DU LỊCH
08:39 04-01-2016Thế giới ẩm thực Paris ở Le Procope
Bất chấp vụ khủng bố đẫm máu ngày 13/11, Paris vẫn đang thu hút đông đảo du khách nước ngoài. Không chỉ sở hữu các danh thắng nổi tiếng và các bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới, thủ đô nước Pháp còn là một trung tâm ẩm thực lâu đời, thậm chí được coi là “thủ đô ẩm thực toàn cầu”. Ở đó, có một trong những “nhà hàng lâu đời nhất thế giới” với hơn ba trăm năm tồn tại và đến ngày nay vẫn là một địa chỉ ẩm thực uy tín bậc nhất ở Paris.
Tọa lạc ở số 13 phố Ancienne-Comédie, thuộc trung tâm khu Quartier – Latin sầm uất và nhộn nhịp của quận 6, Nhà hàng Le Procope với vẻ ngoài thanh lịch, gây được thiện cảm với du khách bốn phương ngay từ cái nhìn đầu tiên. Thật khó hình dung nhà hàng này đã có một lịch sử dài lâu như vậy, khi mà nơi đây đã từng in dấu chân Benjamin Franklin, một trong những tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ và là đại sứ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Pháp từ 1776 đến 1785.
Le Procope cũng là nơi lui tới thường xuyên của những triết gia, nhà tư tưởng, nhà bác học vĩ đại như Voltaire, Diderot, J. J. Rousseau, d’Alembert…; là nơi hội họp của các chính khách thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp như Robespierre, Danton và Marat (người ta còn cho rằng cuộc tấn công vào cung điện Tuileries đêm 10/8/1792 được phát lệnh từ chính Le Procope) và là nơi từng đón những tên tuổi bất tử của văn chương và thi ca Pháp như Jean de la Fontaine, Beaumarchais, Georges Sand, Balzac, Victor Hugo, Anatole France, Paul Verlaine… Theo những tư liệu mà Le Procope còn lưu giữ được, Napoléon Bonaparte khi còn là một viên sĩ quan nghèo túng có lần đã đến đây ăn uống, rồi do không đủ tiền trả nên vị hoàng đế tương lai phải gửi chiếc nón sĩ quan lại để làm tin mà nay vẫn được trưng bày tại nhà hàng!
Chỉ khi bước vào nhà hàng với ba tầng lầu đã có 328 năm tuổi thọ, ngồi trên chiếc ghế bọc da màu huyết dụ, trước mặt là bàn ăn trải khăn trắng muốt, trên tường các phòng ăn phủ kín những đồ vật, hình ảnh, bút tích các danh nhân, các bức tranh sơn dầu… đã có từ hàng thế kỷ trước trong ánh sáng lung linh của những đèn chùm cổ kính thì thực khách mới cảm nhận được mình như đang ở trong một không gian của huyền thoại. Chưa hết, khi đọc bản thực đơn của Le Procope, thực khách còn khám phá một thế giới ẩm thực của Paris ngỡ như đã mất, bởi nhà hàng vẫn còn chế biến những món ăn xưa cũ của người Paris, chẳng hạn như món đầu bê hầm trong nồi đất.
Ốc sên nướng bơ tỏi trứ danh Bếp trưởng hiện nay của Le Procope, ông Bernard Leprince sẽ giới thiệu với thực khách những món ngon truyền thống của người Pháp sành ăn như gà nấu rượu vang, xúp hành Odéon, ốc sên nướng bơ tỏi, gan ngỗng áp chảo…, hoặc các món hải sản trứ danh như cá hồi với xốt tartare, phi-lê cá mú ăn kèm cà chua nướng và bánh nhân táo, cá mòi xông khói với hạt thìa là, bít tết cá hồi ăn cùng mì sợi Ý tagliatelle và xốt phô mai…
Riêng các món tráng miệng, Le Procope khiến khách hài lòng với bánh phồng nhân sô-cô-la nóng và kem vani hay bánh tiramisu “đặc biệt của bếp trưởng”… Nếu bụng chưa đói, khách đến với La Procope có thể chỉ gọi một tách cà phê trứ danh bởi thoạt kỳ thủy nhà hàng này là một quán cà phê.
