clock

Văn Hóa

11:42 08-10-2015

Những quan điểm khác nhau về thực phẩm biến đổi gene

GMO và GMF (thực phẩm biến đổi gene) là viết tắt của cụm từ Genetically Modified Organisms và Genetically Modified Foods. Thuật ngữ

Mong muốn có những giống cây trồng hay vật nuôi với đặc tính ưu việt, có khả năng cung cấp đủ thực phẩm và tổng hợp ra các chế phẩm sinh học hay các loại thuốc dùng trong điều trị, cho nên thực phẩm biến đổi gene đã ra đời.

Các quan điểm về biến đổi gene

Hiện nay, có hai quan điểm khác nhau rõ rệt về thực phẩm biến đổi gene và việc sử dụng. Tại Hoa Kỳ và một số nước thuộc EU, quan điểm về việc cần phải đánh giá toàn diện nguy cơ tiềm ẩn và mức độ rủi ro của GMO thường được đưa ra thảo luận công khai và thẳng thắn, đặc biệt những nguy cơ mà GMO có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho người và vật nuôi, cho môi trường, giảm đa dạng sinh học, gây tổn hại cho ngành kinh tế khác...

Còn ở những quốc gia đang phát triển, do sức ép về tăng dân số, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhu cầu về lương thực và thực phẩm là một vấn đề cấp thiết, luôn được ưu tiên so với những vấn đề về môi trường, năng lượng và sức khỏe con người nên người dân dễ chấp nhận những sinh vật biến đổi gene. Việc đánh giá nguy cơ rủi ro của GMO chỉ tiến hành sau khi được cảnh báo hoặc đã đưa vào sử dụng rộng rãi.

Người tiêu dùng và nông dân Nhật Bản đều ủng hộ tối đa việc "Nói không với sinh vật biến đổi gene" (NO-GMO Campaign). Tổ chức NO-GMO Campaign được thành lập từ năm 1996 bởi nhiều công dân Nhật Bản, khi cây trồng biến đổi gene được triển khai đại trà.

Trong một bài thuyết trình năm 2011, GS. Don Huber gọi Glyphosate là "hóa chất bị lạm dụng nhất trong lịch sử nông nghiệp" và mô tả các loại cây trồng GMO là một "hệ thống thất bại".

Một nghiên cứu xuất bản năm 2013 trong Journal of Organic Systemscho thấy, nhóm lợn tiêu thụ thức ăn chứa đậu tương, ngô GMO bị viêm dạ dày nặng hơn so với nhóm lợn nuôi Non GMO. Lợn cái ăn GMO có tử cung trương nặng hơn 25% so với lợn cái nuôi Non GMO - một chỉ số đòi hỏi phải tiếp tục điều tra. Những phát hiện của nghiên cứu là quan trọng vì được tìm thấy trong thực tế chăn nuôi chứ không phải trong phòng thí nghiệm.

Hiệp hội Nuôi ong Ba Lan đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn, tham gia cùng Liên minh Quốc tế Bảo vệ Countryside Ba Lan (ICPPC) và Liên minh Vì một nước Ba Lan FREE GMO với mục tiêu chính là không chấp nhận giống ngô biến đổi gene MON810 của Monsanto. Họ còn kêu gọi một lệnh cấm hoàn toàn các loại cây trồng biến đổi gene cũng như các loại thuốc trừ sâu nguy hiểm đối với môi trường (đặc biệt là với ong và côn trùng thụ phấn có ích).

Theo Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ, hiện có hơn 40 loại GMO được công nhận thỏa mãn tiêu chuẩn thực phẩm và y tế. Đó là các giống cà chua được thay đổi gene điều khiển độ chín, giống đậu tương chống cỏ dại, giống bông và ngô chống sâu bệnh... Thực phẩm biến đổi gene chính thức được sử dụng tại Mỹ từ năm 1996. Diện tích trồng ngô và đậu tương biến đổi gene tại Mỹ, Canada, Argentina, Brazil chiếm gần 100%. Tại các nước này, hơn 500 triệu dân sử dụng sản phẩm biến đổi gene từ gần 20 năm trước.

Góc nhìn tại Việt Nam

Theo Nghị định 69/2010/NĐ-CP về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gene, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gene, sinh vật biến đổi gene phải được ít nhất 5 nước phát triển cho phép làm thực phẩm và chưa xảy ra rủi ro ở các nước đó. Theo Thông tư 02/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước phát triển là nước có nền công nghệ sinh học tiên tiến trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhóm các nước có nền kinh tế lớn (G20).

Cũng vì cẩn trọng nên năm 2015, Việt Nam mới cho phép trồng ngô GMO và đến năm 2020 dự báo diện tích trồng các giống cây biến đổi gene sẽ chiếm 30 - 50%. Hiện nay, hơn 90% lượng đậu nành nhập khẩu vào Việt Nam là giống biến đổi gene. Bên cạnh đó là ngô hạt, cà chua.

Trước những luồng dư luận trái chiều, người dân Việt Nam khá lo lắng khi mua sắm vì gần như không thấy sản phẩm nào đề cập đến yếu tố biến đổi gene trên bao bì. Họ chưa biết tin vào đâu vì không tìm thấy những khẳng định chính thống về vấn đề này. Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (Quatest 3) đã dành một năm, từ tháng 10/2008 - 10/2009, để khảo sát sự có mặt của sinh vật biến đổi gene trong nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường TP.HCM. Nhóm này đã lấy 323 mẫu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ.

Tất cả đều không ghi thông tin có sử dụng công nghệ biến đổi gene, tuy nhiên, khi đưa vào phân tích, đã phát hiện 111 mẫu là sản phẩm của các loại cây trồng GMO. Trong đó có 45 mẫu ngô, 29 mẫu đậu nành, 16 mẫu khoai tây, còn lại là cà chua và một số loại đậu. Trong 23 mẫu ngô xác định được loại gene cụ thể, có 4 mẫu có hàm lượng GMO trên 20%. Với đậu nành, trong 12 mẫu xác định được dòng gene đều có hàm lượng từ 30% đến trên 93%.

Vì vậy, người dân rất hy vọng sẽ có một cơ quan nhà nước hay cơ quan khoa học đủ thẩm quyền được trang bị đầy đủ máy móc, kỹ thuật để kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu biến đổi gene khi chúng được nhập về Việt Nam. Từ sự kiểm tra đó sẽ công bố cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp họ yên tâm khi sử dụng.

 

Giống ngô nền tảng NK66 là một giống ngô bình thường, được tạo ra bằng công nghệ truyền thống, hiện là nhóm có diện tích lớn nhất. Giống chuyển gene được tạo ra từ giống nền NK66 được bổ sung gene BT (gene kháng sâu đục thân), gene GT (gene chịu được thuốc trừ cỏ).

 

TRẦN HẠ AN/ DNSG