clock

Thế Giới

13:19 30-10-2024

Nhập khẩu phần lớn từ Việt-Thái, nay Trung Quốc muốn thu gom loại đặc sản này từ Lào

Việc này để đáp ứng nhu cầu nội địa Trung Quốc tăng đột biến.

Các nhà sản xuất trái cây Trung Quốc hiện đang chuyển hướng sang nước láng giềng Lào như một nhà cung cấp tiềm năng cho loại cây trồng này, theo Vientiane Times.

Những người kinh doanh nông nghiệp Trung Quốc đã yêu cầu Cơ quan Kinh doanh Lào và chính phủ Lào thành lập Hiệp hội Kinh doanh sầu riêng Lào để giám sát và kiểm tra chất lượng sầu riêng được trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hiệp hội Kinh doanh sầu riêng Lào sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn và phân loại sầu riêng, định giá bán, xác định hạt giống phù hợp cho vụ mùa và sắp xếp các cơ sở vận chuyển và kho bãi.

Trung Quốc đang muốn đầu tư trồng sầu riêng tại Lào.

Sau khi hiệp hội được thành lập, các nhà điều hành kinh doanh sầu riêng từ Lào và Trung Quốc sẽ lựa chọn những cá nhân tham gia các khóa học tại Trung Quốc để họ có thể tìm hiểu về các phương pháp canh tác tốt nhất.

Để đảm bảo sầu riêng trồng ở Lào đạt tiêu chuẩn chất lượng tương tự như các nước láng giềng, nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đã yêu cầu thành lập Hiệp hội doanh nghiệp sầu riêng Lào, Hiệp hội nghề nghiệp sầu riêng Lào và Trung tâm nghiên cứu sầu riêng Lào.

Các tổ chức này sẽ mở rộng kiến thức của người trồng về các loài sầu riêng và bệnh cây trồng tốt nhất, để họ có thể lựa chọn các giống có khả năng kháng bệnh và tiến hành các nghiên cứu tạo ra các giống mới.

Người trồng cũng sẽ tìm hiểu về phân tích đất và sử dụng phân bón sinh học để sản xuất các sản phẩm xanh.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Lào và các Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, Công nghiệp và Thương mại đã đồng ý hỗ trợ thành lập các hiệp hội này.

Ngành công nghiệp sầu riêng đã phát triển nhanh chóng ở một số quốc gia Đông Nam Á, nhưng việc trồng sầu riêng quy mô lớn chỉ mới bắt đầu ở Lào gần đây, nơi loại quả này chủ yếu được trồng ở sân sau nhà của các gia đình.

Việc trồng sầu riêng ở Lào đã có nhiều tiến bộ, nhưng quốc gia này vẫn chưa được phép xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào đã được phép xuất khẩu 17 loại trái cây sang Trung Quốc và đang đề xuất bán thêm 7 loại nữa.

Việt Nam, Thái Lan cạnh tranh thị phần sầu riêng tại Trung Quốc

Trung Quốc chiếm 91% lượng tiêu thụ sầu riêng toàn cầu, chủ yếu nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan và Việt Nam.

Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, quý 2/2024, lượng sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan có giá trị gần 2,67 tỷ USD, chiếm 75% tổng lượng hàng nhập khẩu loại trái cây này - một sự cải thiện đáng kể so với mức 42,5% được ghi nhận trong quý đầu tiên của năm 2024. Trong khi đó, thị phần nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc trong cả năm 2023 từ Thái Lan là 68%.

Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Đối thủ cạnh tranh chính của Thái Lan, Việt Nam, đã chiếm hầu hết các lô hàng còn lại trong quý 2. Sầu riêng Việt Nam đôi khi được bán với giá thấp hơn so với sầu riêng Thái Lan tại Trung Quốc vì chi phí vận chuyển được bù đắp bằng cách đi qua biên giới đất liền.

Theo Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (Thái Lan), xuất khẩu sầu riêng tươi của Thái Lan sang Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 4,5 tỷ USD trong năm nay, tăng trưởng chậm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, giảm 30% so với năm 2023.

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hết tháng 9/2024 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,7 tỷ USD, đây là mức kỷ lục lịch sử. Và Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dẫn đầu, đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết tháng 9 năm nay sản lượng sầu riêng Việt Nam đạt gần 985.000 tấn, tăng mạnh gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mùa thu hoạch sầu riêng Việt Nam rơi vào tháng 10 hằng năm, nhất là ở những vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai, Lâm Đồng. Còn sầu riêng trái vụ thu hoạch rơi vào các tháng cuối năm, cho vùng trồng thuộc các tỉnh miền Tây. Bộ này cũng dự tính sản lượng sầu riêng của nước ta có thể đạt trên 1,2 triệu tấn trong năm nay.

 

Dy Khoa