clock

Thế Giới

08:29 07-09-2024

Vụ bắt giữ CEO Telegram: Tỷ phú gốc Nga lần đầu lên tiếng; Tổng thống Putin chỉ trích Pháp

Sau khi bị bắt giữ tại Pháp, đây là lần đầu tiên tỷ phú Pavel Durov, CEO Telegram lên tiếng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà sáng lập kiêm CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà sáng lập kiêm CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: Reuters

Theo RT, ngày 5/9 vừa qua, nhà sáng lập kiêm CEO Telegram Pavel Durov lần đầu tiên lên tiếng sau khi bị bắt ở Pháp. Tỷ phú người Nga hiện đang được tại ngoại sau khi trả khoản tiền bảo lãnh là hơn 5 triệu Euro.

Tỷ phú Pavel Durov cho biết: "Quan điểm của Cơ quan công tố Pháp thật đáng ngạc nhiên. Nếu họ không hài lòng với một dịch vụ Internet, họ nên khiếu nại cũng như có hành động pháp lý chống lại dịch vụ đó. Việc bắt giữ một CEO vì các hành vi sai trái của bên thứ ba là cách tiếp cận sai lầm".

Ngoài ra, ngay trong phần bình luận của mình, tỷ phú Pavel Durov đã bác bỏ những thông tin cho rằng Chính phủ Pháp khó tiếp cận với Telegram. Đồng thời vị tỷ phú này khẳng định rằng ông đã đích thân giúp chính quyền nước Pháp thiết lập đường dây nóng với Telegram nhằm giải quyết mối đe dọa về khủng bố.

"Địa chỉ email của Telegram được công khai cho bất kỳ cơ quan thực thi pháp luật. Chính quyền Pháp còn nhiều cách khác để liên hệ với tôi để yêu cầu hỗ trợ, đơn giản là thông qua Lãnh sự quán Pháp tại Dubai", ông Durov nhấn mạnh.

CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, thừa nhận Telegram không phải là một nền tảng hoàn hảo, nhưng tỷ phú Pavel Durov cũng lên tiếng phủ nhận về các tuyên bố cho rằng Telegram "không khác gì một dạng thiên đường vô chính phủ", đồng thời khẳng định ứng dụng nổi tiếng này xóa hàng triệu bài đăng và kênh có hại mỗi ngày.

Ở cuối bài viết, ông Pavel Durov cho biết, số lượng người dùng tăng vọt của Telegram đã gây ra các khó khăn ngày càng lớn và khiến tội phạm dễ dàng lạm dụng nền tảng này. CEO Telegram viết, nền tảng này đã đạt được 950 triệu người dùng trên toàn thế giới.

"Đây là lý do mà tôi đặt mục tiêu đảm bảo cải thiện đáng kể vấn đề này. Tôi hy vọng những sự kiện vào tháng 8 vừa qua sẽ giúp Telegram và toàn bộ ngành công nghiệp mạng xã hội trở nên an toàn và mạnh mẽ hơn", CEO Telegram khẳng định.

Thiết lập cân bằng hoàn toàn giữa quyền riêng tư và bảo mật là việc không dễ dàng, nhất là khi phải hài hòa các luật về quyền riêng tư với yêu cầu của cơ quan thực thi pháp luật, các luật địa phương với các luật của EU. Nhà sáng lập Telegram nhấn mạnh rằng, công ty của ông luôn sẵn sàng đối thoại và cam kết làm việc với các cơ quan quản lý nhằm tìm ra cách cân bằng phù hợp giữa hai điều trên.

Đặc biệt, ông Durov tuyên bố rằng Telegram sẵn sàng rút khỏi một quốc gia nếu như không phù hợp với nguyên tắc của mình, không thể thống nhất về sự cân bằng giữa quyền riêng tư và bảo mật với những cơ quan quản lý địa phương. Trên thực tế, do xảy ra bất động giữa ông Durov và các cơ quan quản lý nên Telegram bị cấm ở Nga từ năm 2018 - 2020 và tiếp tục bị chặn tại Iran.

Tổng thống Putin lên tiếng về vụ bắt giữ CEO Telegram

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok ngày 5/9. Ảnh: TASS

Liên quan tới vụ bắt giữ tỷ phú Pavel Durov, mới đây Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích về quyết định của Pháp trong chương trình Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok, ngày 5/9.

Tổng thống Putin nói: "Tôi không hiểu về quyết định của Pháp, dường như đây là một vụ bắt giữ có chọn lọc".

Tổng thống Nga Putin cho biết, ông từng gặp CEO Telegram Pavel Durov một lần cách đây nhiều năm, nhưng hai người đã không giữ liên lạc hoặc gặp lại nhau kể từ đó.

"Đó là một cuộc gặp với những doanh nhân. Chúng tôi không gặp lại nhau từ đó và cũng không giữ liên lạc", Tổng thống Putin chia sẻ. Ngoài ra, Tổng thống Nga bác tin đã gặp tỷ phú Pavel Durov không lâu trước khi nhà sáng lập Telegram bị bắt ở Paris.

Trước đó, khi CEO Telegram Pavel Durov bị bắt giữ ở sân bay Paris-Le Bourget ngày 24/8, sau đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, việc bắt giữ tỷ phú Pavel Durov "không liên quan tới chính trị" mà dựa trên các quy định tư pháp.

Tỷ phú Pavel Durov được ví như "Mark Zuckerberg của Nga". Ảnh: AFP

Theo Reuters, trong ngày 28/8, các thẩm phán điều tra ở tòa án Paris đã quyết định truy tố CEO Telegram Pavel Durov về 6 tội danh, bao gồm cho phép thực hiện giao dịch bất hợp pháp trên nền tảng trực tuyến, phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em, rửa tiền, buôn bán ma túy, liên quan đến tội phạm có tổ chức và từ chối cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng.

Thẩm phán của tòa án Paris nhấn mạnh rằng, vì các công tố viên có cở sở để điều tra chính thức về vụ việc nên ông Pavel Durov sẽ bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp và phải chịu sự giám sát tư pháp. Cuối cùng, CEO Telegram được tại ngoại sau 4 ngày bị bắt sau khi trả số tiền bảo lãnh 5 triệu USD, đồng thời phải đến đồn cảnh sát 2 lần mỗi tuần, cũng như không được rời khỏi nước Pháp.

Theoo truyền thông địa phương, quyết định của tòa án Paris là để hợp thức hóa quá trình điều tra vụ việc. Thế nhưng việc truy tố vẫn có thể bị hủy bỏ nếu như các công tố viên không thể cung cấp dudr bằng chứng cần thiết.

Tỷ phú Pavel Durov sinh năm 1984 tại St. Petersburg. Năm 2006, ông cho ra đời mạng xã hội VK và và được ví như "Mark Zuckerberg của Nga". Đến năm 2013, Durov sáng lập raTelegram, nền tảng hiện có khoảng 950 triệu người trên thế giới dùng.

Từ năm 2014, ông Pavel Durov định cư tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo Telegram, nhà sáng lập nền tảng này có quốc tịch ở Pháp và UAE. CEO Telegram hiện sở hữu khối tài sản lên tới 15,5 tỷ USD (theo ước tính của Forbes).

Minh Hằng