Thị Trường
05:25 20-06-2016Xử phạt cao nhất, phân bón giả vẫn náo loạn
Mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón nhưng việc quản lý sản xuất, kinh doanh (SXKD) mặt hàng này còn quá lỏng lẻo.
Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây với nhiều đổi mới, trong đó có quy định xử lý tất cả hành vi sản xuất hàng gian, hàng giả.
Từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 mà nòng cốt là Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã ra quân quyết liệt trong việc thanh kiểm tra hoạt động SXKD phân bón trên địa bàn.
Đánh giá của các đoàn cho thấy việc xử lý các đơn vị SXKD phân bón gặp nhiều khó khăn. Để xác định chất lượng, phải gửi mẫu đi xét nghiệm, mất nhiều thời gian. Một số DN bị phát hiện nhiều lần SXKDphân bón giả, kém chất lượng nhưng cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính nên không đủ sức răn đe.
Trong quản lý phân bón giả, kém chất lượng là đa phần cơ sở kinh doanh phân bón có quy mô nhỏ, mua hàng hóa qua trung gian phân phối, không có lưu trữ tại cơ sở hồ sơ chứng minh việc công bố hợp quy, hợp chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng liên quan đến phân bón.
Khi có thông báo kiểm tra thì các cơ sở này mới liên hệ với đơn vị phân phối để cung cấp các giấy tờ cho các cơ quan kiểm tra, do đó mất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho hay, hiện nay ở một số nước, chuỗi cung ứng phân bón xuất phát từ nhu cầu của nông dân, trong khi ở ta, nhà sản xuất hoặc đại lý bán loại nào thì nông dân dùng loại đó.
Vì thế, theo ông Hùng, khi xảy ra sự cố nào về chất lượng phân bón thì nông dân cam chịu, ít trường hợp phản hồi với nhà sản xuất, cơ quan quản lý. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho phân bón giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Cũng theo ông Hùng, phân bón là mặt hàng quan trọng đối với nông nghiệp, vì đây là sản phẩm đảm bảo 80% năng suất cây trồng. Trong quá trình SX phân bón vẫn còn một số DN làm ăn không chân chính. Hầu hết các mẫu phân bón kém chất lượng nằm ở các DN nhỏ và vừa.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại đối với Cty CP Nông nghiệp bền vững Đất Việt với số tiền 290.000.000 đồng.
Cty này có địa chỉ tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) do bà Trịnh Thị Thu làm giám đốc. Quyết định xử phạt do bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành nêu rõ: Cty CP Nông nghiệp bền vững Đất Việt sản xuất phân bón không đạt mức chỉ tiêu định lượng bắt buộc so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng và hành vi sản xuất phân bón giả không có giá trị sử dụng công dụng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối tượng làm phân bón giả, kém chất lượng không tập trung quy mô lớn như trước mà chuyển sang hoạt động nhỏ lẻ, dùng cuốc, xẻng để pha trộn. Họ hoạt động vào ban đêm, những ngày cuối tuần và không để hàng tồn kho nhằm trốn tránh lực lượng chức năng.
Đề nghị các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ cần tăng cường kiểm tra hơn nữa các địa điểm trước đây vẫn thường xuyên diễn ra hoạt động pha trộn phân bón, tạo ra sản phẩm kém chất lượng ở các khu vực cánh đồng thuộc huyện Đông Sơn và khi Tây Bắc Ga (TP Thanh Hóa).
Trung bình mỗi năm, lực lượng QLTT trong cả nước kiểm tra, xử lý trên 3.000 vụ vi phạm về SXKD phân bón giả, kém chất lượng..., thu giữ gần 1.000 tấn phân bón.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết cả nước có 800 cơ sở SX, hơn 1.600 Cty và 20.000 đại lý kinh doanh phân bón. Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có 320 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón, trong đó 270 DN đã được cấp phép.
So với con số mà Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra, nếu theo quy định của Bộ Công Thương, còn khoảng 500 cơ sở nhỏ lẻ không đủ điều kiện sản xuất. Trong 800 cơ sở nêu trên, chủ yếu sản xuất bằng công nghệ đơn giản như dùng máy trộn bê tông, chảo tạo viên, máy sàn phân loại...