clock

Trong Nước

12:27 29-12-2015

Ngành sữa Việt Nam 'bẻ lái' trước con sóng thần TPP đang tới rất gần

Những công ty lớn trong ngành sữa Việt Nam đang tăng cường đầu tư vào những thị trường mới nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh trước hàng loạt các tập đoàn sữa quốc tế sẽ gia nhập thị trường để tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhu cầu tiêu dùng tại thị trường 90 triệu dân của Việt Nam đang ngày càng gia tăng và tất nhiên là doanh thu của các công ty ngành sữa cũng lên theo. Tuy vậy, hãng tin Reuters cho rằng các doanh nghiệp sữa Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu trong nước.

Điều này trở thành một cơ hội lớn cho các tập đoàn sữa quốc tế như Fonterra của New Zealand, Saputo của Canada gia nhập thị trường Việt Nam với các sản phẩm mới, chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Đặc biệt là khi hiệp định TPP sẽ dỡ bỏ thuế quan cho các thành viên, qua đó cắt giảm thuế cho gần 3/4 số sản phẩm sữa mà Việt Nam nhập khẩu.

Các hiệp định tự do hóa thương mại dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng sự cạnh tranh của công ty nước ngoài cũng sẽ gây áp lực đối với những doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các công ty thiếu vốn và kinh nghiệm hoạt động cũng như không đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hiệp định TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 15% từ nay đến năm 2025, cao hơn rất nhiều so với mức 2,2% của Malaysia và Singapore cũng như mức bình quân 5% trong 15 năm qua của Việt Nam.

Trước những áp lực cạnh tranh quốc tế, ngành sữa Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị trường ra nước ngoài hoặc tiếp cận những thị trường ngách trong nước nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ hiệp định TPP với mảng kinh doanh này.

Phó Tổng Giám đốc tập đoàn sữa TH, ông Hoàng Công Trang cho biết hiệp định TPP là một thách thức lớn với ngành sữa Việt Nam khi các tập đoàn lớn quốc tế gia nhập thị trường, thuế nhập khẩu được dỡ bỏ, nhưng doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị cho tình hình này từ cách đây 5 năm.

Mới đây, tập đoàn TH tuyên bố tăng cường đầu tư thêm 1,2 tỷ USD cho thị trường sữa trong nước. Ngoài ra, hãng cũng đầu tư 2,7 tỷ USD cho trang trại nuôi bò, lấy sữa và hệ thống phân phối tại Nga. Thị trường sữa Nga hiện đang bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của Châu Âu và nhu cầu sữa tại đây là khá lớn.

Số liệu của Euromonitor cho thấy thị trường sữa Việt Nam năm 2013 có tổng trị giá khoảng 2,8 tỷ USD và có thể tăng lên 4,1 tỷ USD vào năm 2015.

Năm 2014, New Zealand và Mỹ đã xuất khẩu 18,2 tỷ USD sản phẩm sữa ra toàn cầu và sản xuất được khoảng 115 triệu tấn sữa tươi. Trong cùng kỳ, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,1 tỷ USD sản phẩm sữa.

Tập đoàn sữa lớn nhất Việt Nam theo mức vốn hóa thị trường, Vinamilk đang cố gắng tiếp cận thị trường quốc tế với khoản đầu tư 30 triệu USD tại Mỹ, New Zealand, Campuchia và 3 triệu USD tại Ba Lan.

Động thái đầu tư vào Ba Lan của Vinamilk không chỉ nhằm tiếp cận thị trường quốc gia này mà còn làm tiền đề xâm nhập thị trường Châu Âu, vốn vừa ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam.

Những kế hoạch tiềm năng của Vinamilk đã khiến nhiều nhà đầu tư bị thu hút với cổ phiếu của hãng. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng 60% trong năm nay và tổng mức vốn hóa thị trường của Vinamilk đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua lên 6,8 tỷ USD.

Lợi nhuận ròng quý trước của Vinamilk tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái lên 95 triệu USD. Doanh thu quốc tế của hãng trong 3 quý đầu năm 2015 cũng tăng 44% lên 264 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 10% của doanh thu trong nước.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hiện cũng đang quan tâm đến ngành sữa khi niêm yết một công ty con kinh doanh mảng nông nghiệp, chăn nuôi trên sàn chứng khoán trong năm 2015. Theo ước tính, doanh thu từ chăn nuôi bò sữa sẽ chiếm một nửa doanh thu của hãng này trong năm nay.

Nhiều doanh nghiệp sữa nhỏ hơn trong nước cũng đang chuyển hướng chiến lược sang các thị trường ngách, như hợp tác bán sữa tươi thông qua hợp tác xã, một mô hình từng thành công tại New Zealand.

Chủ tịch Trần Công Chiến của công ty sữa Mộc Châu cho biết các tập đoàn sữa nước ngoài sẽ gặp khó với chi phí vận chuyển và bảo quản sữa tươi, vì vậy doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh trong mảng này.

Mặc dù vậy, Reuters cho rằng nhiều thương lái tại Việt Nam có thể sẽ không kịp thích ứng với những thay đổi do ảnh hưởng từ hiệp định TPP.

Chị Đặng Thị Thu Huyền, một lái buôn thu mua sữa của nông dân, trả lời hãng Reuters rằng đã có những lúc mọi người chấp nhận đổ sữa ra đường hơn là phải bán với mức giá quá thấp. Chị Huyền cũng lo lắng khi không biết có thể kinh doanh trong ngành này được bao lâu nữa trước những sức ép về giá sữa.

“Tôi đã chậm chân trong cuộc chơi này”, chị Huyền nói.

Theo Trí Thức Trẻ