Văn Hóa
01:15 21-10-2019Chuyện gì xảy ra khi người ta thành tỉ phú sau một đêm?
Peter Rahal thành lập công ty khởi nghiệp RxBar từ căn bếp của mẹ anh, sau đó bán nó với giá 600 triệu USD (hơn 13,9 nghìn tỉ đồng) và lập tức trở thành người siêu giàu, với cuộc sống vạn người mơ. Nhưng ít ai đặt ra câu hỏi rằng, mặt trái của thế giới cổ tích mà Rahal vừa rơi vào là gì?
"Gã đần" ở trường học
Peter Rahal gần như đổi đời chỉ sau một đêm khi bán công ty khởi nghiệp (start up) RxBar của anh cho gã khổng lồ Kellogg để thu về hàng trăm triệu USD. Tại cuộc tiếp xúc hiếm hoi với một nhà báo của trang tin Medium, Rahal đã giới thiệu tư dinh hoành tráng, đẹp không tì vết của anh nằm ở bãi biển Miami, Mỹ.
Căn nhà, với những bức tường kính chạy thẳng từ sàn lên trần, quầy bar ngoài trời, bể bơi vô cực, bến thuyền riêng và đồ đạc bên trong cực kỳ đắt tiền, khiến người bình thường không khỏi trầm trồ kinh ngạc. Nhưng Rahal chỉ tìm về "tòa lâu đài" ấy vào các buổi tối để ăn một hộp đồ ăn thanh đạm, do chính anh chuẩn bị sẵn, gồm đậu, trứng và quả bơ. Gần như lúc nào anh cũng ăn món này, một mình.
Rahal mua tư dinh trên vào tháng 5 năm nay, với giá 19 triệu USD. Anh dành thời gian để di chuyển qua lại giữa căn hộ vẫn sống từ thời mới ra trường ở Chicago và tư dinh mới. Anh chọn bãi biển Miami đơn giản vì tiểu bang Florida không đánh thuế thu nhập cá nhân. Một chiếc Ferrari 488 và một chiếc xe máy hiệu Vespa màu kem đậu bên lối vào nhà.
Một người quản gia có mặt mỗi ngày và đảm bảo căn nhà với 7 phòng ngủ này luôn sạch tinh tươm, dù rằng chúng gần như chẳng được sử dụng bao giờ.
Trên lầu là các phòng thay đồ của Rahal và người vợ tương lai của anh - nếu anh có chọn cô nào đó làm vợ. Căn phòng thay đồ tuyệt đẹp, cũng chưa được đụng tới một lần. Mọi chuyện giống như thể khi Rahal thỏa thuận bán RxBar cho Kellogg, anh đã điền vào một ô trống yêu cầu đối tác tặng cho mình một gói "gã độc thân giàu mới nổi" và căn nhà đơn giản là rơi xuống từ trên trời.
Với một người đã quen làm việc điên cuồng trong nhiều năm như Rahal, sự dịch chuyển lối sống thật kinh khủng, nằm ngoài mọi sự tưởng tượng. Rahal giàu có hơn, sống sung sướng nhàn hạ. Nhưng nó không có nghĩa anh hạnh phúc hơn!
Rahal lớn lên tại Chicago. Anh là con út trong một gia đình người Lebanon nhập cư tới Mỹ. Cả gia đình nội ngoại đều tham gia kinh doanh trong ngành nước ngọt. Cha Rahal tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình và anh đã học theo kỷ luật lao động nghiêm túc của ông: Chăm chỉ làm việc và ít nghĩ tới trái ngọt đã thu được.
Trong môi trường ấy, gia đình hiếm khi tổ chức các lễ mừng sinh nhật, điều mà Rahal tiếp tục học theo khi đã ra ở riêng. “Đừng tin tưởng một gã thích tổ chức sinh nhật", anh chia sẻ, không có ý pha trò.
Khi bước chân vào trường tiểu học ở Glen Ellyn, Illinois, Rahal đã là một doanh nhân nhí khi mua bán xe điều khiển từ xa, búp bê và các thẻ bài. Tuy nhiên, trường học để lại một trải nghiệm tồi tệ cho Rahal, bởi anh mắc chứng thiếu tập trung và khó đọc. “Tôi bị đưa vào lớp học chậm, bị gọi là ngu đần và đủ thứ khác", anh kể.
