clock

Công Nghệ

11:04 16-10-2015

Những xác chết di động khổng lồ trong làng công nghệ

Thương vụ lớn nhất lịch sử làng công nghệ Dell - EMC đã bộc lộ một vấn đề nổi cộm hiện nay với những gã khổng lồ: Khốn khổ vì Cloud.

Trong bài báo mới xuất hiện trên tờ Wired, tác giả đã ví hàng loạt các hãng công nghệ lớn gồm cả HP, Cisco, Dell, IBM và Oracle như những “walking dead” - xác chết biết đi. Tất nhiên họ vẫn bán được hàng, vẫn làm ra tiền nhưng với tư cách là những gã khổng lồ công nghệ, họ chẳng khác gì những cái xác chết di động. Dưới đây là bài phân tích chi tiết về nhận định này.


Đầu tiên, Pure Storage – một công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon bán các loại phần cứng lưu trữ dữ liệu số mới chính thức IPO tại phố Wall. Sau đó, đến lượt Dell thông báo đã hoàn tất việc mua lại EMC – một công ty về lưu trữ dữ liệu có quy mô lớn và lâu đời hơn nhiều so với Pure Storage. Cùng lúc, tại chuỗi sự kiện công nghệ diễn ra ở Las Vegas, Amazon đã giới thiệu hàng loạt dịch vụ điện toán đám mây mới cho phép người dùng lưu trữ một lượng lớn dữ liệu mà không cần phải đầu tư vào các thiết bị phần cứng.

Có thể hình dung đơn giản như sau. Trong nhiều thập kỷ qua, nếu đang điều hành một doanh nghiệp lớn và cần phải lưu trữ rất nhiều dữ liệu, EMC sẽ là cái tên đầu tiên bạn nghĩ tới. Bạn cần phải trả tiền để mua những máy móc nặng nề để lưu trữ dữ liệu trên các ổ cứng trong đó. Vấn đề ở đây là, bất cứ khi nào muốn trữ thêm dữ liệu, bạn lại phải tiếp tục trả tiền cho EMC. Điều này khiến công ty trở nên hết sức giàu có.

Tuy nhiên, khi những công ty nhỏ hơn như Pure Storage ra đời và bán không gian lưu trữ dữ liệu qua bộ nhớ flash – một công cụ nhanh hơn và tiết kiệm hơn so với ổ cứng nhưng lại cho phép bạn lưu trữ được lượng dữ liệu nhiều hơn.

Quan trọng nhất, những công ty điện toán đám mây như Amazon đang bắt đầu xâm nhập thị trường với dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên máy chủ. Hệ thống này kết nối Internet liên tục và bạn có thể truy cập vào dữ liệu của mình bất cứ khi nào và tại bất kỳ đâu. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ hoàn toàn không cần phải chi tiền cho những thiết bị phần cứng tốn kém của EMC hay bất kỳ công ty nào khác.

Kết quả là, EMC - “ông lớn” một thời trong làng công nghệ buộc phải tìm đến con đường sáp nhập với Dell - một công ty cũng đang trải qua giai đoạn kinh doanh chẳng hề thuận lợi chút nào. “Bệnh dịch” này còn lan tràn tới cả HP, IBM, Cisco và Oracle. Biên tập viên của tờ Bloomberg thậm chí còn đặt câu hỏi: “Tại sao IBM, HP, EMC, Dell và Cisco lại không sáp nhập cùng nhau và giải quyết vấn đề này?”

Vậy vấn đề thật sự ở đây là gì? Và nếu IBM, HP, EMC, Dell và Cisco cùng hợp nhất, công ty đó sẽ tên là gì? Vẫn là Biên tập viên của tờ Bloomberg, Ashley Vance gợi ý rằng chúng ta nên gọi nó là “Khốn khổ vì Cloud

“The Cloud” là một thuật ngữ mang rất nhiều nghĩa trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ý nghĩa thông dụng nhất có lẽ xuất phát từ IBM, HP, EMC, Dell, Cisco và những công ty công nghệ khác. “The Cloud” hiểu đơn giản nhất là cách mà những gã khổng lồ Internet như Amazon, Google và Facebook xây dựng nên doanh nghiệp của họ.

Các công ty này tạo ra những doanh nghiệp Internet khổng lồ - phải vận hành hàng trăm, hàng nghìn và thậm chí hàng chục nghìn máy tính. Tuy nhiên, họ nhận thức được rằng không thể sử dụng phần cứng và phần mềm từ những nhà cung cấp có sẵn.

Dĩ nhiên họ không thể sử dụng những thiết bị lưu trữ truyền thống từ EMC, dịch vụ của Dell, HP hay IBM. Họ cũng không thể dùng hệ thống mạng từ Cisco hay cơ sở dữ liệu của Oracle. Tất cả đều quá đắt đỏ và quan trọng hơn là không thể mở rộng được - đồng nghĩa với việc họ không thể ôm tham vọng “thống trị thế giới”.

Chính vì vậy, Amazon, Google và Facebook đã tự xây dựng hệ thống phần cứng và phần mềm mới có thể mở rộng một cách dễ dàng. Họ tự xây dựng dịch vụ, thiết bị lưu trữ và cả mạng lưới, cơ sở dữ liệu riêng của mình. Họ chủ động về thiết bị phần cứng để giảm chi phí, thậm chí trong một vài trường hợp, có thể thay thế từ từ ổ cứng thành ổ flash. Họ xây dựng cơ sở dữ liệu để liên kết dữ liệu từ “siêu hệ thống bộ nhớ” của hàng chục, trăm và thậm chí hàng nghìn máy tính, một hệ thống ngầm hoạt động nhanh hơn cả bộ nhớ flash.

