CEO Việt
12:03 10-09-2015TGĐ Bitas: Kinh doanh cũng như cuộc chơi cờ
Từng làm giáo viên nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền đã đưa ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bitas, đến với nghề làm giày truyền thống của gia đình. Sau hơn 20 năm quay cuồng với những dự án kinh doanh, những lô hàng xuất khẩu, những biến động của thương trường, đã có lúc ông chủ hãng giày dép nổi tiếng này nghĩ đến việc quay trở về với nghề "gõ đầu trẻ”...
* Theo ông, trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu vào khu vực và thế giới như hiện nay thì vai trò của doanh nhân được đánh giá như thế nào?
- Kinh tế thế giới đã trải qua bao nhiêu thay đổi, nhất là khoảng một thập kỷ gần đây. Những thay đổi đó ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam và tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Mặc dù còn "mù mờ" về một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng hầu hết các DN Việt Nam đều đã "thấm đòn" trước sự suy thoái của kinh tế thế giới và khu vực. Có DN cầm cự, chèo chống để tồn tại, DN thì đóng cửa, phá sản, qua đó mới thấy vai trò của những người đứng đầu DN là vô cùng quan trọng. Có sóng gió mới bộc lộ bản lĩnh doanh nhân.
Tôi đã có hơn 20 năm làm công tác quản lý từ thời bao cấp cho đến kinh tế thị trường, ngọt bùi - cay đắng, thành công - thất bại đã nếm đủ nên cũng không "giật mình" mỗi khi khó khăn.
Khi hội nhập sâu vào khu vực và thế giới sẽ là sự sàng lọc tự nhiên nhất đối với từng DN, vì thế, mỗi doanh nhân phải tự khẳng định mình bằng các phương thức điều hành. Quan trọng nhất vẫn là làm sao có được phương pháp quản trị, tạo được nguồn nhân lực và mối liên hệ hoạt động trong cộng đồng DN.
* Nhiều hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước sắp được thực thi (Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, TPP, FTA với EU, Hàn Quốc...), một trong những làn sóng cuối cùng để nền kinh tế Việt Nam bứt phá và DN Việt Nam phát triển. Ông và Bitas đã có những hành động cụ thể nào để đón cơ hội này?
- Khi Việt Nam tham gia đầy đủ sân chơi thương mại thế giới thì đó sẽ là cơ hội để các DN Việt Nam "đi ra bằng cửa lớn", nhưng đồng thời cũng là thách thức buộc DN phải "mở to mắt", không còn "mắt nhắm, mắt mở" làm ăn nữa.
Yếu tố hội nhập ở đây không còn sự chủ quan của một quốc gia mà cần phải nương theo các định chế ràng buộc chặt chẽ của các hiệp định mà Việt Nam đàm phán và ký kết; và như vậy DN Việt Nam cũng không thể tự cho mình cái quyền muốn cái này, từ chối cái kia.
Theo một nghĩa tích cực, đây là cơ hội cho DN Việt Nam lớn mạnh hơn, nhưng theo một nghĩa khác thì sẽ có nhiều DN phải bỏ cuộc chơi vì không theo kịp, không chuẩn bị đủ kiến thức, sức khỏe...
Nghĩ đến những điều sẽ và chắc chắn xảy ra, Bitas đã có hơn hai lần tái cấu trúc Công ty. Cái gì cần gọn, tiết giảm thì chúng tôi tiết giảm, cái gì cần gia tăng, cải tiến thì chúng tôi đầu tư cải tiến. Việc này đã được chuẩn bị và tư duy hội nhập đã được quán triệt trong toàn bộ cán bộ, công nhân viên từ nhiều năm nay.
Chúng tôi gợi cho mỗi cán bộ, công nhân viên hiểu rõ các thách thức mới đang ở kề bên, ngay trước mặt và trong tương lai như câu ngạn ngữ Nga: "Hãy coi chừng mặt nước đóng băng và một con chó im lặng". Hằng ngày, hằng giờ Bitas đều nỗ lực thay đổi mình để theo kịp cuộc chơi hội nhập này.
