clock

Trong Nước

13:56 31-07-2024

Những "ông lớn" châu Âu nào muốn hợp tác với Việt Nam trong dự án đường sắt cao tốc 70 tỷ USD?

Nhiều quốc gia đã thể hiện thiện chí muốn hợp tác với Việt Nam trên dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Vừa qua, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.

Từ các đánh giá phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Thống kê, Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được dự báo có thể góp phần tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 1% từ năm 2025 đến năm 2037.

Trước đó, đã có nhiều quốc gia muốn hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong dự án này. Ngoài các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì một số nước châu Âu cũng rất quan tâm đến dự án.

Tây Ban Nha

Trong buổi tiếp đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy và bà Pilar Méndez Jiménez, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Tây Ban Nha tại Việt Nam đã thảo luận về tiềm năng hợp tác lĩnh vực đường sắt.

Tây Ban Nha là quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc dài thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hiện đường sắt cao tốc AVE Tây Ban Nha có hơn 30 tuyến kết nối 57 thành phố, với đội tàu cao tốc 229 đoàn, phục vụ 70% dân số cả nước, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế đồng đều trên phạm vi cả nước.

Về vận tốc, đường sắt cao tốc Tây Ban Nha đã đạt tốc độ lên đến 350 km/h. Đây là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt so với những phương thức vận tải khác. Hơn nữa, hạ tầng, thiết bị của hệ thống được đầu tư với chất lượng cao, ổn định, thông tin tín hiệu hiện đại. Do vậy có thể bảo đảm được an toàn và đúng giờ, cũng là yếu tố khiến người dân ưu tiên lựa chọn đường sắt tốc độ cao thay thế vận tải hàng không và đường bộ.

"Việt Nam cũng có những điểm tương đồng về mặt địa lý để phát triển hệ thống đường sắt như Tây Ban Nha. Vì vậy, Tây Ban Nha mong muốn hợp tác với Bộ GTVT Việt Nam trong việc phát triển hệ thống đường sắt nói chung và đường sắt cao tốc nói riêng", bà Đại sứ bày tỏ và đề nghị Bộ GTVT Việt Nam cung cấp thông tin về các dự án đường sắt, bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao và dự án đường sắt kết nối.

Thứ trưởng đánh giá cao những thông tin mà bà Đại sứ cung cấp về đường sắt Tây Ban Nha. Thứ trưởng khẳng định, Bộ GTVT khuyến khích các doanh nghiệp Tây Ban Nha tiếp cận thông tin về danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực GTVT tại Việt Nam, tìm hiểu nhu cầu phát triển của các lĩnh vực, trong đó có đường sắt.

Đức

Chiều 26/2/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Roland Busch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Đức) đang thăm, làm việc tại Việt Nam. Chủ tịch Tập đoàn Siemens Roland Busch đánh giá cao tiềm năng hợp tác lớn giữa hai nước Việt Nam, Đức nói chung và với Siemens nói riêng.

Ông cho rằng Việt Nam đã có quá trình chuyển đổi rất thành công, có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là với dân số 100 triệu người và đội ngũ lao động trẻ được đào tạo. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Việt Nam, Đức.

Siemens đang tích cực hợp tác và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực và nội dung mà Thủ tướng đã đề cập như công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, tốc độ cao…, bao gồm hợp tác đào tạo nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Đáng chú ý, tập đoàn công nghệ hàng đầu này bày tỏ rất quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và có thể cung cấp các giải pháp về đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe.

 

Nhã Mi