Chuyện kể rằng, vào giữa thế kỷ XVII, một nhà ngoại giao của đế quốc Ottoman khi đến cung điện Versailles của triều đình Pháp thuở ấy đã mang theo món quà là một túi hạt cà phê. Kể từ đó, cà phê trở thành thức uống “sành điệu” trong giới quý tộc cung đình Pháp rồi dần dà được phổ biến rộng khắp ở Paris và lan sang thủ đô nhiều nước châu Âu.
Năm 1685, một đầu bếp trẻ gốc Sicilia (Ý) tên là Francesco Procopio Dei Coltelli rời quê nhà Palermo sang sống ở Paris, mang theo một chiếc máy làm kem gelato của ông nội mình với mong muốn sản xuất thức giải khát này cho dân Paris. Francesco Procopio có ý tưởng mở một quán bán cà phê và kem gần khu phố Saint-Germain-des-Prés, bởi lúc đó ở khu vực này chỉ có các quán rượu. Ông được triều đình vua Louis VIV cấp môn bài và từ đó đổi tên thành Procope, cũng là tên quán.
Gà xốt vang đặc trưng ẩm thực Pháp Ban đầu, khách uống cà phê ở Le Procope là dân chơi tennis bởi có nhiều sân quần vợt ở quanh khu phố Saint-Germain-des-Prés. Năm 1689, nhà hát Comédie – Française được xây dựng gần đó, dẫn tới trong số khách đến với quán có các diễn viên kịch nghệ nổi tiếng, kéo theo họ là những khán giả ái mộ.
Rồi Le Procope là nơi gặp gỡ của những trí thức, văn nghệ sĩ hàng đầu của “kinh đô Ánh sáng”. Từ bán cà phê và kem, dần dà Le Procope trở thành nhà hàng với thực đơn gồm các món ăn truyền thống Pháp – Ý. Dù là nhà hàng tiếng tăm nhưng giá cả món ăn, thức uống ở Le Procope hợp lý, phục vụ nhanh và chu đáo.
Ức vịt nướng với xốt dâu tây Với thực khách nước ngoài, ngoài bữa ăn kiểu Pháp đặc sắc, điều thú vị đối với họ còn là trò chuyện với người hầu bàn cao niên nhất ở Le Procope, một người hài hước đã đem lại cho họ những tiếng cười thoải mái. Với những ưu điểm như thế nên nhà hàng luôn đông khách dù có tới 80 phòng ăn. Nếu muốn có một bữa tối tuyệt vời tại đây người ta phải đặt trước ít nhất một tuần. Tuy nhiên một bữa trưa nhẹ hoặc những thời khắc nhấm nháp tách cà phê thơm lừng của Le Procope thì lúc nào cũng thoải mái.
Theo Sách Kỷ lục Thế giới Guinness (Guinness book of World records) thì Sobrino de Botín ở Madrid là nhà hàng lâu đời nhất thế giới dù nó ra đời năm 1725; nhà danh họa Francisco de Goya từng làm hầu bàn tại đây trước khi được nhận vào Học viện mỹ thuật Hoàng gia Tây Ban Nha. Món heo sữa quay của Sobrino de Botín từng được văn hào Ernest Hemingway đề cập trong tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc (The sun also rises) của ông. Tuy nhiên, có tài liệu cho rằng Stiftskeller St Peter – một quán ăn trong tu viện ở Salzburg (Áo) đã bán các món ăn từ năm 803, đồng thời có bằng chứng cho thấy vua Henry III của nước Pháp đã đến ăn tại Nhà hàng La Tour d’Argent ở Paris từ năm 1582.
DNSG
Tin liên quan
- Ai nói đi Phú Quốc là đắt đỏ, dưới đây là những trải nghiệm như người bản địa chỉ tốn chưa tới 100.000 đồng/người
- Sốc chưa: Bay từ TP.HCM đi Bangkok chỉ từ 18.000 đồng
- Hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam chính thức cất cánh ra thế giới
- Vietnam Airlines nối lại 3 đường bay thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc