Trong quý 3, công ty đã bàn giao và ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp của 32 căn chung cư và 2 căn liền kề.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023, công ty cho biết trong 287 căn hộ đã bán được tính tại thời điểm tháng 6/2024, có 213 căn bán cho khách Việt Nam và 74 căn bán cho khách nước ngoài.
Tính đến 30/9/2024, công ty đã ghi nhận kết quả kinh doanh của 293/334 căn hộ và 2/25 căn liền kề. Năm trước, dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng.
Dù đầu tư dự án bất động sản, tại thời điểm cuối quý, số dư vay nợ tài chính của công ty này là 0 đồng. Vốn chủ sở hữu 725 tỷ đồng (với 250 tỷ vốn góp và 467 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối), chiếm 55% trên tổng tài sản.
Hoàng Thành Pearl được xây trên khu đất vốn là nhà máy sản xuất của CTCP Chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội.
Tiền thân của công ty là nhà máy Chế tạo biến thế thuộc Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện, thành lập năm 1963, được cổ phần hoá năm 2005 và hợp nhất với CTCP Thiết bị điện Hà Nội. Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam (GELEX) nắm 49,5%.
Công ty từng niêm yết 3,5 triệu cổ phiếu trên HNX vào năm 2008 với mã chứng khoán BTH.
Năm 2014, khi ông Nguyễn Hoa Cương giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, Gelex đã bán toàn bộ cổ phần tại BTH cho CTCP Đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành (Hoàng Thành Group) với giá 16,3 tỷ đồng (tương đương 9.400 đồng/cp). Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hoàng Thành Group thời điểm đó cũng là thành viên HĐQT Gelex.
Sau đó, BTH bị huỷ niêm yết vào năm 2015 do thua lỗ 3 năm liên tục (2012-2014) rồi trở lại giao dịch tại UPcom vào năm 2017. Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Trong những năm này, tình hình kinh doanh của công ty không có gì nổi bật và tài sản đáng giá nhất chính là khu đất tại Cầu Diễn – nơi xây Hoàng Thành Pearl hiện nay – với loại hình đất thuê 30 năm kể từ ngày 13/12/2006.
Đầu năm 2015, Thủ tướng có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành Hà Nội. Khu đất được quy hoạch thành đất hỗn hợp. Tháng 10/2017, sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã cấp Giấy phép quy hoạch dự án cho chủ đầu tư là CTCP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội.
Năm 2017, đại hội đồng cổ đông đã thông qua chủ trương dừng sản xuất, tiếp tục duy trì các hoạt động thương mại và thực hiện đầu tư dự án bất động sản. Năm 2018, công ty tăng vốn lên 250 tỷ đồng theo phương án phát hành 21,5 triệu cổ phần cho 3 nhà đầu tư chiến lược là Hoàng Thành Group (14,52 triệu cổ phiếu) cùng 2 cá nhân là ông Nguyễn Hoa Cương (1,25 triệu cổ phiếu) và ông Hoàng Ngọc Kiên (5,73 triệu cổ phiếu).
Số vốn điều lệ được giữ nguyên cho đến hiện tại và hiện nay, Hoàng Thành Group nắm 65% vốn điều lệ của BTH. 2 con trai của Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc là ông Hoàng Ngọc Kiên nắm 19,4% và ông Hoàng Ngọc Quân nắm 5,2%.
Hoàng Thành Group của ai?
CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành (Hoàng Thành Group) được thành lập vào năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu là 27 tỷ đồng, do các cổ đông trong nước sáng lập, trong đó bà Bích Ngọc đã là cổ đông lớn nhất. Sau nhiều lần tăng vốn, đến năm 2022, công ty có vốn điều lệ 1.359 tỷ đồng.
Hoàng Thành Group là cơ nghiệp của vợ chồng ông Hoàng Vệ Dũng - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc. Trong đó, ông Hoàng Vệ Dũng là Chủ tịch HĐQT Công ty May Đức Giang (mã chứng khoán MGG). Hiện tại, Hoàng Thành Group có 1 cổ đông nước ngoài là Công ty The SANKEI BUILDING nắm 18,156%.
Dự án đầu tiên làm nên tên tuổi Hoàng Thành Group là Hoàng Thành Tower (tại số 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội). Tập đoàn này hợp tác cùng Tập đoàn BĐS Singapore là CapitaLand xây dựng 2 dự án là Tổ hợp chung cư cao cấp Mulberry Lane và Seasons Avenue cùng tại Khu đô thị mới Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội. Cũng tại khu vực này, Hoàng Thành Group đang triển khai Dự án Hoàng Thành Villas.
Bên cạnh đó là dự án Khu công nghiệp Du Long được đầu tư và phát triển bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Hoàng Thành Du Long nằm tại Xã Lợi Hải và Xã Bắc Phong, Huyện Thuận Bắc, Tỉnh Ninh Thuận.
Lan Hạ