Trong Nước
06:19 23-01-2016Tăng năng suất lao động cho người Việt ngày càng khó, Bộ trưởng Vinh nói gì?
Phát biểu sáng nay tại Đại hội Đảng toàn quốc XII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Về đổi mới thể chế kinh tế, giai đoạn tới cần đặt trọng tâm với 3 trụ cột chính:
Một là, thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường.
Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm – tương đương tăng trưởng GDP 8%/năm, để đến 2035 đạt thu nhập bình quân đầu người 15-18.000 USD. Để đạt mục tiêu này,con đường duy nhất là phải tăng năng suất.
Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng nó gần như là tất cả. Một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người của quốc gia đó”.
Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục tụt giảm từ cuối những năm 90s đến nay, giờ ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động ngay trong khu vực tư nhân cũng liên tục tụt giảm, ở mức rất thấp.
Việc sụt giảm mức tăng năng suất lao động, theo Bộ trưởng Vinh, có ba nguyên nhân chính:
- Cơ cấu lao động rất lạc hậu. Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn rất nhiều khu vực chính thức. Hơn 44% lao động làm việc trong nông nghiệp – khu vực tạo giá trị gia tăng rất thấp.
- Nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại quyền sở hữu tài sản, giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa.
- Các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.
Vì vậy phải tập trung cao độ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, mà chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, về cả số lượng và chất lượng. Coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế.
Trước mắt phải nâng cao cho được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.
"Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp", Bộ trưởng Vinh nói.
"Nhà nước phải tạo môi trường thuận lợi, xây dựng các trung tâm hướng dẫn, đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Cung cấp kiến thức, nguồn vốn thông qua hình thức quỹ - ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này, nhằm tạo ra làn sóng khởi nghiệp cùng tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội".
Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.
Để duy trì tăng trưởng cao trong thời gian dài, bền vững, cần tăng cường cải cách, tích cực học hỏi, đổi mới sáng tạo. Cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức nghiên cứu khoa học hiện nay đều chưa có động lực để theo đuổi một chương trình tăng năng suất. Do vậy, xây dựng một hệ thống sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.
Hai là, công bằng trong hội nhập xã hội, hay bình đẳng cho mọi người.
Bên cạnh sự phát triển nhanh, vận động theo cơ chế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và cơ hội tiếp cận các phúc lợi xã hội cơ bản. Do đó phải xây dựng được những chính sách đảm bảo công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, nhất là đối tượng yếu thế, thiệt thòi – như dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo..
Ba là, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước
Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do Nhà nước còn thiếu hiệu quả. Do điều kiện lịch sử Việt Nam mà những thiết chế công đã bị thương mại hóa, manh mún, thiếu sự giám sát của người dân.
Theo Trí Thức Trẻ