* May mặc và da giày là hai ngành chủ lực của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào nước ngoài và đa phần các DN Việt Nam đều làm gia công. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để giải quyết bài toán này?
- Sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa một nền kinh tế phía Đông với một nền kinh tế phía Tây, giữa nền kinh tế quốc gia này với nền kinh tế quốc gia kia là luôn luôn có, luôn luôn tồn tại và còn tồn tại mãi mãi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Nhưng sự phụ thuộc dòng nguyên phụ liệu của một quốc gia này đối với một quốc gia khác kéo dài từ 10 - 20 năm là khó chấp nhận, nhất là với nguồn nguyên phụ liệu giày da, may mặc, những thứ tưởng chừng như chủ động sản xuất được ở Việt Nam nhưng vẫn phải chịu phụ thuộc vào nước ngoài.
Những nghịch lý này đã được nói nhiều trong các cuộc hội thảo, hội nghị, hội họp trong ngành nhưng rõ ràng bài toán tránh phụ thuộc còn phải tiếp tục bàn thêm thời gian lâu nữa.
Chiếm đến 70% số DN trong nước là DN nhỏ nên việc đầu tư cho sản xuất nguyên phụ liệu các ngành may mặc, da giày đang trở nên quá tầm. Vì suất đầu tư cần vốn quá lớn, có khi cả tỷ USD, nên Nhà nước cần phải xây dựng các đầu vào này để cung cấp lại cho các DN trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tất nhiên, bài toán còn phải tính là sản xuất sao cho giá thành phù hợp, chứ nếu sản xuất trong nước (chưa kể chất lượng) mà giá thành cao hơn nhập khẩu thì chắc chắn sự phụ thuộc nhập khẩu vẫn còn dài dài.
* Hai mươi ba năm là một quãng đường dài cho sự phát triển của một thương hiệu, đến nay, Bitas của ông như thế nào? Ngoài làm giày, hình như ông còn kinh doanh thời trang?
- Đúng vậy! Nếu như thương hiệu Giày Bitas (Công ty Bình Tân) có quá trình phát triển 23 năm thì thời trang Newtop (Công ty Nhật Tân) của chúng tôi cũng đã 22 năm tuổi. Cả hai thương hiệu vợ chồng tôi đều phải trải qua nhiều cam go, thách thức để xây dựng, duy trì, phát triển.
Có những thời kỳ, cả hai công ty có đến 5.000 công nhân, nhưng cũng có những lúc chỉ còn 1.000 - 2.000 công nhân. Hiện tại, chúng tôi cố định bộ máy với khoảng 2.000 người.
Chúng tôi cũng từng làm OEM (gia công), cũng từng buộc công nhân làm "đầu tắt mặt tối" không có ngày nghỉ, cũng có lúc thắng lớn, cũng có khi lỗ lã "đau cả dòng họ” chứ không phải chỉ "đau cái đầu".
Đó là thời điểm Liên Xô sụp đổ, hàng xuất đi mất sạch, để lại số nợ 4 tỷ đồng và chúng tôi phải cày trả nợ. Rồi nhà xưởng cháy, kinh nghiệm thương trường không có nên bị giam hàng... khiến chúng tôi trắng tay.
Sau những thất bại đó, tôi chiêm nghiệm ra nhiều thứ, từ các nguyên tắc quản lý cho đến chi tiết nhỏ nhặt khi điều hành là chỉ thực hiện những gì đã nắm chắc, không mơ hồ. Mà muốn nắm chắc thì phải làm khảo sát, điều tra từ chính sách cho đến thị trường.
Hiện nay, chúng tôi thực thi theo cách riêng của mình là "không tăng ca", đảm bảo các tiêu chuẩn, chế độ để cán bộ, công nhân viên có điều kiện ổn định cuộc sống riêng. Sau thời gian dài kiểm nghiệm, chúng tôi thấy phương cách này tốt vì năng suất lao động của anh em vẫn cao, vẫn đảm bảo.
