clock

Bất Động Sản

21:21 10-01-2017

Quảng cáo bất động sản: Có nên chi bạo?

Từ năm 2015, quảng cáo, marketing trong lĩnh vực bất động sản dần hồi sinh. Nhiều nhà phát triển đã mạnh dạn móc hầu bao quảng bá hình ảnh bất động sản để đẩy mạnh bán hàng, trong đó có tài trợ các cuộc thi sắc đẹp, tài trợ những đêm nhạc của các "diva"... khiến chi phí bán hàng gia tăng.

Còn nhớ, năm 2014, khi trao đổi với phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá, kênh truyền thông "truyền miệng" vẫn rất hiệu quả với người mua nhà. Việc quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông là bước đầu để chủ đầu tư thu hút khách quan tâm. Song, khác với những lĩnh vực không thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh, việc chi tiền quảng cáo "bom tấn" cho bất động sản chưa hẳn đã mang đến kết quả cao. Bởi, suy cho cùng, bất động sản với giá trị lên đến hàng tỷ đồng, người mua không thể quyết định chỉ thông qua một mẫu quảng cáo. Chất lượng cuối cùng của sản phẩm mới là điều khách hàng quan tâm.

Muốn đánh giá được nhà ở tốt hay không, người mua thường căn cứ vào uy tín chủ đầu tư và những khu nhà đã vận hành của họ. Do đó, hậu mãi của nhà phát triển nhằm chiếm được cảm tình của cư dân là điều vô cùng quan trọng để được "tiếng lành đồn xa".

Ông Ngô Quang Phúc - Phó tổng giám đốc Him Lam Land chia sẻ, việc đưa một khu nhà ở ra thị trường được chia thành 5 giai đoạn, trong đó, quảng bá trước khi mở bán và sau bán hàng là 2 khâu tác động trực tiếp vào nhận thức của khách hàng. Đặc biệt, nếu khâu sau bán hàng (hậu mãi) không làm tốt thì rất khó để chủ đầu tư tiến hành mở bán các khu nhà tiếp theo.

Do vậy, thay vì đẩy mạnh quảng cáo, chủ đầu tư cân nhắc kỹ vấn để triển khai dự án. Chẳng hạn như với Him Lam Chợ Lớn, 1.500 căn hộ, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, theo kế hoạch phải chi khoảng 1% cho quảng bá (tức 30 tỷ đồng) nhưng chủ đầu tư chỉ chi 0,2%, phần còn lại khoảng 23 tỷ ưu tiên đầu tư tiện ích cho khu nhà, thuê đơn vị quản lý uy tín.

Việc đầu tư vào chính sản phẩm là phương thức quảng bá lâu dài của chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Phúc, việc chi nhiều hay ít cho các kênh truyền thông tùy vào quan điểm cũng như khả năng của từng doanh nghiệp bất động sản.

Thực tế đã có những doanh nghiệp chi bạo cho các chương trình quảng bá, nhưng dù là phục vụ cho mục đích bán hàng hay nâng cao uy tín thương hiệu thì trong bất động sản, hình ảnh chứng minh thuyết phục nhất vẫn là những gì mà doanh nghiệp đã làm được.

Cũng theo chia sẻ của các doanh nghiệp bất động sản, tùy vào từng khu nhà mà chủ đầu tư sẽ có cách tiếp cận khách hàng. Chẳng hạn, với đất nền ở khu vực vùng ven TP.HCM, việc chi tiền cho quảng cáo trên các phương tiện truyền thông truyền thống chỉ một phần, thường trước khi mở bán 2 - 3 tuần, đội ngũ bán hàng đã phải "đóng quân" ở địa phương có đất nền hoặc khu vực có khách hàng mục tiêu để "truyền thông tại chỗ”.

Trong khi với những khu nhà siêu sang, doanh nghiệp thậm chí duyệt danh sách khách hàng mục tiêu và tổ chức roadshow ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm.

 

 

THIÊN YẾT