clock

CEO Việt

07:47 27-09-2015

Quỹ 500 startups: Việt Nam sẽ thay đổi cuộc chơi tại Đông Nam Á

Việt Nam, với dân số 90 triệu người đang trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Lượng người sử dụng Internet tại đây vào khoảng 40 triệu người, smartphone là 20 triệu là dấu hiệu cho thấy nhiều tiềm năng phát triển kinh doanh trên thị trường này, đồng thời mở ra một cánh cửa cho các quỹ đầu tư bước vào.

Cuộc trò chuyện mới đây với các đối tác của quỹ đầu tư mạo hiểm 500 startups là Eddie Thai và Binh Tran sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tiềm năng cũng như kế hoạch dành cho thị trường Việt Nam của nguồn quỹ này.

Trong khoảng thời gian chờ đợi trước buổi hẹn gặp Eddie Thai và Binh Tran, đối tác quản lý Khailee Ng cho biết: “Việt Nam chưa bao giờ phải sẵn sàng để chào đón chúng tôi, mà chính chúng tôi phải sẵn sàng để được đầu tư vào Việt Nam”.

Việt Nam, với dân số 90 triệu người đang trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á. Lượng người sử dụng Internet tại đây vào khoảng 40 triệu người, smartphonelà 20 triệu là dấu hiệu cho thấy có nhiều tiềm năng phát triển kinh doanh trên thị trường này, đồng thời mở ra một cánh cửa cho các quỹ đầu tư bước vào.

Thai và Tran là các chuyên gia về startup, cho biết họ đã để ý đến Việt Nam từ trước và sẽ không bỏ qua cơ hội đầu tư vào thị trường màu mỡ này. Bộ đôi cho hay họ không giới hạn số lượng 500 startups, tùy theo tình hình để có thể có những phương án hợp lý nhất.

PV: Thị trường châu Á đông dân, nhiều cơ hội, nhìn chung đang thu hút rất lớn các nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới. Tại sao Việt Nam lại là lựa chọn để đầu tư thành lập các công ty khởi nghiệp?

Thai: Thực ra Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất mà quỹ hướng tới. Sau dự án 500 startups này, chúng tôi sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư tại các nước châu Á khác.

 

Eddie Thai

Khi xem xét một thị trường cụ thể, chúng tôi mất rất nhiều công sức để có thể đưa ra những kế hoạch tốt nhất.

Dự án 500 startups này được cân nhắc kỹ lưỡng bởi hàng loạt các điều tra và lựa chọn từ quy mô thị trường, thời gian, đội ngũ nhân lực và cả sự sẵn sàng của chúng tôi với chính thị trường này nữa.

Việt Nam hiện đang là quốc gia thích hợp nhất với các tiêu chí của dự án nên được lưa chọn để đầu tư.

Tran: Từ năm 1990, Việt Nam nằm trong nhóm các nước phát triển nhanh thứ hai trên thế giới. Startup tại đây cũng tương đối phát triển. Dự án 500 startups được đánh giá là một nước cờ quan trọng đối với tham vọng kinh doanh của chúng tôi tại Đông Nam Á.

Các công ty này khi được thành lập sẽ trở thành những “hạt giống” thu hút nguồn vốn đầu tư, từ đó tạo nên một nguồn lực đủ mạnh để tiếp tục phát triển các công ty khác. Việt Nam có đầy đủ các tiềm năng từ dân số, GDP và ngành thương mại điện tử đang vô cùng phát triển.

Chúng tôi không thể phủ nhận rằng tại đất nước có nhiều người online nhất Đông Nam Á đang đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế vĩ mô của toàn khu vực.

PV: Các ông trông đợi điều gì sau khi đầu tư vào Việt Nam cũng như có những đánh giá như thế nào về môi trường startup tại đây?

Tran: Gạt sang một bên những “ông lớn” công nghệ tại Việt Nam như VNG, VC Corp hay FPT, nhìn chung những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này còn khá non trẻ.

