clock

Tài Chính

11:12 05-10-2015

Thị trường tài chính tiêu dùng: Nhiều tiềm năng, lắm khó khăn

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai phá. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích dịch vụ tài chính tiêu dùng phát triển để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Các chuyên gia tài chính đã chỉ ra ba lý do chính cho thấy thị trường này còn rất nhiều tiềm năng.

Thứ nhất, với dân số hơn 90 triệu dân, trong đó phần lớn là lao động trẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia có cơ hội phát triển thị trường tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng nhất thế giới.

Trên thế giới, tín dụng tiêu dùng rất phát triển, chú trọng vào khách hàng cá nhân với những nhu cầu tiêu dùng đa dạng. Nhưng với tập quán và thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam thì những sản phẩm tín dụng tiêu dùng vẫn xa vời với đa số người dân.

Vì vậy, khi phát sinh nhu cầu tín dụng, họ thường chọn giải pháp vay mượn người thân, bạn bè, thậm chí sẵn sàng tìm đến các dịch vụ "vay nặng lãi" dẫu biết lãi suất rất cao.

Vì thế, thị trường tài chính tiêu dùng vẫn được đánh giá là đang ở giai đoạn tiềm năng, do nhiều người dân chưa được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân một cách thường xuyên.

Thứ hai, Việt Nam là quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á, được đánh giá là đất nước có môi trường an ninh, kinh tế, chính trị ổn định. Sự thuận lợi đó sẽ là một lợi thế quan trọng cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển.

Với sự quyết tâm cải cách thể chế kinh tế, Việt Nam đã và sẽ có nhiều nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời có nhiều giải pháp nâng cao mức sống và chất lượng sống của người dân.

Đây cũng là điều kiện tốt để các tổ chức tín dụng khai thác nhu cầu vốn cho tiêu dùng của người dân và cho ra đời những sản phẩm mới.

Thứ ba, về mặt quản lý nhà nước, cơ quan quản lý chuyên ngành về tín dụng vẫn còn để ngỏ nhiều cơ hội cho các tổ chức tín dụng được "rộng cửa" trong mảng tín dụng khách hàng cá nhân nên đây cũng là thuận lợi cho thị trường này phát triển.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi trên thì cũng có không ít khó khăn để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển như tiềm năng vốn có. Khó khăn lớn nhất là do tập quán tiêu dùng của người Việt. Họ thường có xu hướng "chi tiêu tằn tiện, có đến đâu dùng đến đó”, chứ không muốn "mang công mắc nợ".

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển cho vay tiêu dùng dưới chuẩn đòi hỏi chi phí cao hơn, rủi ro nhiều hơn so với hình thức cho vay đạt chuẩn, thậm chí đòi hỏi đầu tư lớn hơn cho hệ thống quản lý mạng lưới và cả rủi ro đạo đức của nhân viên...

Thực tế hiện nay, trong nhiều trường hợp khách hàng chây ì hoặc bỏ trốn thì các tổ chức cho vay sẽ mất trắng hoặc phải mất công thu nợ kéo dài, chi phí bỏ ra để thu nợ còn lớn gấp nhiều lần khoản nợ. Đây là bất cập cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành thì mới xử lý được.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ chỉ phát triển khi có được một hành lang pháp lý đủ hiệu lực và hiệu quả, để các bên liên quan trong quan hệ tín dụng này tuân thủ nghiêm túc các điều khoản cam kết, bên nào vi phạm phải bị xử lý thích đáng.

Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi hơn các công ty tài chính hoạt động, tạo ra thị trường tài chính tiêu dùng cạnh tranh lành mạnh, qua đó mới thu hút được khách hàng.

Và một khi tạo được hệ thống chính sách khuyến khích dịch vụ tài chính tiêu dùng, sẽ tạo một thị trường sôi động, cạnh tranh công bằng và lành mạnh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho người tiêu dùng.

Một lực lượng khách hàng lớn được coi là "dưới chuẩn" đối với các ngân hàng sẽ được các công ty tài chính đáp ứng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần chống cho vay nặng lãi.

Với môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh và đa dạng như vậy sẽ làm gia tăng chất lượng dịch vụ và giảm lãi suất, thêm nhiều lựa chon cho người dân, khích lệ người dân sử dụng dịch vụ, góp phần kích cầu tiêu dùng.

 
PHAN SÔNG THU