clock

THƯƠNG GIA

11:56 10-10-2016

TGĐ Viễn Phú: Làm nông nghiệp hữu cơ không khó

Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú là đơn vị sở hữu thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa (Hoasuafoods) đã được đăng ký độc quyền ở Việt Nam, châu Âu và Bắc Mỹ. Thương hiệu này cũng được cấp chứng nhận hữu cơ toàn cầu của USDA - Mỹ và EU từ năm 2012.

Việc ông Võ Minh Khải - Tổng giám đốc Công ty rao chuyển nhượng khu nông nghiệp hữu cơ 320 hecta tại Cà Mau vào đầu tháng 6 vừa qua làm không ít người tiếc nuối... May thay đã có nhiều doanh nghiệp muốn chung tay cùng Viễn Phú tiếp tục phát triển nông sản sạch.  

 

Ảnh: Quý Hòa

Sau gần 4 tháng, kể từ ngày ông chủ nông trại hữu cơ Viễn Phú tham gia chia sẻ về mô hình nông trại hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam - nơi hình thành nên thương hiệu gạo Hoa Sữa, chúng tôi mới có dịp gặp lại ông. Lần gặp này trông ông gầy hơn trước nhưng vẫn đầy nhiệt huyết và vững tin ở cách làm nông sản sạch, nông sản organic.

 

Ông vui vẻ cho hay, Viễn Phú vừa đón hai tin vui. Thứ nhất, khó khăn về vốn đang có hướng giải quyết. Thứ hai, vừa nhận được Giải thưởng Thực hành chất lượng xuất sắc (ANQ Recognition for Excellence in Quality Practice - ARE-QP Award) do Hội Chất lượng châu Á trao tặng hằng năm cho các tổ chức thực hành chất lượng xuất sắc ở các quốc gia châu Á, năm nay tổ chức tại TP. Valdivostock, Liên bang Nga. Viễn Phú là đơn vị duy nhất đến từ Việt Nam nhận giải này cùng 8 doanh nghiệp đến từ 5 quốc gia khác.

Để có được giống lúa tốt, ông phải bôn ba đến nhiều nước tìm nguồn gene, cho ra hạt gạo Việt Nam không chỉ cung cấp lương thực mà còn cung cấp nguồn dược liệu cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời thỏa mãn đam mê nghiên cứu khoa học của người làm nông nghiệp.

Thời gian qua, không ít người bảo ông "khùng". Theo lý giải của họ, chỉ có "khùng" mới bỏ phố về rừng, mới đổ hàng triệu đô la vào cái nơi nhiễm phèn với toàn năn, lác, sậy và đường đi không có. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, "người khùng" năm đó nay đã có thành quả là mô hình nông trại hữu cơ kiểu mẫu của cả nước lẫn khu vực châu Á, thu hút truyền thông trong nước, quốc tế tìm đến đưa tin.

* Nghe nói, ông rao bán nông trại hữu cơ Viễn Phú, thực hư vấn đề ra sao, thưa ông?

- Việc rao bán nông trại hữu cơ Viễn Phú là có thật nhưng tôi chỉ đăng trên Facebook cá nhân chứ không công bố trên báo chí.

* Đang làm ăn tốt, vì sao ông lại đi đến quyết định ấy?

- Thành quả Viễn Phú tạo ra sau gần bảy năm nỗ lực, đến nay nhiều người đã nhìn thấy. Thương hiệu gạo Hoa Sữa từ năm 2014 đã tạo được tiếng vang ở thị trường một số nước. Nhưng thú thật, thời gian qua tôi thấy ngày càng mệt mỏi với việc tạo ra thực phẩm hữu cơ. Dù nhiều người tiêu dùng đã tìm mua thực phẩm sạch, thực phẩm organic nhưng vẫn chưa thể làm tôi phấn chấn lên.

