Thị Trường
15:54 25-07-2024Chưa thể ‘cai nghiện’ dầu Nga: Châu Âu ‘cạnh tranh’ với Trung Quốc để trở thành khách hàng lớn nhất của Điện Kremlin
Theo Oilprice, lượng khí đốt Nga vận chuyển qua đường ống sang châu Âu tương đương với mức xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trang Oilprice cho biết, dù đã cắt đứt nguồn cung khí đốt tự nhiên qua đường ống với hầu hết khách hàng châu Âu, song Nga vẫn xuất khẩu khối lượng khí đốt gần như tương đương đến “châu lục già”. Lượng dòng chảy khí đốt được vận chuyển qua đường ống này không hề kém cạnh so với thị trường mới của Nga là Trung Quốc.
Tập đoàn khí đốt Gazprom vẫn xuất khẩu khí đốt tự nhiên qua đường ống sang châu Âu, bao gồm đường ống dẫn qua Ukraine và đường ống TurkStream. Khách hàng của Nga là một số quốc gia ở Trung Âu.
Nga đã chứng kiến lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sụt giảm đáng kể sau khi mâu thuẫn với Ukraine nổ ra. Sự sụt giảm lớn trong hoạt động cung cấp khí đốt của Gazprom có nguyên nhân từ việc xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga đến hầu hết các nước châu Âu bị chững lại.
Vài tuần sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, Nga đã cắt nguồn cung đến Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan. Sau đó, Gazprom cũng giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream đến Đức vào tháng 6/2022 và cho biết không có kế hoạch bảo trì tuabin khí bên ngoài nước Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Cuối tháng 9/2022, đường ống Nord Stream gặp sự cố, khiến toàn bộ tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga đến Đức ngừng hoạt động.
Trước thời điểm xảy ra mâu thuẫn Nga - Ukraine, Nga cung cấp khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt cho châu Âu. Hiện tại, lượng khí đốt sang châu Âu của Nga đã giảm mạnh song vẫn duy trì ở mức tương đương với nguồn cung của Gazprom sang Trung Quốc.
Doanh số bán khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu đạt 14,6 tỷ m3 trong nửa đầu năm 2024. Dù thấp hơn 10 lần so với mức trước khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng con số này vẫn tương đương 15,2 tỷ mét khối mà Nga “gửi” sang Trung Quốc.
Hiện tại, khí đốt của Nga vận chuyển qua đường ống đến châu Âu không chịu lệnh trừng phạt và vẫn hoạt động bình thường. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất việc tăng lượng khí đốt chảy qua đường ống.
Vu Lam
Tin liên quan
- Trước khi được đề xuất chuyển về Bộ Công an quản lý, MobiFone làm ăn thế nào?
- Thủ đoạn đánh cắp thẻ ngân hàng khiến nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn bị lợi dụng lừa đảo người khác, đối mặt nguy cơ pháp lý
- Ngành kinh tế sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong năm nay, có đóng góp lớn từ dự án được đầu tư 200 triệu USD
- Mẫu điện thoại giá nhỉnh hơn 5 triệu đồng: Camera "khủng" 108MP, pin trâu khó có đối thủ