Nhưng việc bị xếp vào diện cá biệt đã khiến anh quyết phải thành công. "Tôi đã chứng kiến nhiều người chưa từng đối diện với nghịch cảnh trong cuộc đời. Và họ quá mềm yếu", anh nói.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Rahal từng muốn tham gia làm ăn trong công ty của gia đình như các anh trai. Nhưng anh sớm nhận ra không gian trong công ty đã bị "chính trị hóa" và "gia đình trị" khá mạnh. Chẳng còn một chỗ trống nào dành cho Rahal, đơn giản vì ghế lãnh đạo thì ít mà gia đình có tới tận 3 ông con trai.
Vậy là Rahal từ bỏ ý định làm việc cho gia đình. Anh ra ngoài đầu quân cho một công ty cung cấp hoa quả Châu Âu và khi trở về Chicago thì có ý định mở một công ty khởi nghiệp về vận tải. Rahal phát hiện ra rằng dù mắc chứng khó đọc khi còn bé, bù lại anh được trời ban cho các khả năng tuyệt vời khác như nhận dạng mẫu và đánh giá rủi ro - những yếu tố quan trọng của một doanh nhân.
Tài năng trong kinh doanh
Rahal bắt đầu bàn với Jared Smith, người bạn học kể từ lớp 1, về việc thành lập công ty. Cả hai khi ấy đang tập luyện tại CrossFit, một hệ thống phòng tập chuyên cổ súy cho lối sống lành mạnh.
CrossFit luôn hướng dẫn người tập ăn các thực phẩm sạch gồm thịt nạc, rau quả và tránh xa các loại đồ ăn đã qua chế biến công nghiệp. Nơi đây về cơ bản không bán bất kỳ loại đồ ăn vặt nào, kể cả các thanh năng lượng (energy bar) đang làm mưa làm gió trên thị trường.
Năm 2012, thị trường thanh năng lượng dường như đã quá dư thừa nguồn cung, với đủ loại thương hiệu lớn: L rabars, Clif Bars, Kind, Luna, PowerBars. Tuy nhiên, Rahal và Smith vẫn thấy một khe hở dành cho họ.
"Bạn cần phải hiểu về văn hóa dinh dưỡng thì mới có được chỗ đứng", Rahal giải thích. Cả hai bàn bạc với nhau, chia sẻ nhiều ý tưởng về việc làm các loại đồ ăn vặt dựa trên thực phẩm lành mạnh, với hình dạng gọn nhẹ như thanh năng lượng, để bán ở CrossFit.
Trong căn bếp của gia đình Rahal, chàng trai trẻ này cùng Smith đã thử kết hợp nhiều loại nguyên liệu khác nhau, chia thành những suất ăn nhỏ đóng trong hộp nhựa. Sau đó, họ dùng lòng trắng trứng để làm chất liệu kết nối suất ăn thành một khối liền lạc. Và không chỉ đóng vai trò chất kết nối, lòng trắng trứng còn cung cấp nhiều đạm.
Họ gọi sản phẩm mình vừa chế tạo là RxBar. Cả hai vừa rao bán hàng trên mạng vừa chào mời người tới CrossFit luyện tập dùng thử. Đây là bước đi ban đầu khôn ngoan, bởi ở CrossFit, RxBar gần như không có đối thủ cạnh tranh.
Cả hai cố ý khởi nghiệp khá nhỏ bé và khiêm tốn. Thứ nhất vì họ không có nhiều vốn, nhưng quan trọng hơn là họ muốn giảm rủi ro. Và họ muốn tiến lên thật chậm nhưng chắc, muốn xây dựng một cộng đồng người ủng hộ nhiệt thành. "Trong năm 2012 hoặc 2013, những gì chúng tôi đang làm không phải là điều hay ho. Đi về nhà và làm các thanh năng lượng cho phòng tập của mình ư, thật tẻ ngắt", Rahal kể.
