Trong Nước
13:30 21-10-2024Thủ tướng: Phấn đấu GDP Việt Nam đạt 780 - 800 tỷ USD năm 2030, vào top 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Năm 2025 được xác định là năm then chốt để thúc đẩy tăng trưởng và tạo đà bứt phá cho nền kinh tế Việt Nam, hướng đến mục tiêu dài hạn GDP đạt 800 tỷ USD năm 2030.
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD năm 2025
Sáng 20/10, tại Hội nghị toàn quốc về triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh những thành tựu đáng chú ý sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Thủ tướng cho biết, trên cơ sở kết quả từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ước thực hiện năm 2024 và kế hoạch năm 2025, dự kiến kết quả đánh giá 5 năm 2021-2025 thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 như sau:
Tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt khoảng 6%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; GDP bình quân đầu người tăng từ 3.720 USD năm 2021 lên khoảng 4.900 USD năm 2025, tăng 31,7%.
Quy mô kinh tế của quốc gia mở rộng từ 346 tỷ USD năm 2020 lên 433 tỷ USD vào năm 2023, và dự kiến sẽ đạt mức 500 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 33 thế giới và thứ 4 trong ASEAN.
Năm 2025 được xác định là thời điểm then chốt để thúc đẩy tăng trưởng và tạo đà bứt phá, với sự ưu tiên cao dành cho việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Một số chỉ tiêu chủ yếu, năm 2025, tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%). GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
Thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả tích cực, nhất là về xây dựng kết cấu hạ tầng; trong đó đến cuối năm 2025 cả nước sẽ có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc (đạt mục tiêu đề ra) và tiếp tục triển khai nhiều dự án cho giai đoạn 2026-2030. Hạ tầng số, hạ tầng điện được đầu tư xây dựng trên phạm vi cả nước.
Từ 2026 đến 2030, mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân hàng năm được đặt trong khoảng 7,5-8,5% và GDP bình quân đầu người có thể đạt mức 7.400-7.600 USD vào năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới với quy mô kinh tế từ 780 - 800 tỷ USD vào năm 2030 , tạo tiền đề vững chắc đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045.
Nhiệm vụ, giải pháp hướng đến mục tiêu GDP 780-800 tỷ USD
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025, giai đoạn 2026-2030, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vào 11 giải pháp cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó bao gồm việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh phân cấp và cải cách hành chính, phát triển khoa học và công nghệ để tạo đột phá năng suất, đổi mới giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao, và công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế hướng tới mục tiêu GDP 780-800 tỷ USD vào năm 2030.
Kế hoạch cũng bao gồm việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống văn hóa và xã hội, quản lý tài nguyên và môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực quản trị xã hội; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chuẩn bị về giải pháp, nhiệm vụ về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; theo đó, tăng thu, tiết kiệm chi, phát huy tính chủ đạo của Trung ương và tính chủ động của địa phương, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm…
H.Linh