Thế Giới
06:45 04-12-2015Putin và những lần dùng kinh tế để “trả đũa” chính trị
Cơ quan chức năng Nga thường đưa ra các lý do y tế và an toàn làm lý do cho việc cấm sản phẩm nước ngoài.
Chỉ vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có động thái đầu tiên: nhằm vào thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ. Các biện pháp trả đũa khác nhanh chóng được triển khai sau đó.
Theo hãng tin Bloomberg, sau khi áp dụng quy trình kiểm tra bổ sung phức tạp đối với hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ tại biên giới, Nga áp lệnh cấm đối với rau Thổ Nhĩ Kỳ và hạn chế đối với các hãng bay của nước này. Moscow vẫn thường tung những biện pháp tương tự để đáp trả đối thủ mỗi khi mâu thuẫn địa chính trị bùng phát.
Ông Christopher Granville, một nhà cựu ngoại giao Anh ở Moscow bình luận, Nga không phải là quốc gia duy nhất sử dụng chiến lược trả đũa như vậy, nhưng về tốc độ và phạm vi trả đũa bằng cách này thì không ai bằng được Nga.
“Đây đơn giản chỉ là dùng kinh tế cho những lý do chính trị”, ông Granville nói. “Đòn bẩy trong tay Nga là nhu cầu mạnh của thị trường này đối với các mặt hàng thực phẩm. Đặc điểm khác biệt của Nga khi sử dụng các biện pháp trả đũa nhằm vào thực phẩm là các biện pháp này không hoàn toàn chính thức. Chẳng hạn, lỗi chất lượng sản phẩm bất ngờ bị nhà chức trách Nga phát hiện trong rượu vang Moldova hay nước khoáng Gruzia”.
Cơ quan chức năng Nga thường đưa ra các lý do y tế và an toàn làm lý do cho việc cấm sản phẩm nước ngoài. Tuy nhiên, vào hôm 30/11 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang bị các nhà lãnh đạo ở Ankara “bắt làm con tin” vì vụ bắn hạ chiếc Su-24 Nga.
Dưới đây là một số quốc gia từng bị Nga sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại do căng thẳng chính trị,
Moldova
Thời điểm bị Nga trả đũa: Tháng 9/2013
Sản phẩm: Rượu vang Moldova
Lý do đưa ra: Không thuần khiết
Bối cảnh: Moldova định đàm phán một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU), khiến Nga “nổi giận”. Nhà chức trách Moldova bảo vệ chất lượng rượu vang của nước này, nói rằng các tuyên bố của Nga là vô căn cứ.
Thời điểm bị Nga trả đũa: Tháng 7/2014
Sản phẩm: Hoa quả tươi. Gần 90% hoa quả tươi xuất khẩu của Moldova là sang Nga
Lý do đưa ra: Nhiều sai phạm, có những sinh vật có thể gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp Nga.
Bối cảnh: Vào tháng 6/2014, Moldova ký một thỏa thuận hợp tác với EU. Trước đó, Chính phủ Nga đã cảnh báo xuất khẩu của Moldova sẽ “lâm nguy” nếu họ ký thỏa thuận này. Tháng 10 vừa qua, Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với hoa quả tươi của Moldova.
Ukraine
Thời điểm bị Nga trả đũa: Tháng 7/2013
Sản phẩm: Các loại kẹo do công ty Roshen của Ukraine sản xuất. Công ty này thuộc sở hữu của Petro Poroshenko, người trở thành Tổng thống Ukraine vào năm 2014.
Lý do đưa ra: Có chất gây ung thư
Bối cảnh: Nga gây sức ép đòi Ukraine gia nhập liên minh hải quan do Moscow dẫn đầu, trong khi Ukraine muốn ký một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) với EU. Ukraine bảo vệ Roshen, nói công ty này tuân thủ đầy đủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của cả Ukraine và Nga.