Điều chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm chính là những nhân tài thực sự tại Việt Nam. Phải nói rằng nguồn nhân lực ở đây có chất lượng rất tốt, họ chăm chỉ và có khả năng tự học hỏi để hoàn thiện.

Do vậy, môi trường startup Việt Nam đầy hứa hẹn có thể phát triển mạnh trong tương lai. Một sự đột phá sẽ trở thành cú hích biến startup Việt Nam trở thành nơi mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn rót vốn vào. Và chúng tôi đương nhiên sẽ là những người đầu tiên.

PV: Điều đầu tiên được thực hiện khi đầu tư tại Việt Nam là gì?

Thai: Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào công việc xây dựng đội ngũ, cơ sở hạ tầng cũng như các thủ tục để có thể phát triển hoạt động tại Việt Nam. Có một vài công ty startup mà chúng tôi muốn hợp tác và đang trong quá trình kí kết. Trong vài tháng nữa mong rằng con số đó sẽ nhiều hơn.

PVCác ông có quan điểm cụ thể như thế nào về sự phát triển kinh doanh tại Việt Nam khi so sánh với các nước khác tại Đông Nam Á?

Tran: Việt Nam đang là nước có số lượng các công ty startup nhiều thứ 3 trong khu vực với con số 1356. Đứng đầu là Indonesia với 1707, thứ hai là Singapore với 1454 công ty. Quỹ đầu tư 500 startups được kỳ vọng sẽ xóa đi khoảng cách hiện nay. Chúng tôi tin là tài năng cũng như các cơ hội ở Việt nam sẽ giúp chúng tôi thực hiện được mục tiêu của mình.

 

Binh Tran

PV: Những công ty startup sắp tới sẽ có được sự hậu thuẫn từ chính phủ hay từ những tổ chức cá nhân? Liệu các ông có làm hết sức để kết nói các doanh nghiệp non trẻ này với các nhà đầu tư?

Thai: Chính phủ Việt Nam giờ đây nhận thấy rằng, việc phát triển trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ thông tin đang mang lại nguồn thu lớn và chiếm tỷ trọng cao so với các ngành khác trong GDP, đồng thời cải thiện đời sống của người dân.

Tuy hiện nay nhiều mô hình kinh doanh đang bị giới hạn và chưa được ủng hộ đúng mức, nhưng hy vọng trong vòng vài năm sắp tới, cách nhìn này sẽ thay đổi và mở ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp.

Mới đây Phó Thủ tướng chính phủ đã có một buổi gặp gỡ với các công ty startup với rất nhiều ngành nghề khác nhau. Chính phủ cũng đang hợp tác với World Bank trong việc hỗ trợ các nguồn vốn cũng như giảm thiểu các thủ tục hành chính để các tổ chức nước ngoài có thể đầu tư dễ dàng vào Việt Nam hơn.

PV: Ông có ý định đưa vào Việt Nam những nhân tố để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm đầu tư hay không?

Thai: Mọi chuyện diễn ra vô cùng nhanh chóng, tôi gặp Khailee vào năm 2014 tại World Cup Brazil. Lúc đó anh ấy vẫn chưa gia nhập 500 startups hay lên tiếng về kế hoạch huy động vốn nào cả. Dự án mà anh ấy đầu tư là Grab Taxi hiện nay có giá trị là 1,8 tỷ đô.

Cho tới đầu năm nay chúng tôi vẫn chưa có ý định đưa những kế hoạch tìm kiếm nguồn tài trợ dành cho các dự án tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng tôi thực hiện vào cuối năm nay thì đó cũng không phải một sự ngạc nhiên quá lớn.

PV: Các ông có kế hoạch đưa thêm một nguồn vốn thích hợp đến Việt Nam?

Thai và Tran: Luật các công cụ tài chính của Mỹ rất khắt khe nên rất tiếc, chúng tôi chưa thể công bố gì trên truyền thông vào thời điểm này.

