Trong Nước
06:43 14-11-2015Nhận thức của người Việt về AEC chỉ bằng 1/3 người Campuchia
74% doanh nghiệp Campuchia nhận thức được đầy đủ về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 24%, tức chưa được 1/3.
Số liệu trên được ông TS. Aaron Batten – chuyên gia kinh tế của ADB – cho biết tại Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản – “Cơ hội Đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào AEC” ngày 13/11.
“Ở Việt Nam, khu vực tư nhân còn nhận thức chưa đầy đủ về AEC. Chỉ 24% doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được AEC như một chương trình nghị sự của chính phủ. Đây là mức nhận thức thấp nhất trong khu vực”, TS Aaron nói.
Tỷ lệ này ở Thái Lan là 78%. Ngay cả ở Campuchia, tỷ lệ này cũng lên tới 74%.
“AEC không thể có tác động nếu chính phủ không làm việc nhiều hơn với khu vực tư nhân và công chúng nói chung”, ông Aaron nhìn nhận.
Điều thú vị là: Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập tương đối tốt so với trung bình các nước ASEAN. Theo số liệu cập nhật từ Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc thực hiện các cam kết AEC của Việt Nam chỉ đứng thứ 2 trong khối ASEAN, sau Singapore.
Hội nhập AEC - Nhà nước bảo “Sẵn sàng”, Doanh nghiệp: “Khoan! Hẵng đợi!”
“Độ sẵn sàng trong các cam kết ASEAN hơi hình thức với những việc Việt Nam đã làm liên quan đến ban hành luật pháp, cam kết giảm thuế… Việt Nam cam kết nhiều nhưng thực thi chưa mấy”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Còn về sự sẵn sàng của khối doanh nghiệp, bà Lan cho rằng có động lực khác nhau về việc có sẵn sàng hội nhập trong ASEAN hay không. Cụ thể:
- Doanh nghiệp Nhà nước: Vẫn còn bảo hộ, độc quyền nên không quan tâm với ASEAN. “Họ có lẽ quan tâm tới Nhật Bản, tới ODA, tới Mỹ, và Liên minh Châu Âu (EU)”, bà Lan nói.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Họ đã lựa chọn Việt Nam nên có kết nối tất yếu. Các doanh nghiệp FDI đã vượt qua được khuôn khổ thể chế của Việt Nam nên không ngại những điểm mà Việt Nam chưa kết nối được (kết nối vốn yếu nhất trong khu vực ASEAN bên cạnh kết nối con người và kết nối hạ tầng).
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Chịu sức ép rất lớn.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể liên tục "lập kỷ lục" mới từ năm 2010. Nguồn: Tổng cục Thống kê.
“Tại sao họ chưa quan tâm? Vì 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chỉ hoạt động nội địa và không tham gia xuất nhập khẩu nên không cảm nhận được sức ép từ thị trường, kể cả từ thị trường nội địa. Họ bị những nỗi lo trước mắt khá lớn đề đối phó với những vấn đề ở Việt Nam”, bà Lan phân tích.
“Từ 2010, Việt Nam liên tục đạt “kỷ lục” về số doanh nghiệp giải thể, nên doanh nghiệp Việt còn mải lo việc tồn tại trước mắt hơn cạnh tranh trong tương lai”.
“Chưa bao giờ tinh thần kinh doanh thấp như thế này, lại đúng thời điểm Việt Nam đang hội nhập vô cùng hăng hái”, bà Lan nói.
Theo Trí Thức Trẻ/ Cafebiz
Tin liên quan
- Tỷ phú Thái Lan quyết tâm theo đuổi Vinamilk sau thương vụ chi 5 tỷ USD thâu tóm Sabeco
- Đám hỏi của con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Lần đầu tiên một hôn lễ hào môn ở Việt Nam làm điều này
- Việt Nam vừa có thêm một khu kinh tế rộng gần 14.000 ha, cách Hà Nội chưa tới 100 km
- Doanh nhân Phạm Nhật Minh Hoàng là ai?