Nhiều lúc tôi thầm nghĩ, phải chi khó khăn của Viễn Phú đang vướng ở khâu công nghệ, phải chi sản phẩm Viễn Phú làm ra không bán được, đằng này không phải thế mà do những khó khăn khách quan trong khi thực phẩm "bẩn" luôn là vấn đề nóng của xã hội. Viễn Phú được biết đến là doanh nghiệp đi tiên phong sản xuất thực phẩm hữu cơ.

Nông trại hữu cơ Viễn Phú là một trong những dự án được cấp phép ưu đãi đặc biệt trong đầu tư nông nghiệp, nhưng cuối cùng vẫn phải tự lực cánh sinh. Trải qua bao gian khó, nay chúng tôi đã nhìn thấy thị trường, nhưng bi kịch của "người đi tiên phong" là... không còn biết đi đâu. Bởi vì nguồn vốn chủ động của Viễn Phú đến nay đã đổ hết vào đầu tư hạ tầng và phát triển nông trại ở tỉnh Cà Mau.

Chính sách ưu đãi đặc biệt dù đã có nhưng đến nay chưa được ứng dụng vào thực tiễn, nên doanh nghiệp chưa thể tiếp cận, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng kết lại sau gần 20 năm gắn bó, hoài bão với cây lúa, hạt gạo, thực phẩm "sạch", điều còn lại trong tôi là sự mệt mỏi. Chính vì vậy, tôi muốn ra đi để tìm vùng đất mới.

* Đã có nhà đầu tư nào muốn sở hữu nông trại Viễn Phú?

- Có nhiều. Một số nhà đầu tư muốn mua lại toàn bộ nông trại của chúng tôi, nhưng cũng có một số nhà đầu tư muốn góp vốn cùng chúng tôi tiếp tục sản xuất - kinh doanh. Không biết có phải là duyên may hay không, nhưng bây giờ tôi vui mừng nói rằng, kể từ khi chia sẻ "nỗi lòng" trên Facebook, có nhiều người quen trong nước lẫn nước ngoài động viên tôi ở lại Việt Nam.

Hiện Viễn Phú đã có đối tác và cũng đang trong quá trình chọn lựa nhà đầu tư tin cậy để cùng đi tiếp đoạn đường sau hành trình 20 năm tiếp cận với nông nghiệp sạch từ sơ khai đến chuyên nghiệp. Nếu điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư, góp phần làm gia tăng sản phẩm "sạch" cho thị trường trong nước lẫn nước ngoài.

* Với những khó khăn thời gian qua, ông có hối tiếc khi chọn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ?

- Nói về nông nghiệp "sạch", tính đến nay tôi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm. Nhưng để tạo ra thực phẩm hữu cơ với những chứng nhận quốc tế thì tôi chỉ mới làm sáu năm trở lại đây. Bỏ qua giai đoạn gian nan, những gì tôi thu được qua những lần thất bại là nhiều bài học kinh nghiệm.

Cuối cùng tôi nhận ra, làm nông nghiệp hữu cơ không quá khó. Người tiêu dùng ngày một nhức nhối về vấn đề thực phẩm "bẩn". Thực phẩm hữu cơ ra đời không chỉ đáp ứng tiêu chí an toàn mà còn có tác dụng thanh lọc chất độc cho cơ thể, góp phần bảo vệ môi trường sống. Một sản phẩm tốt như vậy thì quá phù hợp với nhu cầu thị trường, nên tôi sẽ tiếp tục phát triển, tiếp tục đầu tư tại những nơi có điều kiện tốt.

* Nghe nói năm 2014, Viễn Phú được xem là đơn vị thí điểm xuất khẩu gạo hữu cơ của Việt Nam?

- Vấn đề xuất khẩu gạo hữu cơ đều do chúng tôi tự lo. Thị trường xuất khẩu, Viễn Phú cũng tự tìm. Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định, muốn xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện như phải có ít nhất một kho chuyên dụng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phải có ít nhất một cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.

