clock

Thế Giới

06:18 04-12-2015

Người Nhật ra nước ngoài để học về đối thủ như thế nào?

Nhiều người Nhật muốn học về Trung Quốc để có thể hiểu được người láng giếng khổng lồ và kiếm việc trong bối cảnh quan hệ kinh tế Trung – Nhật gắn kết khá chặt chẽ.

Giáo sư Tatsu Hoshino, một chuyên gia nghiên cứu độc lập về vấn đề giáo dục, khẳng định rằng ngày có một nhiều người Nhật muốn ra nước ngoài học.

Ông cho rằng điều này có thể thấy được ở khắp nơi, trừ báo cáo của Bộ Giáo dục Nhật vốn rất chậm cập nhật. Thời điểm này đã là năm 2015 và chuẩn bị sang năm 2016 nhưng số liệu chính thức của Bộ vẫn chỉ ở năm tài khóa 2013.

Rất nhiều doanh nghiệp Nhật đã nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh trong quá trình toàn cầu hóa. Năm 2003, tập đoàn ô tô Nissan đã “nổ phát súng đầu tiên” và khiến cả nước Nhật choáng váng khi lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức sử dụng trong công việc và nếu ai không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh sẽ bắt buộc phải đi học và chịu sự giám sát của tập đoàn.

Sau đó, nhiều tập đoàn khác của Nhật cũng tiếp bước Nissan đưa tiếng Anh vào làm ngôn ngữ chính thức như Rakuten (2010), FastRetailing (2012), Bridgestone (2013) và đến Toyota cũng cùng năm đó. Honda cũng yêu cầu nhân viên phải học và nói được tiếng Anh, nếu trước đó họ chưa học ngôn ngữ đó.

Để cải thiện được trình độ tiếng Anh, sẽ cần đến nỗ lực và thời gian không hề nhỏ, và trên phương diện này, chính phủ Nhật không thể có nhiều cách để giúp đỡ công dân của mình và dậy cho họ bớt lòng tự tôn dân tộc để đón nhận ngôn ngữ mới.

Giống như một giáo sư tại đại học Nagaoka đã chỉ ra tiếng Anh đã được dùng làm ngôn ngữ chính thức ở hơn 60 quốc gia, chính vì vậy việc người Nhật có nói tiếng Anh nhiều cũng không thể và không nên được cho là ảnh hưởng gì đến vị thế hay lòng tự tôn của người Nhật.

Việc mở thêm các lớp học tiếng Anh tại trường phổ thông và có thêm chương trình giảng dạy sẽ chỉ giúp ích cho các học sinh hiện tại chứ những người đã học đại học hay đi làm thì chính sách đó không có ích.

Chính vì vậy, tỷ lệ sinh viên đi học các khóa tiếng Anh ngắn hạn chiếm tỷ lệ khá cao trong nhóm sinh viên Nhật ra nước ngoài học. Chính vì vậy mà trong số các sinh viên Nhật đi học ở nước ngoài, tỷ lệ học các khóa dưới 1 năm chiếm đến trên 90% và rất nhiều trong đó được cho là đi học tiếng Anh. Và tất nhiên nhóm này sẽ đi học ở các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand.

Học về “đối thủ”

Từ số liệu thống kê về tỷ lệ sinh viên Nhật đi học tại các nước, người ta sẽ nhận thấy một điểm đặc biệt, đó là tỷ lệ sinh viên Nhật sang Trung Quốc học ngày một nhiều hơn. Ví dụ như năm 2012, số lượng sinh viên Nhật sang Trung Quốc học tăng tới hơn 20% so với năm trước đó trong khi số lượng sinh viên Nhật sang Mỹ giảm hơn 2%.

Vậy tại sao những người trẻ Nhật lại muốn sang Trung Quốc học nhiều đến như vậy. Trước hết cần phải nói đến việc mối quan hệ Nhật – Trung Quốc đã luôn là mối quan hệ "yêu – ghét" trong suốt cả chục thế kỷ qua.

Chính vì vậy đối với nhiều người Nhật việc học để hiểu về đối thủ là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh thế giới đang trở nên xung đột. Và đặc biệt, số lượng sinh viên Nhật sang Trung Quốc tăng tỷ lệ thuận với những căng thẳng giữa Nhật – Trung Quốc xung quanh vấn đề đối với đảo Điếu Ngư hay những tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Còn đối với Asako Sakane và nhiều sinh viên Nhật khác, họ có lý do riêng để sang Trung Quốc học. Cô nói: “Giáo viên trường phổ thông của tôi nói với tôi rằng Trung Quốc đang phát triển rất nhanh và sẽ nhanh chóng vượt Mỹ, châu Âu hay Nhật. Trung Quốc và Nhật là hai nước láng giềng, chính vì vậy tôi cho rằng học và hiểu Trung Quốc quan trọng hơn học tiếng Anh và hiểu các nước phương Tây.”

Nếu như vào năm 1994, 78% sinh viên Nhật chọn sang Mỹ học thì đến năm 1997 con số này đã giảm chỉ còn 46%, theo số liệu từ chính phủ Nhật. Tỷ lệ sinh viên Nhật đến Trung Quốc học, trong cùng thời gian trên, tăng từ 9% lên 24% và đến năm 2013 thì số sinh viên Nhật sang Trung Quốc đã cao hơn hẳn so với số sinh viên Nhật chọn sang Mỹ.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia giáo dục, cho đến tận bây giờ khi mối quan hệ kinh tế giữa Nhật và Trung Quốc vẫn khá chặt chẽ thì những ai biết tiếng Trung và có vốn hiểu biến về đất nước này sẽ có nhiều cơ hội kiếm việc.

Tuy nhiên họ cũng chỉ ra khi mà có quá nhiều người Nhật sang Trung Quốc học và thực ra chất lượng giáo dục ở Trung Quốc cũng không thể so sánh được với Mỹ, khả năng cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu của nhóm sinh viên này sau khi tốt nghiệp sẽ kém đi.

Ngọc Thúy/ Trí Thức Trẻ