PV: Xin các ông cho biết, chiến lược cụ thể khi đầu tư tại Việt Nam là gì?

Tran: Chúng tôi tin rằng Việt Nam là nền kinh tế đang lên tại khu vực Đông Nam Á. Hiện tại trên thực tế quỹ 500 startups đang là nguồn vốn duy nhất từ thung lũng Silicon đổ vào Việt Nam.

Chiến lược của dự án: Thứ nhất, khai thác được hết những mối quan hệ từ 2.500 nhà sáng lập đi trước cũng như các thương hiệu mạnh của họ. Thứ hai, tìm ra những công ty kinh doanh hiệu quả nhất để có thể tập trung nguồn vốn, phát hiện được những đội ngũ tuyệt vời nhất, sản phẩm tốt nhất và cuối cùng cho ra đời được danh sách các lĩnh vực phù hợp cho các startup theo đuổi.

PV: Quỹ 500 startups liệu có bao giờ đầu tư vào những công ty không về công nghệ hay không?

Tran: Không thể chắc chắn được điều gì trong tương lai. Nhưng hiện tại chúng tôi muốn tập trung phát triển các công ty phần mềm nhiều hơn.

Tôi cũng khá có hứng thú với những lĩnh vực kinh doanh khác như thương mại điện tử, giáo dục, ngân hàng và hệ thống thanh toán, logistics và du lịch.

PV: Chính xác thì, đã có bao nhiêu công ty startup được đầu tư tính đến thời điểm này? Và số vốn đầu tư trung bình là bao nhiêu, thưa ông?

Thai: Trong vòng 12 tháng tới sẽ có 20 công ty được đầu tư. Số tiền chúng tôi đưa ra có thể lên tới 250.000 USD, nhưng nhìn chung sẽ dao động trong khoảng 50.000 USD đến 100.000 USD.

PV: Quỹ VC hiện đang hoạt động như thế nào tại Việt Nam?

Thai: Chúng tôi đang nhìn ra hai hướng đi rõ nét của VC, một trong số đó rất phù hợp với những thị trường mới nổi.

PV: Tất cả các nền kinh tế mới nổi hiện nay đều đang dành chú ý đến mảng kinh doanh qua internet, ông có nhận thấy sự phát triển mạnh này tại Việt Nam hay không?

Tran: Vâng, đặc biệt là thương mại điện tử. Chỉ một thập kỷ trước đây thôi, Việt Nam mới chỉ có 5 triệu người sử dụng internet, giờ đây con số này là 40 triệu người.

Tuy lúc này, thương mại điện tử ở Việt nam chỉ chiếm ít hơn 1% tổng doanh thu bán lẻ (so sánh với con số 6-8% tại Trung Quốc, EU và Mỹ) nhưng tôi tin với sức phát triển nhanh của người dùng internet cũng như smartphone, Việt Nam cũng sẽ đạt được tỷ lệ trên.

Hơn thế nữa, nhu cầu mua bán cũng như thanh toán trên điện thoại ngày càng nhiều khiến chúng ta có lý do để chờ đợi xem, các công ty start-up có kế hoạch như thế nào trước tình hình đó.

Chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm thêm những nhà đầu tư khác trong và ngoài nước, và có thể hợp tác với những quỹ VC khác để hỗ trợ những gì tốt nhất cho các startups của mình.

PV: Các ông còn muốn chia sẻ điều gì với độc giả qua cuộc phỏng vấn này?

Tran: Nếu các bạn suy nghĩ một cách dài hạn và tin tưởng rằng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển, nếu các bạn muốn đóng góp cho nền kinh tế không chỉ với tiền bạc của mình, chúng tôi sẽ cùng các bạn xây dựng nên tương lai.

Tin chúng tôi đi, đối với toàn Đông Nam Á, Việt Nam đang sẵn sàng để thay đổi cuộc chơi.

Quỳnh Anh

Theo Trí Thức Trẻ/e27