clock

Thế Giới

06:58 24-10-2015

Trung Quốc bất ngờ giảm lãi suất cơ bản 0,25%

Ngân hàng Trung ương của Trung Quốc (PBoC) ngày 23/10 thông báo giảm lãi suất cơ bản, đồng thời hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng thương mại nhằm ngăn tăng trưởng giảm sâu.

Thông báo của PBoC cho biết từ ngày 24/10, lãi suất cho vay tiêu chuẩn kỳ hạn một năm, cũng như lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ giảm 0,25% xuống còn lần lượt là 4,35% và 1,5%.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 0,5% cho tất cả ngân hàng, và 1% cho một số tổ chức đặc biệt. PBoC cũng bỏ trần lãi suất huy động, tiến gần tới tự do hóa lãi suất.

Quyết định giảm lãi suất của PBoC được đưa ra sau khi nước này công bố số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,9% trong quý 3/2015. Đây là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ quý đầu năm 2009.

Điều này làm tăng sức ép lên các nhà hoạch định chính sách nước này cần phải cắt giảm thêm lãi suất và triển khai các biện pháp hỗ trợ khác để tránh nguy cơ tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sụt giảm hơn nữa.

Bloomberg nhận xét những biện pháp nới lỏng này cho thấy quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 7% năm nay, dưới sức ép giảm phát, dư thừa công suất và nhu cầu thế giới suy giảm.

Đây là lần hạ lãi suất thứ 6 của Trung Quốc kể từ tháng 11 năm ngoái. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuần này cũng ra tín hiệu sẽ tăng nới lỏng.

"Rõ ràng PBoC đang thực hiện nhiệm vụ nới lỏng chính sách. Và họ đã làm được một năm rồi. Khi nền kinh tế đang mất đà, giảm phát đe dọa khối doanh nghiệp và sự mất cân bằng hạn chế tốc độ tăng trưởng, ngân hàng trung ương đang được chỉ đạo nới lỏng thêm nữa. Và dĩ nhiên, việc này còn chưa kết thúc", George Magnus - Cố vấn kinh tế cấp cao tại UBS cho biết.

"Giới chức Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ. Động thái kết hợp giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho thấy Bắc Kinh rất kiên quyết kéo nền kinh tế khỏi vũng lầy và khởi động lại cỗ máy tăng trưởng", Frederic Neumann – Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC nhận xét.

 

Theo DNSG