Trong Nước
13:14 09-10-2024Việt Nam đặt mục tiêu vào top 31-33 thế giới về quy mô GDP ngay năm sau
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ mục tiêu năm 2025, tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tăng trưởng cao hơn (7-7,5%).
Sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Trong năm 2025, Tuổi Trẻ dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.
GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%...
Trên cơ sở này, theo ông Dũng, Chính phủ đề ra 12 nhóm giải pháp như ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức triển khai tích cực các dự luật sau khi Quốc hội thông qua…
Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 34 thế giới
Trong báo cáo hồi giữa năm 2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết trong năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam dự báo đạt khoảng 465,8 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1,47 nghìn tỷ USD), Thái Lan (548,89 tỷ USD), Singapore (525,22 tỷ USD) và Philippines (471,5 tỷ USD). Nếu xét trên toàn thế giới, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 sẽ tăng thêm 1 bậc, ở vị trí thứ 34.
IMF dự báo, đến năm 2025, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD. Đáng chú ý, các chuyên gia của tổ chức này dự báo, đến năm 2029, quy mô GDP Việt Nam có thể vượt qua Singapore.
Dự báo trên của IMF dựa trên dữ liệu lịch sử GDP của Việt Nam. Theo đó, quy mô kinh tế Việt Nam vào năm 1986 ghi nhận ở mức 43 tỷ USD. Đến năm 2008, con số này đã tăng lên mức 125 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với thời điểm 1986. Có thể thấy, Việt Nam phải mất 23 năm để quy mô kinh tế lần đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD.
Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam chỉ mất 15 năm để quy mô kinh tế tăng từ mức 100 tỷ USD lên mức 400 tỷ USD. Cụ thể, quy mô GDP của Việt Nam đã đạt 408 tỷ USD vào năm 2022. Như vậy, Việt Nam đã mất 37 năm để quy mô GDP tăng gấp 10 lần, đạt 400 tỷ USD từ mức khoảng 43 tỷ USD hồi năm 1986.
Năm 2033: Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 trên thế giới
Trước đó, Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 và Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT) của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR) đánh giá, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai.
Cụ thể, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD vào năm 2033, Việt Nam sẽ vươn lên, trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 trên thế giới.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 của cả nước ước tính tăng 5,05% so với năm trước, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD.
GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Như vậy đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt mốc 100 triệu đồng/người/năm.
Phân tích về dữ liệu này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,05% trong khi tốc độ tăng dân số chậm hơn, điều này đã đẩy GDP bình quân đầu người tăng thêm 160 USD.
Dy Khoa
Tin liên quan
- Tập đoàn Nhật bắt tay con trai ông Phạm Nhật Vượng làm pin: Đổ hàng tỷ USD vào điện, mua loạt công ty lớn nhất Việt Nam từ Acecook, AIG đến thép
- Mỹ công bố chỉ báo lạm phát quan trọng sau khi Fed hạ lãi suất: Tăng thấp hơn dự báo trong tháng 11, thông điệp thận trọng của Chủ tịch Powell có bị lung lay?
- Doanh nghiệp Việt trưng bày hàng loạt "chiến binh cảm tử" công nghệ cao: Có gì đặc biệt?
- FDI đạt mức kỷ lục trong vòng 1 thập kỷ và chiến lược “Hai ít - Ba cao - Bốn sẵn sàng - Một không” của Bắc Ninh