clock

Tài Chính

06:23 13-10-2015

Sếp ngân hàng và những cái nhất

Vốn dĩ làm ngành trong ngành tài chính ngân hàng - nghề vẫn được gọi vui là

Nhân ngày 13/10, ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc một vài thống kê nho nhỏ về những người đứng ở vị trí cao nhất của ngân hàng.

Ngân hàng nhiều sếp nhất

Sacombank là ngân hàng “đồ sộ” nhất về quy mô nhân sự Ban điều hành trong hệ thống các nhà băng hiện nay. Mới đây, Sacombank bổ nhiệm thêm 2 sếp Phó từ Southernbank sau khi nhận sáp nhập với ngân hàng này, số thành viên trong ban điều hành của Sacombank lên tới 23 thành viên. Đứng đầu là ông Phan Huy Khang – Tổng giám đốc và đội ngũ 22 Phó tổng giám đốc.

Xếp sau về số lượng sếp là ngân hàng Eximbank . Ban điều hành của Eximbank có 16 người trong đó ông Phạm Hữu Phú làm Tổng giám đốc và 15 Phó Tổng giám đốc khác.

Theo sau là LienVietPostBank, ngân hàng có tổng cộng 13 Phó Tổng giám đốc hỗ trợ cho Tổng giám đốc – ông Phạm Doãn Sơn.

Trong khi đó, một số ngân hàng TMCP khác, bộ máy tinh giản hơn nhiều, chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 số nhân sự cấp cao của 2 ngân hàng trên. Ví dụ như Ban điều hành của SHB chỉ có 7 người, VPBank có 8 người, ACB có 9 người.

Các ngân hàng quốc doanh như Vietinbank, Vietcombank, BIDV ban điều hành cũng bớt cồng kềnh hơn khi chỉ gồm 8-9 người.

Chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi nhất

Ở tuổi 34, ông Trần Hùng Huy đã trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB. Đây cũng là vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam.

Sinh năm 1978, con trai nhà sáng lập Trần Mộng Hùng khởi nghiệp với vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường tài chính ACB từ năm 2002. Hai năm sau, ông Trần Hùng Huy lên làm Giám đốc marketing của ACB. Ở tuổi 30, anh đã là thành viên HĐQT và tiếp tục trở thành Phó tổng giám đốc ngân hàng lúc bước sang tuổi 32.

Năm 2012, không lâu sau khi bầu Kiên bị bắt, ông Trần Hùng Huy được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất – Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB.

CEO ngân hàng trẻ tuổi nhất

Ông Phạm Duy Hiếu được biết đến là Tổng giám đốc ngành ngân hàng trẻ tuổi nhất. Năm 2012, sau khi ông Đặng Quang Minh xin từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc ABBank vì lý do cá nhân, ngân hàng bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc. Khi đó, ông Phạm Duy Hiếu mới 34 tuổi. Trước khi ở vị trí Tổng giám đốc ABBank ông Hiếu từng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc VietABank đầu năm 2012.

Tuy nhiên, ngày 4/5/2015, ông Hiếu bất ngờ từ nhiệm vì lý do cá nhân. Người tạm quyền Tổng giám đốc ABBank là ông Cù Anh Tuấn sinh năm 1972 (43 tuổi).

Sếp ngân hàng có học vị cao nhất

Không chỉ nắm giữ nhiều cổ phần, khá nhiều chủ tịch ngân hàng còn có trình độ học vấn đáng nể.

Chủ tịch HDBank – bà Lê Thị Băng Tâm tốt nghiệp khóa học Quản lý kinh tế cao cấp, Tiến sĩ kinh tế tại Nga chuyên ngành tài chính tín dụng và có Chứng chỉ tài chính quốc tế tại North University London (Anh).

Trước khi về HDBank, bà Tâm từng nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như: Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước; Thứ trưởng, Ủy viên ban cán sự - Bộ Tài chính; Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Chủ tịch Vietinbank – ông Nguyễn Văn Thắng là Tiến sĩ ngành Tài chính lưu thông tiền tệ, Học viện Tài chính - Kế toán. Ông gắn bó với Vietinbank ngay từ khi mới vừa rời ghế nhà trường năm 1996 ở vị trí cán bộ kinh doanh đối ngoại Chi nhánh Ba Đình.

Chủ tịch ACB - ông Trần Hùng Huy là con trai ông Trần Mộng Hùng (người sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - ACB). Ông Huy tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman (Mỹ) vào năm 2002. Năm 2011, ông Huy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate (Mỹ).

Chủ tịch VietABank – ông Phương Hữu Việt tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế. Trước đây, vào giai đoạn 1982-1988, ông được cử đi học tại Đại học Hàng Hải Odessa - Liên Xô cũ. Sau đó về nước và công tác tại Bộ Công an, được biệt phái làm Chủ tịch Công ty Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương - nay là Công ty Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Đầu năm 2011, ông Việt và Công ty Việt Phương đã mua 51 triệu cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Việt Á (17,36%). Đến tháng 8/2011, ông trở thành Chủ tịch của ngân hàng này.

Thời nhiều sếp ngân hàng bị bắt nhất

Lãnh đạo ngân hàng là nghề hấp dẫn bởi thu nhập cao, không dưới mức vài trăm triệu/tháng, thậm chí có sếp ngân hàng nhận thù lao lên tới 3-4 tỷ một năm.

Tuy nhiên, đây cũng là nghề rủi ro và đầy nguy hiểm. Bởi ở cương vị chèo lái ngân hàng của mình, nếu tài năng, bản lĩnh của họ không đủ để tạo dựng uy tín, thương hiệu cho ngân hàng, không mang lại lợi nhuận cho ngân hàng thì không chỉ mình họ, nhân viên mà còn ảnh hưởng đến khách hàng và liên lụy đến cả hệ thống.

TS. Lê Thanh Tâm, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết “Khi chúng tôi làm việc với Bộ Công an về vấn đề xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng, các anh ấy cũng nói lần đầu tiên có nhiều người trong ngành ngân hàng bị bắt tới vậy”.

Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng bị bắt trong thời gian qua đã gây xôn xao dư luận

Theo Tri Thức Trẻ