* Thăng trầm là vậy nhưng ông vẫn không dừng lại mà vừa sản xuất giày dép, quần áo, vừa đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) mà cụ thể là KCN Hàm Kiệm II ở tỉnh Bình Thuận?
- Đó là một hướng đi khác. Khi tỉnh Bình Thuận kêu gọi đầu tư vào KCN, chúng tôi đã thấy tiềm năng này và mạnh dạn tham gia vào lĩnh vực mới. Năm 2008, dự án KCN Hàm Kiệm II với diện tích 433ha do Bitas làm chủ đầu tư đã được cấp phép.
Trải qua thời kỳ khủng hoảng tài chính, chúng tôi vẫn duy trì cách làm cuốn chiếu để xây dựng hạ tầng và đến nay đã thực hiện xong hơn 150ha để đón các nhà đầu tư.
Cái khó là tỉnh Bình Thuận chưa có cảng biển đúng nghĩa mặc dù có đến 190km đường biển. Tuy nhiên, với lợi thế con người, vùng và các chi phí cho suất đầu tư thấp hơn các nơi khác, chúng tôi vẫn đón được nhiều nhà đầu tư (hiện tại, trong khi giá cho thuê đất ở TP.HCM, Đồng Nai là 160 USD/m2 thì Hàm Kiệm II chỉ 30 USD/m2).
Một may mắn nữa là chúng tôi làm hoàn toàn bằng nguồn lực của mình, không phải vay vốn ngân hàng nên mọi thứ vẫn ổn. Mới đây chúng tôi đã xây dựng khu hành chính, dịch vụ, nhà ở cho công nhân trên diện tích 31ha vừa được Chính phủ, Bộ Xây dựng phê chuẩn.
* Trong vòng xoáy kinh tế, đã có nhiều thương hiệu Việt Nam rơi vào tay đối thủ, mới đây Kinh Đô cũng đã công bố bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho nhà đầu tư ngoại. Ông có lo lắng cho số phận của những thương hiệu Việt còn lại?
- Đã là thị trường thì sẽ không còn biên giới trong nước, ngoài nước rõ nét nữa (mặc dù vẫn còn lằn ranh) và việc mua bán, sáp nhập cũng đi theo quy luật chung của thị trường. Chính thị trường sẽ quyết định sự tồn tại, phát triển hoặc triệt tiêu một DN, một thương hiệu.
Điều này đôi khi rất nghiệt ngã nhưng có khi cũng là cơ hội thành công bất ngờ nếu việc một đối tác mua lại một thương hiệu của một DN sẽ làm cho thương hiệu đó mạnh hơn, thành công hơn. Kinh doanh cũng như cuộc chơi cờ, ai phán đoán được tình thế sẽ thắng.
* Nhiều người thân quen chia sẻ rằng ông có một thói quen "rất lạ” là hay nhìn chân người đi đường. Đó có phải là "bệnh nghề nghiệp" của một người "làm giày" không?
- Thói quen của con người cũng là đặc tính để dẫn dắt các bước đi từ chập chững cho đến vững chắc trong cuộc sống cũng như sự nghiệp. Điều đó đã trở thành quán tính của người làm nghề giày dép như tôi. Nhờ nhìn chân xem người ta mang dép gì, loại gì, kiểu dáng gì, chất liệu gì, dáng dấp nào... mà chúng tôi đã liên tục cải tiến sản phẩm.
Để ý bạn sẽ thấy những điều thú vị ở bàn chân mỗi người ở từng vùng miền khác nhau. Chẳng hạn, bàn chân người miền Tây và Tây Nguyên có dáng to, bè vì đi nhiều, còn bàn chân người ở những vùng phía Bắc lại dài và thon. Phải biết như thế chúng tôi mới sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng.
