clock

Thị Trường

08:38 27-10-2022

Tây Nguyên: Nhiều doanh nghiệp xăng dầu xin ngừng kinh doanh

Ngày 26-10, ghi nhận trên các địa bàn TP Gia Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp và Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cho thấy tình trạng "hết xăng còn dầu" diễn ra khá phổ biến, trong đó có nhiều doanh nghiệp xin ngừng kinh doanh.

Đang có 8 doanh nghiệp xăng dầu ở Đắk Nông nộp đơn xin ngừng kinh doanh - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Ông Lương Tiến Nhẫn, giám đốc doanh nghiệp xăng dầu Đạt Thành, cho biết ngoài cây xăng Đạt Thành số 2 (đường Trần Phú, TP Gia Nghĩa) đã đóng cửa hơn 1 tháng qua, các cây xăng khác của công ty tại huyện Đắk Glong, Đắk R’Lấp cũng đã đóng cửa.

Công ty này cũng đã xin ngừng kinh doanh. "Với chiết khấu 0 đồng, mỗi cây xăng chịu lỗ từ 40-50 triệu đồng/tháng, chúng tôi không còn đủ sức gồng lỗ, cũng không còn tiền nhập hàng", ông Nhẫn chia sẻ.

Tại tuyến quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk R’Lấp, nhiều cây xăng cũng đang treo biển "hết xăng còn dầu" hoặc có nhân viên đứng xua tay ra hiệu hết xăng khi có khách ghé lại đổ xăng.

Theo anh Văn Mạnh Cường, quản lý cửa hàng xăng dầu Minh Khoa số 3 (thôn 9, xã Nhân Cơ, Đắk R’Lấp), hơn 10 ngày qua, doanh nghiệp này không nhập được hàng, chỉ còn dầu để bán cho các đầu mối đã hợp đồng.

"Chúng tôi đang tính sang nhượng lại cửa hàng vì chịu lỗ không nổi nữa. Thương nhân nói thiếu xăng nhưng Nhà nước quy định chúng tôi chỉ có thể nhập được từ nguồn duy nhất.

Khi nguồn này không có hàng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải ngừng kinh doanh. Khi có hàng, trừ phí hao hụt, nhân công và cước vận chuyển, mỗi tháng chúng tôi lỗ 40-50 triệu đồng", anh Cường nói.

Sản xuất gặp khó

Ông Vi Văn Phòng, xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức), cho biết đã phải chạy cả chục cây số đến xã Đắk Wer (huyện Đắk R’Lấp) mua xăng để phát cỏ rẫy, nhưng chỉ được mua không quá 200.000 đồng.

"Cả ba cây xăng tư trong Quảng Tâm đều đóng cửa nên tôi phải lặn lội ra đây để đổ xăng. Nhưng mỗi lần đổ cây xăng chỉ đổ cho tối đa 200.000 đồng nên cứ hai ngày tôi lại phải đi đổ lại một lần", ông Phòng bức xúc.

Theo nhân viên các cây xăng thuộc chi nhánh xăng dầu Đắk Nông (Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên), do người dân dồn từ các khu vực lân cận về đổ xăng dầu nên các cửa hàng phải bán hạn chế để còn đủ xăng cho nhiều người.

Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cho biết có tám doanh nghiệp xăng dầu nộp đơn xin ngừng kinh doanh, do thiếu nguồn hàng và chiết khấu thấp, lỗ chi phí vận chuyển, thuê nhân viên.

Theo Tuổi Trẻ