Thế Giới
13:55 22-11-2024Nền kinh tế phát triển nhất khu vực Caribe muốn đầu tư vào VN, Thủ tướng khẳng định có thể hợp tác ngay
Những lĩnh vực Dominica muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, Việt Nam có các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước và tư nhân, có thể hợp tác, đầu tư ngay.
Dominica muốn hợp tác trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam
Dominica là nền kinh tế phát triển nhất khu vực Caribe, tập trung vào dịch vụ, du lịch, xuất khẩu, sản xuất các mặt hàng nông nghiệp, như ca cao, hoa quả, cà phê.
Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực châu Á, đang thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và có nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư, đạt kim ngạch xuất khẩu cao.
Trong cuộc tọa đàm của doanh nghiệp Việt Nam - Dominica với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Biviana Riveiro, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Cộng hòa Dominica khẳng định, Dominica có vị trí quan trọng tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, có sự ổn định về kinh tế vĩ mô, chính trị, pháp lý. Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá Dominica là một trong những nước phục hồi nhanh nhất về du lịch sau đại dịch COVID-19, đến thời điểm này của năm 2024 đã thu hút được 8,3 triệu du khách.
Hiện Dominica đang xem xét, mong muốn nhập khẩu thuốc lá, hàng may mặc, thịt lợn, thịt bò và nhiều mặt hàng từ Việt Nam; hợp tác cải thiện chuỗi cung ứng về nông nghiệp; hợp tác về năng lượng, y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch…
Các lĩnh vực được Dominica ưu tiên thu hút đầu tư, gồm hạ tầng, hàng hải, hàng không, năng lượng - dầu khí, du lịch, nông nghiệp, viễn thông, sản xuất và phân phối xe điện, chuyển đổi số, công nghiệp dược…
Dominica mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, nhất là hợp tác trong các lĩnh vực lúa gạo, dầu khí, năng lượng (với Tập đoàn Dầu khí), viễn thông (với Viettel), xây dựng nhà máy sản xuất xi măng, sứ vệ sinh (với Viglacera), xe điện (với Vinfast), công nghệ thông tin và bán dẫn (với Viettel/FPT), hàng không…
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng các nhà lãnh đạo Dominica xác định một số dự án cụ thể để triển khai trong thời gian sớm nhất có thể trong lĩnh vực năng lượng; chuyển đổi số, viễn thông, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn; nông nghiệp, sản xuất phân bón, hóa chất, lúa gạo; lĩnh vực xây dựng; xe điện… Trong các lĩnh vực này, Việt Nam có các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước và tư nhân, có thể hợp tác, đầu tư ngay.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ xem xét việc sớm mở Đại sứ quán tại Cộng hòa Dominica vào thời điểm phù hợp; đồng thời nghiên cứu, thúc đẩy thành lập tổ công tác, ủy ban hỗn hợp thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Dominica mong muốn tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường của nhau và mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực ASEAN - châu Á, cũng như khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
Triển vọng hợp tác kinh tế
Việt Nam - Cộng hòa Dominica chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2025. Trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Dominica, Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra cách đây ít ngày, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện với Cộng hoà Dominica.
Đặc biệt, trong 19 năm qua, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Dominica đã có những bước tiến quan trọng. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng đáng kể từ khoảng 30 triệu USD trong những năm đầu lên gần 120 triệu USD vào năm 2022 và đạt 112 triệu USD năm 2023. 9 tháng năm 2024 đạt 56 triệu USD. Con số này được nhận định có thể tiến xa hơn nữa.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam gồm cà phê, dệt may, giày dép, linh kiện điện tử và nông sản. Hai bên cũng đạt được các thỏa thuận về đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và phát triển công nghệ.
Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 500 triệu USD trong vòng 4 - 5 năm tới, thông qua thúc đẩy hợp tác đầu tư và mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực của mỗi nước.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp hai bên tranh thủ cơ hội hợp tác, đầu tư trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhau, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ song phương, giúp mỗi bên xây dựng nền kinh tế mạnh, tự cường, tự chủ.
"Đây không chỉ là vấn đề lợi ích của doanh nghiệp, của hai đất nước, mà còn là tình cảm cao đẹp của trái tim và sản phẩm của trí tuệ, khẳng định trách nhiệm với quan hệ hai nước đã được các nhà lãnh đạo tiền bối đặt nền tảng", Thủ tướng bày tỏ.
Trong thời gian tới, hai bên xác định tiếp tục khai thác và phát huy các thỏa thuận đã có nhằm mục tiêu đưa hàng hóa hai nước thâm nhập thị trường của nhau, bao gồm thị trường khu vực châu Á và châu Mỹ.
Bên cạnh đó là tích cực đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư thông qua các hội chợ, triển lãm và diễn đàn đầu tư để kết nối các doanh nghiệp và địa phương hai nước trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác; tạo điều kiện kích thích hơn nữa phát triển lĩnh vực du lịch.
Pha Lê
Tin liên quan
- Bỏ rơi dầu Nga, quốc gia chủ chốt của BRICS bất ngờ tuyên bố quốc gã nhà giàu mới nổi này mới là chân ái mới để mua dầu
- Campuchia đang giàu lên, quốc tế có thể rút hỗ trợ
- 100 nghìn tỷ USD sắp "đổi chủ" trên toàn nước Mỹ: Loạt công ty quản lý tài sản vội vã "bắt trend" để phục vụ đại gia mới nổi thuộc lớp Gen Y và Gen Z
- Buồn của nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới: Bị láng giềng vượt mặt về GDP bình quân đầu người sau 41 năm, xếp chót trong G7 - vì đâu nên nỗi?