Thời điểm bị Nga trả đũa: Tháng 1/2015
Sản phẩm: Thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp
Lý do đưa ra: Lo ngại về sản phẩm của EU xâm nhập vào Nga qua Ukraine
Bối cảnh: FTA EU-Ukraine có hiệu lực trong cùng tháng 1/2015.
Gruzia
Thời điểm bị Nga trả đũa: 2006
Sản phẩm: Nước khoáng Borjomi, rượu vang, và nông sản
Lý do đưa ra: Lo ngại an toàn
Bối cảnh: Gruzia trục xuất một số người mà nước này cho là gián điệp Nga. Lệnh cấm của Nga đối với các sản phẩm Gruzia được dỡ vào năm 2013, tức 5 năm sau ngày xảy ra cuộc chiến tranh 5 ngày giữa hai nước.
Lithuania
Thời điểm bị Nga trả đũa: Tháng 10/2013
Sản phẩm: Các sản phẩm sữa
Lý do đưa ra: Lo ngại an toàn
Bối cảnh: Lithuania giữ ghế Chủ tịch luân phiên của EU và tích cực trong việc thuyết phục Ukraine ký một thỏa thuận hợp tác với EU. Ủy ban Châu Âu (EC) đã bảo vệ Lithuania, bày tỏ sự tin tưởng vào sự an toàn của các sản phẩm sữa từ Lithuania. Lệnh cấm đã được Nga nới mới đây khi Lithuania kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU.
Latvia, Estonia, Ba Lan
Thời điểm bị Nga trả đũa: Tháng 6-8/2015
Sản phẩm: Cá trích Latvia, cá đóng hộp Estonia, hoa quả và bắp cải Ba Lan
Lý do đưa ra: Có dư lượng chất độc đối với sản phẩm của Latvia và Estonia; vi phạm chứng chỉ và có sinh vật gây hai trong sản phẩm Ba Lan.
Bối cảnh: Ba nước này - đều là những nước có biên giới với Nga - ủng hộ việc châu Âu trừng phạt Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và muốn tăng cường sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực.
Hà Lan
Thời điểm bị Nga trả đũa: Tháng 7/2015
Sản phẩm: Hoa tươi
Lý do đưa ra: Sinh vật có hại và bệnh có nguy cơ gây thiệt hại cho nền nông nghiệp Nga.
Bối cảnh: Nga và Hà Lan mâu thuẫn về cuộc điều tra tìm ra nguyên nhân khiến chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraine. Hiệp hội Thương mại Hoa Hà Lan nói Nga không phải là quốc gia duy nhất phàn nàn về sâu bệnh có trên hoa Hà Lan, nhưng các thành viên hiệp hội đang nỗ lực phát triển các loại thuốc trừ sâu bệnh mới để giải quyết vấn đề.
Iceland
Thời điểm bị Nga trả đũa: Tháng 8/2015
Sản phẩm: Cá
Lý do đưa ra: Iceland ủng hộ việc trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bối cảnh: Iceland, dù không phải là thành viên EU, đã trừng phạt Nga vì việc nước này sáp nhập bán đảo Crimea ly khai từ Ukraine.
Tin liên quan
- Báo Singapore nói về chính sách “chưa từng có” cho các trung tâm tài chính sắp hình thành của Việt Nam
- Ác mộng tại 1 công ty TMĐT nổi tiếng: Nhân viên không được biết tên thật, làm cùng ngành sau khi nghỉ việc sẽ phải bồi thường, có người mất hơn 24 tỷ đồng
- Ứng cử viên thủ tướng Đức muốn mở lại đường ống khí đốt Nga, nói lệnh trừng phạt Moscow đang ‘kết liễu’ doanh nghiệp Đức và làm giàu cho Mỹ
- Mỹ trừng phạt Nga thêm gói mới, một loạt quốc gia mừng thầm vì sắp trúng lớn: Nắm trọn thị trường màu mỡ châu Á, bán dầu với giá ngày một đắt đỏ