Nhưng điều quan trọng là chiến lược ban đầu tỏ ra đúng đắn. Người dùng bắt đầu đón nhận sản phẩm của RxBar. Tiền đổ về khiến Rahal và Smith dễ thở hơn. Doanh số RxBar tăng dần, kèm theo là danh tiếng của công ty. Sau 2 năm, Rahal và Smith quyết định tiến vào thị trường bán lẻ truyền thống, nơi nhiều ông lớn về thanh năng lượng đang thống trị.
Song trước tiên cả hai phải sửa chữa một vấn đề: Thiết kế bao bì thanh năng lượng của họ - vốn dựa trên những hình ảnh sẵn có của phần mềm PowerPoint, logo quá to, quá nhiều chữ mô tả lợi ích của thành phần nguyên liệu - khiến nó trông giống như mọi sản phẩm khác ngoài kia.
Họ quyết định thiết kế lại hình ảnh theo hướng tối giản và giao công việc cho các chuyên gia đồ họa chuyên nghiệp. Bao bì mới hoàn toàn phá vỡ quy luật thiết kế của các thanh năng lượng khác khi để rất nhiều khoảng trống, dùng phông chữ đậm kiểu Sans-serif và chỉ ghi rất ít chữ, kiểu như: "3 lòng trắng trứng, 6 hạt hạnh nhân, 4 hạt óc chó, 2 quả chà là. Không vớ vẩn".
Việc thiết kế lại bao bì là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm RxBar có mặt tại khắp các cửa hàng bán lẻ, từ Whole Foods tới Target, bên cạnh một hoạt động kinh doanh sôi động trên mạng. Tính đến năm 2017, doanh số của RxBar đã tăng khủng khiếp. Công ty chạm mốc cuối năm với tổng doanh thu 161 triệu USD, tăng 18% lợi nhuận ròng!
Đó là khi RxBar thu hút sự chú ý của nhiều công ty "cá mập" về chế biến thực phẩm như PepsiCo.
Sau khi nhận được một số đề nghị mua lại công ty, Rahal và Smith đã thuê một chuyên gia ngân hàng tư vấn và cả hai quyết định về 3 điều khoản sẽ phải có trên mọi thỏa thuận: RxBar sẽ được duy trì mô hình vận hành độc lập, qua đó giúp họ giữ lại tất cả các nhân công cũ của công ty; tiếp tục theo đuổi mục tiêu của RxBar, không chỉ dừng chân ở chỗ là một công ty sản xuất thanh năng lượng mà còn mở rộng ra nhiều thương hiệu khác; công ty sẽ chỉ thuộc về người trả nhiều tiền nhất.
Rahal mô tả tiến trình bán công ty diễn ra khá đơn giản, trong đó anh và Smith tham gia một loạt cuộc họp với các công ty đang quan tâm, đón đoàn tới tham quan cơ sở và các cuộc thương thảo cho đến khi đôi bên đạt được giá cuối. Bên giành được quyền mua RxBar rốt cục là tập đoàn thực phẩm khổng lồ đã 121 năm tuổi mang tên Kellogg, nơi đang sở hữu nhiều sản phẩm nổi tiếng khác như bỏng ngô Corn Flakes, bánh nướng Pop-Tarts và bánh quy phô mai Cheez-Its.
Những đổi thay chóng mặt khi thành người siêu giàu
Tháng 10.2017, trong nỗ lực chặn đà suy giảm của hoạt động kinh doanh sản phẩm ngũ cốc bằng cách đẩy mạnh bán đồ ăn vặt, Kellogg đã đồng ý mua RxBar. Số tiền mua lại là 600 triệu USD. “Tôi chẳng ăn mừng. Công việc không biến mất”, Rahal kể. "Tôi vẫn đóng hộp đồ ăn trưa và đi làm sau ngày đã trở thành triệu phú đô la".
Rahal và Smith mỗi người nhận được 1 khoản tiền khổng lồ trả một lần duy nhất. Smith, người khi ấy đã trao quyền Giám đốc tài chính cho một nhân viên lâu năm của công ty, từ bỏ công việc ở RxBar, vì quá mệt với công việc. Nhưng Rahal vẫn ở lại.
