clock

Tài Chính

07:53 04-02-2016

Năm 2016, lãi suất có lập chu kỳ tăng mới?

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, các ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất huy động, tăng 0,2-0,4 điểm phần trăm so với cách đây 1 tháng.

Sau khi tận hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,68%, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, Việt Nam lại được các tổ chức quốc tế ca ngợi là ngôi sao mới nổi trong bối cảnh tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Hàng loạt các tổ chức dự báo như EIU hay Ngân hàng Thế giới, Standard Chartered đều xếp Việt nam vào “chiếu trên” với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dự báo lên đến gần 7%.

Song để đạt được mức tăng trưởng “ngôi sao” như thế, Việt Nam đã phải đẩy mạnh bơm tín dụng vào nền kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng tính đến ngày 18/12/2015 đã tăng 17,02% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức hơn 14% của năm 2014.

Còn trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự kiến mức tăng trưởng tín dụng cũng phải lên đến 18%. Giới ngân hàng thậm chí còn kỳ vọng tăng nhiều hơn.

Theo khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng bình quân còn được kỳ vọng lên đến 21,4%, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 14,57% của khảo sát năm ngoái.

Lượng tín dụng tăng lên đáng kể cho thấy các cơ quan quản lý đang sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đầu tư của nền kinh tế. Tuy nhiên, bơm quá nhiều tiền vào lưu thông sẽ tạo sức ép lên lạm phát và cuối cùng lãi suất cũng sẽ phải tăng trở lại.

Trong hơn 5 năm qua, lãi suất đã ở trong chu kỳ giảm và đã về ngang bằng với mức năm 2006. Liệu năm sau kịch bản lãi suất tăng có xảy ra và lãi suất có lập chu kỳ mới?

Ở thời điểm gần Tết Nguyên đán, các ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất huy động, cả những ngân hàng lớn lẫn nhỏ, với mặt bằng lãi suất chung tăng lên khoảng 0,2-0,4 điểm phần trăm so với cách đây khoảng 1 tháng.

Lãi suất tăng lên trong thời điểm này thường được cho là do yếu tố mùa vụ, các ngân hàng cần thanh khoản phục vụ cho dịp nghỉ lễ sắp đến. Tuy nhiên, nhìn về xa hơn, các biến số vĩ mô khác thì lại nghiêng về hướng kịch bản lãi suất tăng lên.

Thông thường, cơ quan quản lý dùng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát. Việt Nam gần đây đang đối mặt với 2 yếu tố có thể thúc đẩy nỗi lo này.

Một là mức giá hàng hóa đầu vào với khả năng tăng giá các nhóm mặt hàng do Nhà nước quản lý, bao gồm điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục… Tất cả đều đã có lộ trình tăng và sẽ gây áp lực lên lạm phát.

Trong khi đó, báo cáo triển vọng giá hàng hóa trên toàn cầu của Ngân hàng Thế giới cho rằng giá của phần lớn các loại hàng hóa chính sẽ điều chỉnh tăng nhẹ, đặc biệt là giá dầu trong năm 2016.

Còn Ngân hàng HSBC lại nhận định rằng việc duy trì chỉ số lạm phát cơ bản thấp như hiện tại (tương đương 2% sau khi loại bỏ các yếu tố giảm của lương thực và năng lượng) sẽ giúp lãi suất diễn biến đi ngang và không tăng đột biến.

Tuy nhiên, kịch bản này chỉ diễn ra trong bối cảnh tỉ giá không chịu nhiều áp lực. Đây cũng là yếu tố thứ hai mà Việt Nam phải đối mặt và có thể sẽ còn căng thẳng hơn. Hồi năm ngoái, Việt Nam đã phải điều chỉnh tỉ giá vượt “khung” ước tính của mình, tới 5% thay vì 2%.

Đó mới chỉ là 2 yếu tố quan trọng trong nhiều yếu tố khác mà hầu hết các chuyên gia đều tin vào kịch bản lãi suất tăng nhẹ trong năm nay.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng tăng nhẹ, từ 0,5 -1 điểm phần trăm. Còn Công ty Chứng khoán Rồng Việt thì cho rằng: “Lãi suất năm 2016 sẽ đi theo một chu kỳ mới”.

Với mức lãi suất hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mốc lãi suất này tương đương với giai đoạn 2005-2006. Nhìn lại, giai đoạn hiện nay cũng giống bối cảnh lúc đó, khi Việt Nam đứng trước những ngưỡng cửa mới.

Nếu như cánh cửa hội nhập đầu tiên là vào đầu năm 2007 với WTO thì đến nay Việt Nam cũng đang đứng trước các hiệp định thương mại tự do đã ký hoặc sắp ký kết, như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay các cam kết thương mại song phương với những đối tác là quốc gia phát triển lâu đời khác.

Đằng sau cánh cửa hội nhập luôn là một dòng vốn chực chờ để chảy vào. Quá trình hội nhập kinh tế cũng tạo ra những động lực mới để thúc đẩy kinh tế, nhất là ở khối tư nhân năng động. Dòng vốn, lao động, công nghệ đổ vào ngày càng nhiều hơn.

Song với sân chơi quá lớn, giới doanh nhân Việt chưa tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn trong khi nền kinh tế chưa đủ sức thẩm thấu hết những dòng vốn đó.

Hệ quả tất yếu là lạm phát đi kèm theo và bài học ấy chỉ mới đi qua chừng 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, những bất ổn đó dường như đang trở lại. “Tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa đang tích lũy những rủi ro bất ổn về giá”, báo cáo kinh tế năm 2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định.

Trong khi đó, một số yếu tố dẫn đến lạm phát lại nằm ngoài tầm với của các nhà điều hành. Đó là giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế và tiền tệ các nước.

Năm ngoái, thị trường tiền tệ thế giới biến động mạnh mẽ với sự phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, lẫn việc tăng lãi suất đồng USD của Mỹ, vốn là 2 quốc gia tạo ra giá trị thặng dư cao nhất hiện nay.

Cũng có lẽ vì nhận thấy mối nguy gia tăng từ tỉ giá, hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố cơ chế tỉ giá mới, cho phép tỉ giá thay đổi theo từng ngày, thay vì đưa ra cam kết như thời gian trước đây.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo tỉ giá vào quý IV năm nay sẽ khoảng 22.700 VND/USD, tức tăng khoảng 3,7% so với tỉ giá trung tâm ngày 29.1.

Trong khi đó, giải pháp mà nhóm nghiên cứu của VEPR kiến nghị là giảm bớt lượng cung tiền cho năm nay, “nên xem xét ở mức 12-15%”, báo cáo viết.

Hiện nay, con số này dự kiến ở mức 18%. Theo VEPR, mặc dù lạm phát hiện vẫn ở mức thấp, song vẫn có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.

Còn với giới doanh nghiệp, điều họ quan tâm hơn vẫn là lãi suất năm nay có tăng hay không và tăng bao nhiêu. Như nhiều chuyên gia đã dự báo ở trên, có nhiều lý do tin rằng doanh nghiệp cần phải lập kế hoạch cho một chu kỳ lãi suất mới.

Đứng trước cánh cửa thương mại và hội nhập khổng lồ, giới doanh nghiệp ngày nay cũng đã e dè hơn trước kia. “Điểm khác biệt giữa lần gia nhập này với lần gia nhập trước là không chỉ toàn là màu hồng”, ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định. Có lẽ, giới doanh nhân là người thấm thía nhất điều này.

 

THIÊN PHONG/NCĐT (tựa bài do DNSG Online đặt lại)