clock

Trong Nước

06:55 13-11-2015

Nhà đầu tư Mỹ: Đón cơ hội TPP

Apple, thương hiệu công nghệ nổi tiếng thế giới đã vào thị trường Việt Nam bằng việc mở công ty tại TP.HCM vào cuối tháng 10 vừa qua. Đây là bằng chứng về sức hút của một thị trường có tốc độ phát triển công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á cũng như những lợi thế mà TPP sẽ mang lại.

Apple âm thầm mở công ty tại Việt Nam

Thời điểm thuận lợi để Apple có mặt tại Việt Nam

Sau những dự đoán, cuối cùng Apple cũng có mặt tại Việt Nam bằng việc thành lập Công ty TNHH Apple Việt Nam.

Với vốn điều lệ 15 tỷ đồng, Apple Việt Nam đăng ký hoạt động với dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy tính (tư vấn và hỗ trợ khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Apple; tư vấn quản lý, tư vấn khai thác thị trường các sản phẩm của Apple).

Sự có mặt của Apple Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng có thêm điều kiện tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ cũng như các chính sách bảo hành, dịch vụ hậu mãi của thương hiệu này ngay tại trong nước.

Điều mà trước đây là một trở ngại khi sản phẩm của Apple đến với người tiêu dùng Việt Nam thông qua các nhà nhập khẩu.

Mặc dù chưa công bố chính thức từ phía "Quả táo" nhưng theo các chuyên gia trong ngành, việc Apple thành lập công ty tại Việt Nam chứng tỏ thương hiệu này đang muốn tiến sâu hơn vào Việt Nam.

Bởi đây là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Apple khi mà các sản phẩm của thương hiệu này luôn "gây sốt" dù nằm trong top những sản phẩm có giá cao nhất.

Sức hấp dẫn của thị trường hơn 90 triệu dân, trong đó có đến 26 triệu người sử dụng smartphone khiến doanh nghiệp (DN) này không thể làm ngơ.

Hơn nữa, cũng như các DN khác của Mỹ, Apple đang chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi tại châu Á, trong đó có Việt Nam khi các thị trường truyền thống như châu Âu và Mỹ đã gần như bảo hòa smartphone.

Bên cạnh yếu tố thị trường, không loại trừ khả năng Apple "bắt sóng TPP" vì khi tham gia "sân chơi mới" này, bên cạnh việc cắt giảm thuế suất trong nội khối, Việt Nam phải cải cách thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN để thu hút đầu tư.

Vì vậy, đây là thời điểm thuận lợi nhất để Apple có mặt tại Việt Nam. Và việc Apple thành lập công ty ở Việt Nam cũng có thể xem là sự kiện đầu tiên mà các nhà đầu tư đến từ Mỹ hiện thực hóa việc đón đầu cơ hội sau khi TPP được thực thi.

TS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng, sau khi Việt Nam tham gia TPP, chắc chắn các nhà đầu tư lớn, trong đó có DN Mỹ sẽ đổ tiền vào Việt Nam. Các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, dệt may, điện tử, gia công phần mềm... sẽ hút vốn mạnh.

Thời gian qua, đã có nhiều đoàn DN Mỹ đến Việt Nam tìm hiểu về môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư. Cụ thể, giữa tháng 3/2015, đoàn DN thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng.

Đến giữa tháng 6/2015, đoàn CEO của 10 công ty, tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Mead Johnson, Qualcomn, Rio Tinto, General Atlantic... tháp tùng bộ trưởng thương mại nước này đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Khai thác cơ hội từ TPP

Trên thực tế, đón đầu cơ hội từ TPP, rất nhiều DN Mỹ đã đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Hồi tháng 3 năm nay, Hãng sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) đã khởi công xây dựng nhà máy dao cạo Gillette tại Bình Dương với vốn đầu tư 100 triệu USD.

Lý do ra đời của nhà máy này được Tổng giám đốc P&G Việt Nam Emre Olcer, chia sẻ: "Châu Á có vai trò quan trọng đối với tương lai của P&G. Và so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dân số trẻ và thu nhập của người dân được cải thiện".

Trước P&G, các DN Mỹ có nhà máy tại Việt Nam như Microsoft, Intel... cũng đã mở rộng đầu tư. Trong đó, cuối năm 2014, Microsoft đã chuyển nhà máy sản xuất smartphone và linh kiện từ Komatom (Hungary), Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mexico) về Bắc Ninh, biến Việt Nam thành một trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này.

Microsoft cũng đồng thời tăng vốn đầu tư từ 150 triệu USD lên khoảng 1,5 tỷ USD. Tương tự, Intel đã đóng cửa nhà máy kiểm định và lắp ráp (ATM) ở Costa Rica để đưa về châu Á, trong đó có Việt Nam.

Jabil Việt Nam, công ty sản xuất các thiết bị điện tử có nhà máy đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã tăng vốn đầu tư từ 200 triệu USD lên 1 tỷ USD nhằm mở rộng sản xuất.

Làn sóng đầu tư từ Mỹ đang ngày càng tăng cao và vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam khá lớn so với các nước trong nội khối TPP như Australia, Canada, New Zealand...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến giữa tháng 5/2015, Mỹ có 748 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn 11,1 tỷ USD, xếp thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Các DN Mỹ hiện đã đầu tư vào 17/18 ngành nghề và có mặt tại 42/63 địa phương trong cả nước. Tuy vậy, con số này vẫn chưa phản ánh đúng nguồn vốn đầu tư của Mỹ tại Việt Nam.

Bởi trên thực tế, có rất nhiều công ty của Mỹ như Coca-Cola, Chevron, Conoco Philips... đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con tại British Islands, Singapore, Hong Kong...

Trong 5 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 14,2 tỷ USD năm 2010 lên 36,3 tỷ USD năm 2014. Thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ từ 17% trước đây sẽ dần dần giảm về mức gần 0% trong thời gian tới.

Ngày 5/11, Bộ Tài chính đã công bố danh mục các mặt hàng được ưu đãi thuế, theo đó, có đến 78% - 95% dòng thuế được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi TPP có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 - 10 năm.

Theo nhận định của TS. Nguyễn Mại, sẽ có nhiều nhà sản xuất hàng hóa của Mỹ đầu tư nhà máy ở Việt Nam và xuất hàng vào Mỹ trong thời gian tới để tận dụng ưu đãi thuế suất này.

 

HỒNG NGA/ DNSG