Với một doanh nghiệp làm gạo hữu cơ ở Việt Nam thì không thể có được lượng gạo lớn như vậy. Tôi làm doanh nghiệp, khi sản xuất ra sản phẩm, khách hàng đặt mua thì tôi bán. Nhưng năm 2013, do dính "rào cản" ấy, Viễn Phú phải xuất khẩu sản phẩm qua một đơn vị trung gian.

Tuy nhiên, để giải quyết những vấn đề thực tiễn, Bộ Công Thương và các bộ, địa phương liên quan đã trình Chính phủ xem xét cho phép Viễn Phú được xuất khẩu gạo hữu cơ theo cơ chế đặc thù, tức không cần đạt đúng hai điều kiện về kho chứa và công suất nhà máy xay xát. Trường hợp này được gọi là "ngoại lệ” nên nhiều ý kiến nói rằng Viễn Phú là đơn vị thí điểm xuất khẩu gạo hữu cơ của Việt Nam.

Tuy nhiên, mỗi năm chúng tôi vẫn phải làm thủ tục để xin xuất khẩu gạo. Năm nay Viễn Phú vẫn tiếp tục sản xuất gạo hữu cơ trên diện tích 250 hecta (2 vụ/năm), sản lượng dự kiến 1.000 tấn. Mới đây, Viễn Phú đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo theo trường hợp đặc thù, để Công ty xây dựng kế hoạch xuất khẩu cho những năm tiếp theo.

* Kết quả sau đó thế nào, thưa ông?

- Dù thị trường đã tốt lên trông thấy, song sức người có hạn, nguồn vốn tự có gần 30 tỷ đồng không đủ giúp Viễn Phú tiếp tục làm nông nghiệp "sạch". Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, từ cơ chế khuyến khích đầu tư nông nghiệp đúng với phân loại đặc biệt ưu đãi trong giấy phép đầu tư theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP.

Tuy nhiên, đến nay tôi vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nên muốn bán nông trại để ra nước ngoài đầu tư. May thay, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư muốn chung tay cùng Viễn Phú tiếp tục phát triển nông nghiệp hữu cơ, làm tôi thấy mừng và có động lực để đi tiếp.

* Khi quyết định xây dựng nông trại tại U Minh (Cà Mau), ông có dự trù trước những khó khăn sẽ phải đối mặt?

- Trước khi bắt tay vào triển khai dự án tại U Minh, tôi nghiên cứu rất nhiều luật và nghị định. Theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ, với lĩnh vực Viễn Phú làm, chúng tôi được cấp phép thuộc loại hình đặc biệt ưu đãi. Khi chọn đầu tư theo hướng nông sản "sạch", tôi có nguồn vốn cơ bản, dự trù tầm 1,5 triệu USD. Vì thế Viễn Phú cần thêm khoảng 1,5 - 2 triệu USD nữa nên chọn phương án vay vốn, nhưng rồi tôi không tiếp cận được các ngân hàng, phải tự xoay xở, từ vốn đầu tư lẫn vốn lưu động.

* Được biết ngoài gạo, Viễn Phú còn có rau và thủy sản "sạch"?

- Viễn Phú đang làm ba sản phẩm, gạo hữu cơ chỉ chiếm 50%. Chúng tôi còn làm gạo hữu cơ chức năng. Loại gạo này có dược tính. Nên ngoài chuyện gạo sạch, gạo dược tính nhắm đến phục vụ những người bị bệnh tiểu đường, béo phì. Đây cũng là sản phẩm tiên phong ở Việt Nam.

* Nhu cầu thực phẩm sạch ở Việt Nam rất lớn, tại sao Viễn Phú lại chú trọng nhiều đến xuất khẩu?

