Trong Nước
13:38 08-08-2024Người Việt đã có thể bay thẳng đến sân bay khó hạ cánh nhất thế giới, với giá vé cao ngỡ ngàng
Mỗi tuần, sẽ có từ hai đến ba chuyến bay thẳng từ TP HCM hoặc Hà Nội..
Nội dung chính
- Drukair Royal Bhutan Airlines có tổng đại lý bán vé chính thức tại Việt Nam.
- Giá vé bay thẳng khứ hồi giữa TP HCM và Paro (Bhutan) tương đương bay Pháp.
Mới đây, đại diện Công ty TNHH Du lịch Hồng Ngọc Hà cho biết sẽ hợp tác chiến lược với Drukair Royal Bhutan Airlines, hãng hàng không quốc gia của Bhutan. Theo thỏa thuận hợp tác này, Hồng Ngọc Hà sẽ trở thành Tổng đại lý bán vé chính thức (GSA) cho Drukair tại thị trường du lịch sôi động của Việt Nam.
Cụ thể, để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng giữa Việt Nam và Bhutan, Drukair Royal Bhutan Airlines sẽ khai thác từ hai đến ba chuyến bay thuê chuyến mỗi tuần giữa Paro và Thành phố Hồ Chí Minh, lịch bay dự kiến khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội vào lúc 6h sáng (giờ địa phương). Thời gian đến Paro (Bhutan) 8h50 sáng (giờ địa phương).
Giá vé khứ hồi cho hành trình giữa Paro và Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội là từ 29.990.000 đồng, đã bao gồm tất cả các loại thuế và phí. Gói tour trọn gói 5 ngày 4 đêm tại khách sạn 3 sao sẽ bắt đầu từ 56.990.000 đồng.
Drukair Royal Bhutan Airlines là hãng hàng không quốc gia của Vương quốc Bhutan. Được thành lập vào năm 1981, hãng đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa quốc gia nằm biệt lập ở dãy Himalaya với thế giới. Drukair không chỉ cung cấp phương tiện di chuyển mà còn mang đến trải nghiệm văn hóa.
Với trụ sở chính đặt tại sân bay Paro, nằm giữa dãy Himalaya hùng vĩ, hãng khai thác các chuyến bay đến các điểm đến chính trong khu vực. Du khách có thể mong đợi sự hiếu khách nồng nhiệt của Bhutan và cái nhìn thoáng qua về di sản phong phú của vùng đất này. Hiện tại, Drukair khai thác các dòng máy bay Airbus A320, Airbus A319 và ATR 42/72.
So sánh mức giá trên, hành trình khứ hồi giữa TP HCM đến Paris (Pháp) với hãng Vietnam Airlines trong tháng 9 là 29,32 triệu đồng. Nếu có một chặng dừng, bay với hãng China Eastern, giá khứ hồi còn khoảng 17 triệu đồng.
Theo The Bhutanese, Bhutan có hai hãng hàng không và Bhutan Airlines được thành lập để tránh độc quyền thị trường, để cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, đối với hai hãng hàng không cạnh tranh, giá vé máy bay về cơ bản là tương đương nhau, cho thấy sự thiếu cạnh tranh thực sự.
Không chỉ giá vé bay từ Việt Nam đến Bhutan đắt, giá bay từ Bangkok (Thái Lan) cũng đắt không kém. Cũng bay với Drukair khứ hồi từ sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) đến Paro, trong tháng 9, giá lên tới hơn 23 triệu đồng cho 3h bay.
"Bhutan là cái tên đồng nghĩa với hạnh phúc"
Sân bay quốc tế Paro ở thị trấn Paro. Đây là sân bay duy nhất kết nối Bhutan và thế giới và là một trong những sân bay khó hạ cánh nhất trên thế giới do nằm trong thung lũng xung quanh là các ngọn núi cao, gió mạnh và đường băng ngắn. Theo Forbes, đến tháng 11/2018, chỉ có 17 phi công được cấp chứng chỉ thực hiện những màn cất và hạ cánh nghẹt thở ở sân bay Paro.
Bhutan là một quốc gia nhỏ bé nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ẩn mình trong địa hình rừng núi hiểm trở và không có biển. Bhutan có 4 mùa rõ rệt, du khách nên ghé thăm nơi đây vào mùa xuân (tháng 3-4) và mùa lễ hội (tháng 9-10).
Theo India Times, Bhutan là cái tên đồng nghĩa với hạnh phúc. Đất nước châu Á xinh đẹp này đã tỏa sáng trong bảng xếp hạng "Các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới".
Không giống như hầu hết các quốc gia đo lường tăng trưởng thông qua chỉ số kinh tế như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Bhutan áp dụng cách tiếp cận toàn diện bằng cách tập trung vào Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH).
Chỉ số này được đưa ra bởi vị vua thứ tư của Bhutan, Jigme Singye Wangchuck. GNH tin vào phát triển bền vững, bảo tồn văn hóa, bảo tồn môi trường và quản trị tốt là những yếu tố quan trọng mà phúc lợi quốc gia phụ thuộc vào.
Bhutan tự hào về di sản văn hóa phong phú của mình. Quốc gia này đã bảo tồn các phong tục, nghệ thuật và kiến trúc truyền thống và đã tích cực quảng bá chúng. Cam kết của Bhutan trong việc bảo tồn di sản văn hóa đảm bảo rằng người dân của họ có ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết. Bởi vì quốc gia xinh đẹp này tin vào sự kết nối với cội nguồn, đóng góp đáng kể vào hạnh phúc chung của người dân.
Dy Khoa
Tin liên quan
- Tập đoàn Nhật bắt tay con trai ông Phạm Nhật Vượng làm pin: Đổ hàng tỷ USD vào điện, mua loạt công ty lớn nhất Việt Nam từ Acecook, AIG đến thép
- Mỹ công bố chỉ báo lạm phát quan trọng sau khi Fed hạ lãi suất: Tăng thấp hơn dự báo trong tháng 11, thông điệp thận trọng của Chủ tịch Powell có bị lung lay?
- Doanh nghiệp Việt trưng bày hàng loạt "chiến binh cảm tử" công nghệ cao: Có gì đặc biệt?
- FDI đạt mức kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ và chiến lược “Hai ít - Ba cao - Bốn sẵn sàng - Một không” của Bắc Ninh