Cuộc chơi chia sẻ

Tuy nhiên, những công ty kể trên không giữ hệ thống đó cho riêng mình mà chia sẻ ra bên ngoài. Bằng chứng là hiện tại, tất cả những sản phẩm mà Amazon, Google và Facebook xây dựng đã xuất hiện tại rất nhiều nơi trên thế giới. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh Internet đang ngày một mở rộng và chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn khác xuất hiện.

Amazon hiện đang lên kế hoạch tạo ra cơ sở hạ tầng cho riêng mình trong mảng điện toán đám mây. Google cũng đang có những động thái tương tự. Trong khi đó, Facebook thậm chí đã ra mắt cả thiết kế phần cứng và mềm riêng để những công ty khác cũng có thể xây dựng hệ thống của chính họ theo những cách tương tự như vậy. Đây gọi lànguồn mở.

Với nguồn mở, những công ty mới gia nhập thị trường hoàn toàn có khả năng cung cấp thiết bị phần cứng và phần mềm hoạt động tốt như của Amazon, Google và Facebook đã xây dựng. Số lượng này không chỉ bao gồm Pure Storage mà còn cả những hãng sản xuất máy chủ như Quanta; Công ty giải pháp mạng Cumulus Networks hay Big Switch; Nhà sản xuất phần mềm như MemSQL và MongoDB.

Tất cả những điều kể trên lý giải tại sao nhiều ông lớn bao gồm cả IBM, HP, EMC, Dell và Cisco đều đang lâm vào cảnh “khốn khổ vì Cloud”. Họ có thể vẫn cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của riêng mình. Bán phần mềm và phần cứng giống như của Facebook. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Và nếu tiếp tục tiến sâu hơn vào điện toán đám mây, nó sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới những mảng kinh doanh hiện có. Tất cả đều đang ở trong tình thế vô cùng khó khăn.

Ngay cả Oracle - đế chế khổng lồ được xây dựng trên cơ sở dữ liệu đắt đỏ cũng không thể tránh khỏi tình trạng này. Sự khác biệt duy nhất có lẽ là Oracle đã thành lập được một đội ngũ nhân viên kinh doanh quá tốt và họ vẫn bán được sản phẩm cho các doanh nghiệp kể cả khi nó không có hiệu quả về mặt kinh tế. Đó được gọi là Nắm đấp thép của Larry Ellison (CTO của Oracle).

Đáng lo ngại hơn, những “bậc tiền bối” trong làng công nghệ như Microsoft cũng đang chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, Microsoft có phần may mắn khi họ đã tiến những bước nhanh và chuyên nghiệp hơn vào thị trường điện toán đám mây. Giống như Amazon, Google và Facebook, công ty này đang vận hành những dịch vụ Internet khổng lồ, bao gồm cả công cụ tìm kiếm Bing. Điều này đồng nghĩa với việc họ cũng buộc phải xây dựng được trung tâm dữ liệu phần cứng và mềm của riêng mình. Và Microsoft Azure đang là vũ khí cạnh tranh tốt nhất của họ đối địch với Amazon trong mảng điện toán đám mây.

Ngoài ra, Microsoft còn gặp phải một vài vấn đề khác. Một trong những cỗ máy kiếm tiền tốt nhất của họ là hệ điều hành Windows. Tuy nhiên, lượng người dùng Windows trên điện thoại di động, máy tính bảng và những thiết bị khác đang ngày một ít hơn. Vấn đề này lại có tên là Khốn khổ vì Di động.

Cuộc chơi đang nghiêng về ai?

Rõ ràng, Pure Storage đang hoạt động tốt hơn so với EMC. Những thiết bị mà họ cung cấp sẽ luôn có vị thế nhất định trên thế giới, tuy nhiên, tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào dịch vụ điện toán đám mây - tức là phụ thuộc vào Amazon.

Nói như vậy là bởi Amazon đang có hệ thống điện toán đám mây lớn nhất thế giới. Dịch vụ của họ hiện diện trong rất nhiều doanh nghiệp. Tuần trước, công ty này còn tuyên bố cung cấp thêm cả công cụ phân tích cơ sở dữ liệu và những dịch vụ phần mềm khác. Nếu sử dụng Amazon, bạn sẽ không cần tới máy chủ và những phần cứng từ Dell, HP, EMC hay Cisco cũng như không cần tới cơ sở dữ liệu từ Oracle và IBM.

Hiện tại, có lẽ chỉ Google và Microsoft xứng đáng là đối thủ cạnh tranh của Amazon. Những tên tuổi khác như HP, Oracle và IBM cũng bắt chước theo mô hình của Amazon. Tuy nhiên, họ đều đang bị tụt lại phía sau khá xa và khó có thể đuổi kịp Amazon trong một sớm một chiều. Vào lúc này, Amazon đã có thể cảm nhận được hơi nóng của Google và Microsoft đang ở rất gần. Trên thực tế, Microsoft đã tiến được những bước xa hơn Google.

 

Theo Trí Thức Trẻ