- Ngay lúc bắt đầu làm gạo hữu cơ, tôi chỉ nhắm đến thị trường nước ngoài. Vì thời điểm đó, nhận thức của người tiêu dùng trong nước về gạo hữu cơ còn hạn chế. Tôi cần phải có thị trường để tồn tại. Đó là lý do tôi nhắm đến xuất khẩu trước khi phục vụ thị trường trong nước. Mấy năm trở lại đây, nhiều người tiêu dùng trong nước tìm mua gạo "sạch" để ăn.

Đây chính là cơ hội để chúng tôi - những người làm gạo "sạch", gạo hữu cơ tồn tại và phát triển được ở thị trường nội địa. Đầu tư lĩnh vực nào cũng vậy, cuối cùng nhà đầu tư cũng phải hoàn vốn, có lời. Vấn đề là kiếm lời theo cách nào. Điều quan trọng nhất là đạo đức kinh doanh. Sản phẩm làm ra phải biết chắc chắn chỉ đem điều tốt đến cho người tiêu dùng.

* Có phải những chính sách ưu đãi cùng sức hút từ thị trường nước ngoài đã tạo động lực cho ông đầu tư nông trại tại Việt Nam?

- Tôi khẳng định một lần nữa tôi là người Việt Nam, không phải Việt kiều. Tôi có mấy chục năm buôn bán ở thị trường quốc tế, vì thế có mối quan hệ với doanh nhân nhiều nước. Hơn nữa, mấy chục năm trước tôi cũng đã từng xuất khẩu gạo. Sau thời gian dài, điểm mới của gạo Việt Nam xuất khẩu cũng chỉ là bao bì đẹp hơn, chất lượng gạo có cải tiến nhưng vẫn chưa có thương hiệu.

Do hoạt động trong ngành thực phẩm nên tôi nhận thấy xu hướng tiêu dùng của thế giới, khi nói về gạo thì cần có yếu tố dinh dưỡng, tức phải có các chất như vitamin B1, B2, phospho, kẽm, sắt và nhiều vi chất khác. Nhưng tại Việt Nam, người ta chỉ nói đến gạo thơm, mềm, dẻo, nên tôi muốn thay đổi quan niệm về chất lượng hạt gạo.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030 sẽ có 1 tỷ người bị bệnh tiểu đường. Nhiều nghiên cứu còn cho rằng gạo là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiểu đường. Vậy tôi làm ra gạo ăn không bị tiểu đường hay không làm tăng bệnh tiểu đường theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đây là bước đi quá sớm. Thị trường bây giờ không có ranh giới. Trước đây tôi dành 10 - 15% sản phẩm cho nội địa, vì sức mua lúc đó chưa nhiều, nhưng bây giờ thị trường đã khác. Vì vậy tôi nhận thấy, nếu có đam mê sẽ tìm được hướng đi.

* Là một doanh nhân từng lăn lộn thương trường quốc tế, ông đánh giá thế nào về đầu tư nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam?

- Tôi chưa thấy chuyển động nào ngoài chuyển động về nhu cầu thị trường đang quá lớn. Đang có một hiện trạng "loạn vấn đề hữu cơ” tại Việt Nam. Để thị trường tốt hơn, hơn ai hết, tự bản thân người làm thực phẩm hữu cơ phải biết ý thức việc này để định hướng người tiêu dùng. Đồng thời cũng có sự chung tay của nhà phân phối cũng như Nhà nước trong khâu kiểm định.

Hiện nay, ngay cả các đại lý, người bán hàng còn chưa hiểu giá trị đích thực của sản phẩm organic nên luôn cho rằng giá sản phẩm organic quá cao, khó bán. Năm mươi phần trăm chức năng của gạo organic là giải độc cơ thể. Không hiểu sẽ cho là đắt. Vậy nên Viễn Phú đã mở cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm nhằm giới thiệu, tư vấn và giúp người tiêu dùng hiểu được giá trị thực phẩm mà họ mua.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

 

LÊ LOAN (thực hiện)/DNSG