầu người sau 41 năm, xếp chót trong G7 - vì đâu nên nỗi?