Nhưng cũng có những thói quen nghề nghiệp khác đòi hỏi người ta không nên thay đổi, chẳng hạn như với những người kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, quán ăn. Ví dụ, khi khách hàng đã quen với hương vị loại phở này rồi thì anh không thể pha chế mùi vị khác, vì làm như vậy có khi mất khách.
* Trong giới chơi tem, tranh, tiền xưa ở Sài Gòn, nhiều người xem ông là "bậc thầy" vì ông rất "chịu khó” trong những thú vui này?
- Tranh, tem, tiền xưa là thú chơi khi tôi còn dạy học. Mục đích đầu tiên là tìm hiểu lịch sử thông qua hình vẽ trên tem, trên tiền, góp các kiến thức vào bài giảng cho học sinh. Khi lật lại các bộ sưu tập sẽ bắt gặp từng thời kỳ lịch sử và hiểu hơn hoàn cảnh ra đời của nó.
Nghề chơi này cũng lắm công phu và khi đã mê rồi thì bỏ ra bao nhiêu tiền cho nó cũng không thấy tiếc. Tem, tranh, tiền càng cổ càng có giá trị. Về tranh nghệ thuật thì mỗi tuần tôi đều dành thời gian tìm hiểu. Có dịp đi công tác trong và ngoài nước tôi cũng tranh thủ tìm tòi, sưu tập.
Tôi còn một thú vui khác là viết nhật ký. 37 năm nay, mỗi ngày, dù bận rộn cỡ nào tôi cũng không quên ghi chép lại những việc đã làm, những cảm nhận trong cuộc sống. Để lưu lại những ý nghĩ bất chợt, tôi ghi chú bằng điện thoại và tối về đưa chúng vào nhật ký. Những cuốn nhật ký của tôi sau này cũng có thể bán đấu giá được đấy. (Cười)
* Những thú chơi này có giúp làm giảm căng thẳng khi ông phải đối diện với những áp lực kinh doanh?
- Doanh nhân nào cũng rất bận rộn, cũng bị stress, nhiều khi bị "điên" nữa là đằng khác. Những lúc như thế tôi lại "lôi" những bộ sưu tập của mình ra ngắm nghía, hoặc gặp gỡ bạn chơi, cùng nhau bình phẩm về tem, tranh, tiền cổ...
Cái thú của những người yêu thích những "món này" là được gặp gỡ, trao đổi với những người có chung niềm đam mê, chia sẻ về những kỳ công của mình để có được món đồ yêu thích - những thứ có giá trị tinh thần cao hơn giá trị vật chất. Những lúc như thế, những mệt mỏi, căng thẳng dường như tan biến hết.
Cũng có khi tôi và người thân trong gia đình cùng xem một bộ phim hay, cùng chọn một chỗ ăn uống ngon để thưởng thức. Mỗi tuần, dù bận đến đâu tôi cũng không bỏ qua một buổi dạo nhà sách, mua sách, sưu tầm tranh và dành một buổi gặp gỡ nhóm bạn bè thân thiết. Có như vậy mình mới cân bằng được cuộc sống và công việc.
* Ông và vợ đã cùng điều hành Bitas 23 năm nay. Vợ chồng làm chung có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Cái may mắn của vợ chồng tôi là cùng xuất thân từ nhà giáo, sau khi chuyển sang làm kinh doanh thì chúng tôi cũng tham gia nhiều khóa học về quản lý trong nước và quốc tế. Chúng tôi lại có một đội ngũ quản lý tốt, năng động, chịu khó và cùng đi với chúng tôi suốt chặng đường hơn 20 năm, lớp trẻ kế thừa cũng được bổ sung hằng năm.
Dĩ nhiên, vợ chồng cùng làm một công ty cũng có những xung đột nhất định trong chỉ đạo nhưng dựa vào sự phân công rạch ròi, vợ chồng đều phải tôn trọng nhau. Nhưng càng sống với nhau lâu, tôi chiêm nghiệm được một điều: "Ý kiến vợ tôi đưa ra lúc nào cũng đúng, kể cả những ý kiến sai cũng là đúng".
