clock

Thế Giới

08:47 06-09-2024

Tổng thống Putin tuyên bố Nga không theo đuổi chính sách phi đô la hóa, không từ chối giao dịch bằng USD

Tổng thống Nga Putin khẳng định chính hành động thiếu suy xét của Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia từ bỏ đồng đô la.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, Vladivostok, ngày 5/9. Ảnh: Reuters.

Nga không đứng sau xu hướng loại bỏ đồng đô la Mỹ trong thương mại, cơ quan thông tấn RT (Nga) dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok vào thứ Năm (5/9).

Sự kiện này sự tham dự của các nước thành viên khối kinh tế BRICS, bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc. Cả 2 quốc gia này đều đang tích cực sử dụng đồng nội tệ để giao thương với Nga.

Tuy nhiên, Moscow không theo đuổi “chính sách phi đô la hóa”, Tổng thống Putin nhấn mạnh trong phiên họp toàn thể tại diễn đàn.

Ông Putin cho biết đồng đô la Mỹ đã trở thành đồng tiền thống trị sau Thế chiến II, khi Washington tận dụng thành công kết quả của cuộc chiến. Tuy nhiên, những hành động thiếu suy xét và chuyên nghiệp của chính phủ Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia từ bỏ đồng đô la, ông nói thêm.

“Nga không từ chối thanh toán các giao dịch bằng đô la Mỹ, mà là bị từ chối lựa chọn này”, Tổng thống Putin nói.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Mỹ đã loại ngân hàng trung ương của Nga khỏi các giao dịch đô la. Mỹ cũng cấm xuất khẩu tiền giấy đô la sang Nga – một phần của chiến dịch trừng phạt chưa từng có đối với Moscow.

Do đó, Nga và các đối tác BRICS hiện đang sử dụng đồng nội tệ trong 65% tổng giao dịch thương mại song phương, ông Putin cho biết.

BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi vào năm 2011. Nga hiện đang giữ chức chủ tịch của khối. Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) gia nhập nhóm vào đầu năm nay.

Mỹ bị cáo buộc vũ khí hóa đồng đô la bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt và đóng băng tài sản của Nga. Tạp chí Foreign Affairs đã viết vào tháng 6 rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga “chắc chắn đã khiến các ngân hàng trung ương khác tự hỏi liệu dự trữ bằng đô la của họ có bị đóng băng nếu chính phủ của họ bất đồng với Washington hay không”.

 

Y Vân