clock

DU LỊCH

07:00 17-11-2015

Năm du lịch Phú Quốc: Lo nhất là “chặt chém”

Lo ngại khách du lịch quá tải khi đổ đến Phú Quốc nhân Năm Du lịch quốc gia 2016, tỉnh Kiên Giang đang nỗ lực chuẩn bị cơ sở hạ tầng cũng như bàn cách đối phó. Các DN lữ hành cũng tìm mọi cách thu hút du khách quốc tế đến với vùng ĐBSCL.

Chống chặt chém mùa lễ hội

Chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia 2016 Phú Quốc - ĐBSCL, tại cuộc họp báo sáng 16/11, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Kiên Giang, cho biết, hiện ở Phú Quốc có 367 cơ sở lưu trú, với hơn 7.500 phòng, được đăng ký đủ tiêu chuẩn đón khách, trong đó có 2 cơ sở 5-6 sao, 6 cơ sở 4 sao, còn lại là các khách sạn 2-3 sao. Riêng số lượng khách sạn ở Phú Quốc đã chiếm hơn một nửa trong tổng số khách sạn cả tỉnh Kiên Giang

6 tháng đầu năm nay, Phú Quốc đón 1,5 triệu lượt khách, với mức tăng bình quân khách nội địa là trên 40%, khách quốc tế tăng trên 30%. Huyện đảo này đang kỳ vọng lượng khách tăng trên mức 20% vào năm 2016.

Theo đại diện Sở VH-TT&DL Kiên Giang, để đón tiếp số du khách dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm tới, Phú Quốc đang nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, chuẩn bị nhân lực, đầu tư xúc tiến quảng bá,...

Hiện đã có 3 đường bay thẳng nội địa đưa khách đến Phú Quốc là Hà Nội, Cần Thơ và TP.HCM, sắp tới sẽ mở thêm đường bay từ Lâm Đồng, Đà Nẵng. Riêng đường bay quốc tế đến đảo Ngọc có Nga (đã tạm dừng từ đầu năm do vắng khách), Singapore, Xiêm Riệp (Campuchia), sắp tới là Hàn Quốc (tháng 12/2015), Quảng Châu (Trung Quốc) và các nước khu vực lân cận.

Tuy nhiên, điều nhiều người lo ngại là với số lượng phòng còn hạn chế như hiện nay, vì Phú Quốc vẫn đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp nên rất dễ xảy ra tình trạng chặt chém, tăng giá vô tội vạ. Thừa nhận điều này, ông Trần Chí Dũng cho biết sắp tới sẽ mời các DN lữ hành, khách sạn cùng họp bàn cách phối hợp chống vấn đề tăng giá, giữ thiện cảm với khách,...

Ngoài ra, một hạn chế khác là hiện nay, giá vé máy bay từ Hà Nội đến Phú Quốc còn khá cao so với mặt bằng chung. Chính vì thế, giá tour từ phía Bắc vào các tỉnh miền Tây còn khá cao, khoảng 10 triệu đồng/người, trong khi giá tour đi nước ngoài như Thái Lan, Campuchia,... chỉ 6-7 triệu đồng nên lượng khách từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào còn ít. Khách du lịch chủ yếu bay vào Sài Gòn rồi đi bằng đường bộ xuống các tỉnh ĐBSCL chứ ít khi bay thẳng.

Thiếu trầm trọng DN lữ hành quốc tế

Chặt chém, tăng giá chỉ là một trong những nỗi lo của 13 tỉnh ĐBSCL khi cùng phối hợp với Kiên Giang tổ chức Năm du lịch quốc gia 2016. Kết thúc họp báo, tại buổi tọa đàm Liên kết phát triển du lịch ĐBSCL ngay sau đó, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại ở các địa phương này trong việc phát triển du lịch.

Khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Đó là do có sự tương đồng lớn về văn hóa, lối sống, cảnh quan thiên nhiên,... nên sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng còn giống nhau. Thực tế cho thấy, du khách chỉ cần đến một tỉnh là đã trải nghiệm được tất cả sản phẩm của vùng, dễ gây cảm giác nhàm chán. Chính vì thế mà sức hấp dẫn của du lịch vùng ĐBSCL có sự giảm nhiệt đáng kể.

Trong khi đó, số DN lữ hành quốc tế rất ít, chỉ 33/1.600 DN cả nước, chỉ chiếm hơn 2%. Thậm chím, có địa phương còn không có DN lữ hành quốc tế nào (Long An và Sóc Trăng).

Lượng khách quốc tế đến khu vực do đó rất hạn chế, mà trên 95% lại là do các DN ngoài vùng đưa đến.

Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhận xét, tính đến nay, các DN lữ hành của ĐBSCL chủ yếu đóng vai trò nối tour cho các DN đến từ TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Khả năng thu hút trực tiếp khách vào (inbound) của các DN lữ hành trong vùng là rất yếu.

Chưa kể, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch của các tỉnh ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giới thiệu cái mình có, chưa đi theo hướng có thông tin cụ thể hướng dẫn khách đi bằng cách nào và đến địa điểm đó được hưởng các dịch vụ tốt nhất ra sao. Hoạt động xúc tiến dàn trải, lãng phí nguồn nhân lực và hiệu quả thấp. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” khiến việc xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch trong khu vực gặp nhiều khó khăn.

Tổng cục Du lịch cho hay, năm 2015, ĐBSCL phấn đấu đón 2,5 triệu lượng khách quốc tế và 5,2 triệu lượt khách nội địa. Khu vực này đang kỳ vọng đón và giữ chân được lượng khách đông hơn vào 2016 - khi Năm du lịch quốc gia được tổ chức tại đây. Dự kiến, có tới 14 sự kiện do Bộ VH-TT&DL chủ trì tổ chức, 13 sự kiện do tỉnh Kiên Giang tổ chức và 38 hoạt động của các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL và mời các đoàn nghệ thuật dân gian các nước đến biểu diễn,... Cùng với sự xúc tiến quảng báo mạnh mẽ như họp báo và tổ chức triển lãm giới thiệu du lịch ĐBSCL tại 3 miền Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, quảng bá quốc tế, hy vọng 2016 thực sự là năm bùng nổ du lịch của ĐBSCL.

 

Theo VietnamNet