* Nhiều doanh nhân cho biết, vứt bỏ những áp lực, những căng thẳng với những hợp đồng, dự án làm ăn, họ rất hạnh phúc khi trở về nhà, trong vòng tay những người thân yêu. Còn ông thì sao?
- Gia đình chúng tôi có một nguyên tắc là dành ngày Chủ nhật cho cả nhà, đôi khi là một bữa ăn do cô con gái thích nấu ăn biểu diễn. Khi đã có tuổi, tôi rất hiểu giá trị bữa ăn tại nhà cùng gia đình và mong thường xuyên có những bữa ăn như vậy, tiếc rằng đến nay vẫn chưa được như ý. Công việc, dự án, khách hàng, bạn bè, hội đoàn, mặt trận đã chiếm nhiều thời gian trong ngày của tôi.
* Các doanh nhân thế hệ F1 của Việt Nam như Trần Quí Thanh (Tân Hiệp Phát), Nguyễn Thị Điền (An Phước), Trịnh Đồng (Đại Đồng Tiến)... đều đã và đang chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Ông có ý định cho con "nối nghiệp" không?
- Với cách tiếp cận giáo dục kinh doanh ở nước ngoài, người trẻ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn nên giúp ích rất nhiều trong việc phát triển công ty trong điều kiện kinh tế phát triển. Tuy nhiên, làm sao để vận dụng giữa cái cũ và cái mới thật uyển chuyển và không tạo tâm lý ỷ lại trong người trẻ mới là điều quan trọng.
Chúng tôi may mắn có hai cô con gái đã hoàn thành việc học ở nước ngoài và về trực tiếp công tác tại ba công ty. Cô con gái lớn phụ trách mảng kinh doanh truyền thống, còn con gái nhỏ phát triển kinh doanh trên mạng, mỗi người một việc và đang làm quen dần với cách vận hành công ty.
Sự chuyển giao cho thế hệ kế tiếp là mong muốn của chúng tôi, rất may là hai cháu thích thú và đang đi đúng hướng. Dĩ nhiên, việc chuyển giao sẽ được thực hiện nhưng thời điểm nào thì còn phụ thuộc vào các con.
* Từng học sư phạm nhưng lại chuyển nghề làm giày đến nay, ông có nghĩ "đời mình sẽ gắn với những đôi giày"?
- Tôi may mắn được làm thầy, dù thời gian đi dạy chỉ ngắn ngủi có 5 năm, nhưng từ đó đến nay, hơn 30 năm, lớp học trò cũ vẫn hằng năm tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi tôi vào dịp Ngày Nhà giáo 20/11.
Nhiều học trò của tôi giờ đã thành đạt, tôi thấy rất tự hào về các em. Tôi chuyển sang làm nghề sản xuất giày dép cũng là do cơ duyên và thời cuộc đưa đẩy. Làm nghề nào tôi cũng đều tự hào, cũng mong muốn làm tốt. Biết đâu, khi chuyển giao cơ ngơi cho các con, tôi lại quay về làm thầy giáo.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!
Tin liên quan
- 6 tỷ phú Việt Nam vừa vào Top người giàu nhất thế giới là những ai?
- Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng vọt lên hơn 9 tỷ USD trên bảng xếp hạng của Bloomberg nhờ VinFast, đứng thứ 257 toàn cầu
- CEO lương triệu đô bỏ việc, làm "ông chủ của chính mình": Tưởng liều lĩnh mà hóa ra "ủ mưu" từ lâu, đánh nhanh thắng gọn để nắm giữ loại khoáng sản trăm tỷ
- DU HỌC SINH VIỆT TIÊN PHONG NHẬN ĐƯỢC TÀI TRỢ DỰ ÁN IT CỦA CHÍNH PHỦ CANADA