clock

Doanh Nghiệp

10:32 23-09-2016

TÁI CẤU TRÚC DOANH NGHIỆP GIA ĐÌNH: GIAN NAN CHỒNG CHẤT

Doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đang ngày càng chủ động và tích cực trong hội nhập quốc tế. Nhưng với hàng loạt vấn đề đã ăn sâu bám rễ vào hệ thống quản trị, điều hành liệu các DN gia đình có đủ sức để nắm bắt thành công các cơ hội, hạn chế những thách thức thời hội nhập không? Câu hỏi này đang khiến nhiều doanh nghiệp gia đình lo lắng.

Tái cấu trúc DN chính là quá trình điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thay đổi cơ cấu chủ sở hữu và quyền kiểm soát, điều chỉnh bộ máy quản lý, lực lượng lao động, cơ cấu lại nguồn vốn, thay đổi mạng lưới kinh doanh để thích nghi với điều kiện kinh doanh thay đổi, tăng sức cạnh tranh và nâng cao hiệu quả. Mục tiêu chung của tái cấu trúc là đạt được một “thể trạng tốt hơn” cho doanh nghiệp, để hoạt động kinh doanh hiệu quả dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của DN. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc ở các công ty gia đình còn khó khăn, bởi DN thường được cơ cấu và hình thành từ việc giải quyết các vấn đề tức thời của hoạt động sản xuất kinh doanh, diễn ra thường ngày và ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố tác động bên ngoài. Hơn thế, từ các thành viên trong HĐQT công ty, các cán bộ chủ chốt liên quan nhiều đến hoạt động kinh doanh đều là người của gia đình là một hạn chế lớn khiến DN đi theo lối mòn quản trị, trì trệ bộ máy và đồng nghĩa với sự ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “DN cũng cần tái cấu trúc khi đội ngũ lãnh đạo làm việc không hiệu quả. Tính cách, hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân của đội ngũ lãnh đạo DN đóng vai trò quan trọng, bởi chính sự linh hoạt, quyết đoán, dám đương đầu và chấp nhận rủi ro sẽ giúp cho DN có những bước đột phá trong quá trình phát triển của mình. Ngược lại, những người ngại thay đổi, sợ rủi ro sẽ kìm hãm sự phát triển của DN. Khi cơ cấu vốn, cơ cấu tài chính của DN chưa phù hợp và thiếu các kiểm soát tài chính cũng là lúc cần tái cấu trúc. Đây là một lý do mà nhiều DN hiện nay cần tái cơ cấu nguồn tài chính để đảm bảo cho DN hoạt động tốt. Khi quản trị nguồn nhân sự yếu, kém cũng cần tái cấu trúc, điều chỉnh kịp thời và phải có định hướng mang tính lâu dài”. Có thể thấy, việc tái cấu trúc doanh nghiệp là một sự nghiệp ảnh hưởng sâu sắc đến hiện tại và tương lại của cả một doanh nghiệp và cá nhân những nhà quản lý, đặc biệt là lãnh đạo cao nhất của công ty. Đặc biệt đối với doanh nghiệp gia đình, việc tái cấu trúc là một bước ngoặt lớn mà cần sự đồng lòng của HĐQT, các cán bộ nhân viên đều là anh em ruột thịt. Việc tái cấu trúc chỉ có thể thành công nếu nó bao gồm được cả sự thay đổi của bản thân người có quyền lực và trách nhiệm cao nhất của doanh nghiệp. Chính vì vậy, mà chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1 đã cho lên sóng chủ đề: “Chiến lược tái cấu trúc – Chuyên nghiệp hay gia đình” vào ngày 25/9/2016 sắp tới, để các Doanh nhân bàn bạc, tìm ra lối đi cho DN.

CEO Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kosy và các Doanh nhân trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1

Chương trình đề cập đến vấn đề của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Trước đây, vào giai đoạn mới thành lập, để nhanh chóng xây dựng một hệ thống phân phối đáng tin cậy doanh nghiệp đã quyết định dựa vào những người thân, anh em họ hàng trong gia đình của CEO và các cổ đông. Theo đó, những người thân trong gia đình đã đứng ra làm đại lý phân phối các sản phẩm cho doanh nghiệp tại một số tỉnh và thành phố lớn trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đang đứng trước những sức ép to lớn của sự hội nhập và cạnh tranh trên thị trường. Hầu hết các cửa hàng phân phối hiện tại đều hoạt động theo hình thức gia đình, không có hệ thống quản lý và không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty. Điểu  quan trọng là họ rất bảo thủ, không chịu thay đổi và có xu thế an phận, các hoạt động cạnh tranh không được quyết liệt và mạnh mẽ nên đang bị đối thủ lần lượt qua mặt. Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp. CEO cho rằng: “Trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp thì hệ thống phân phối đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đến thời điểm này doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu lại hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Cần chuyển đổi từ mô hình các nhà phân phối gia đình, xoá bỏ các đặc quyền đặc lợi, sang mô hình các nhà phân phối chuyên nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể vận hành theo cơ chế của thị trường để mở rộng, phát triển và cạnh tranh thành công”. Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng: “Một trong những điểm làm nên thành công của doanh nghiệp hôm nay chính là nhờ vào hệ thống phân phối theo hình thức gia đình này. Điều này mang lại cho doanh nghiệp sự ổn định, và linh hoạt trong kinh doanh. Do đó, các cổ đông cho rằng không nên thay đổi mà nên tìm thêm các giải pháp để thúc đẩy và tạo động lực cho họ. Đồng thời, khuyến khích họ để họ tham gia tích cực hơn vào việc mở rộng và phát triển hệ thống theo hình thức “chân rết” cho doanh nghiệp. Làm được điều này, doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục mở rộng và phát triển được mà không gây xáo trộn, tốn kém chi phí”. Đồng ý với quan điểm của CEO bạn Nguyễn Bảo Trâm chia sẻ: “Trước mắt nên đào tạo lại hệ thống nhà phân phối hướng họ theo cách chuyên nghiệp và đưa ra thỏa thuận hợp tác mới. Nếu không đồng ý kiên quyết ngừng hợp đồng. Làm ăn vướng vào tình cảm thì chết chắc”. Ngược lại, bạn Kiều Bảo Lan cho rằng: “DN gia đình đồng lòng vẫn có thể phát triển mạnh mẽ, chỉ cần vạch ra mục tiêu, cơ hội phát triển, lợi ích hợp lý. Chắc chắn họ sẽ đi theo hướng làm nhà phân phối chuyên nghiệp được thôi”. Những ý kiến đa chiều này luôn làm cho Fanpage tạo được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng xã hội.

Để xem lại chương trình, vui lòng truy cập kênh CEOtvnext trên Youtube. Để tham gia góp ý kiến về chủ đề này, hãy truy cập trang facebook fanpage của chương trình: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Để đăng ký tham gia làm người chơi trong chương trình liên hệ theo địa chỉ: chiakhoathanhcong@hoanggia.com.vn hoặc số điện thoại : 04.22670444.

 

Việt Chinh