clock

Trong Nước

13:34 16-11-2024

Thu hơn 30 tỷ USD trong 10 tháng từ một ngành, Việt Nam được "đối thủ" coi là ví dụ cho thành công to lớn

Nước đối thủ mong chính phủ của họ có các chính sách thích hợp.

 
 
 

Diễn đàn Hiệp hội may mặc Sri Lanka (JAAF) gần đây cho biết xuất khẩu hàng may mặc của nước này hiện đã tụt hậu so với những nước đi sau như Campuchia về tổng sản lượng xuất khẩu hàng may mặc, mặc dù Sri Lanka có thế mạnh truyền thống về thương mại hàng may mặc, dệt may và giày dép (GFT) trong những thập kỷ gần đây, theo Khmer Times .

Lý do khiến sức mạnh xuất khẩu hàng may mặc của Sri Lanka suy giảm và sự gia tăng gần đây của Campuchia nằm ở các quyết định chính sách đầu tư của hai chính phủ trong những năm gần đây, theo các nhà bình luận trong ngành.

JAAF của Sri Lanka gần đây lưu ý rằng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của nước này dự kiến sẽ đạt giá trị 5 tỷ USD vào năm 2024.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của ngành công nghiệp quốc gia với sản lượng 8 tỷ USD vào năm 2025, hiệp hội đã kêu gọi sự nhất quán trong chính sách của nhà nước Sri Lanka để hỗ trợ tốt hơn cho sự tăng trưởng trong ngành may mặc.

JAAF cho biết các chính sách không nhất quán của chính phủ là lý do chính khiến Sri Lanka hiện đã tụt hậu so với những nước đi sau như Campuchia về tổng giá trị xuất khẩu hàng may mặc.

 
Thu hơn 30 tỷ USD trong 10 tháng từ một ngành, Việt Nam được "đối thủ" coi là ví dụ cho thành công to lớn - Ảnh 2.

Sri Lanka so sánh ngành may mặc của họ với một số đối thủ trong khu vực.

Trong khi đó, Campuchia đã thu được gần 9 tỷ USD từ xuất khẩu sản phẩm dệt may sang thị trường quốc tế trong ba quý đầu năm 2024, đánh dấu mức tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Campuchia (GDCE).

JAAF lưu ý rằng do các chính sách không nhất quán, Sri Lanka đã không thu hút được bất kỳ khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn nào vào lĩnh vực may mặc kể từ cuối những năm 1990.

Phó Chủ tịch JAAF kiêm Tổng giám đốc điều hành Omega Line, Felix Fernando, phát biểu tại Diễn đàn lãnh đạo may mặc Nam Á trong Lễ hội thiết kế Colombo, cho biết: "Chúng tôi cần sự hỗ trợ của chính phủ để duy trì các chính sách nhất quán. Việc tăng từ 5 tỷ USD lên 8 tỷ USD sẽ đòi hỏi nhiều thị trường hơn và nhiều khoản đầu tư hơn".

Fernando cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong việc thu hút đầu tư mới và mở rộng xuất khẩu cho Sri Lanka.

 
 

“Đã có cách tiếp cận qua lại trong các chính sách của chính phủ về FTA trong hai thập kỷ qua”, ông cho biết, đồng thời thúc giục Sri Lanka tìm hiểu các hiệp định thương mại mới với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada và Hàn Quốc để kích thích lại ngành may mặc.

 
Thu hơn 30 tỷ USD trong 10 tháng từ một ngành, Việt Nam được "đối thủ" coi là ví dụ cho thành công to lớn - Ảnh 3.

Việt Nam được Sri Lanka nêu như một ví dụ về tăng trưởng tích cực trong ngành may mặc xuất khẩu.

Trong khi đó, ông lưu ý rằng một yếu tố quan trọng trong thành công to lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy ngành xuất khẩu hàng may mặc trong những giai đoạn gần đây là Việt Nam đã bảo đảm được nhiều FTA, cho phép người mua toàn cầu được hưởng các ưu đãi thuế quan đáng kể.

“Nếu chúng ta thiết lập các FTA tương tự”, ông nói, khi đề cập đến chính sách của Sri Lanka, “các nhà đầu tư sẽ không cần kỳ nghỉ thuế”.

Trong khi Sri Lanka phải đối mặt với sự suy thoái của ngành may mặc trong những năm gần đây, các quốc gia sản xuất hàng may mặc và dệt may lớn khác bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đều đã tăng đáng kể xuất khẩu hàng dệt may và quần áo kể từ khi kết thúc các hạn chế do đại dịch covid-19.

10 tháng 2024, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 36,11 tỷ USD

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 10/2024 đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và tăng 24,26% so với cùng kỳ năm trước.

 
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam có thể đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so cùng kỳ 2023; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,54%; kim ngạch xuất khẩu xơ sợi ước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 0,47%; kim ngạch xuất khẩu vải ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 11,12%.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam về cuối năm tiếp tục được cải thiện thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm; trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng; thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may.

Năm 2024, ngành dệt may có thể đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng gần 10% so với năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng, ngành dệt may còn đứng trước nhiều thách thức trong chiến lược phát triển chung của toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn khắt khe hơn từ nhà mua hàng tại thị trường EU, Mỹ...

 

Dy Khoa