Dưới điều khoản đã ký với Kellogg, anh không có nghĩa vụ phải điều hành RxBar, song vẫn muốn làm thế trong thời gian trước mắt. Ngoài việc phải tiến hành một số thay đổi trên khía cạnh tài chính, Rahal giờ còn làm việc dưới quyền một viên sếp từ Kellogg.
Công ty mẹ cam kết rằng RxBar sẽ tiếp tục là một đơn vị vận hành độc lập. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi quá nhanh với Rahal, theo cách thức mà anh không ngờ tới. Số tiền 600 triệu USD bán RxBar làm nhân viên choáng váng, đồng thời khiến họ nhìn nhận anh từ một viên sếp bình thường thành ông trùm cần chăm sóc đặc biệt.
“Trước đây, tôi thường có thể nói to các suy nghĩ của mình rất thoải mái. Ví dụ như "Này, cái cây kia trông hay quá nhỉ", Rahal chia sẻ, chỉ tay về một cây cọ. Nhưng sau khi bán công ty, mọi câu nói thốt ra từ miệng anh sẽ khiến nhân viên sốt sắng triển khai, đôi khi theo hướng anh không mong muốn, kiểu như: "Ồ, có lẽ anh ấy thích có thêm vài cái cây như thế".
Cảm giác lạ lùng chưa dừng lại ở đó. RxBar đã nhanh chóng tăng gấp đôi kích cỡ nhân lực, từ 85 người trong năm 2017 lên 200 người trong năm 2018. Dù Rahal ủng hộ việc thuê mướn nhân sự, anh lại không biết hết về những người mới. Và Rahal trở thành một dạng người nổi tiếng trong công ty - sự chú ý như của một ngôi sao, điều mà anh không mong muốn.
Dù lãnh đạo Kellogg vẫn ca ngợi Rahal trước công chúng, tới đầu năm 2018, anh đã mất động lực làm việc. “Tôi không phải là một tổng giám đốc điều hành giỏi, vì các đêm chủ nhật, tôi chẳng bao giờ làm việc”, anh nói.
Hoạt động giới thiệu sản phẩm mới, như lễ ra mắt các thanh năng lượng có bơ đậu phộng vào mùa Xuân năm 2018 - vốn từng mang ý nghĩa sinh tử với công ty, giờ chẳng quan trọng nữa. Rahal nhận ra anh đã trở thành một dạng quản trị viên ăn lương giống nhiều người khác, với cuộc sống không thăng, không trầm, không rủi ro.
“Công việc quá dễ dàng. Tôi được trả lương hậu hĩnh. Nếu có chuyện gì xảy ra thì tôi vẫn có cảm giác kiểu như: "Ồ không sao, chúng ta được an toàn khi ở Kellogg", anh nói.
Mùa Xuân 2018, Rahal đọc được cuốn Skin in the Game do tác giả Nassim Nicholas Taleb chắp bút. Đây là một cựu thương gia chuyển nghề viết sách và ông đưa ra quan điểm rằng một người phải đẩy sự nghiệp của mình tới điểm nằm giữa thành công hoặc thất bại thì mới có thể lao động đỉnh cao. Rahal như được khai sáng sau cuốn sách đó. "Khi ấy, tôi chợt nhận ra rằng đã đến lúc phải ra đi", anh nói.
Rahal báo tin sẽ rời khỏi công ty cho viên sếp ở Kellogg - người chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.
Nhưng trước khi Rahal rời đi, anh vẫn được nếm cảm giác cuối về cuộc vật lộn mà mình vừa trải qua. RxBar đã đặt mục tiêu quá tham vọng về dự báo doanh số và do không đạt nên phải sa thải 40 nhân viên. Anh phải lựa chọn những người sẽ bị mất việc.
Sau khi kết thúc việc này, anh nhận cuộc gọi từ bộ phận quản lý chất lượng của RxBar: Một số thanh năng lượng do công ty thuê bên thứ 3 sản xuất bị lẫn đậu phộng, dù bao bì ghi rõ không chứa đậu phộng. Sự cố khiến công ty phải thu hồi một lượng lớn sản phẩm và gây ảnh hưởng tới doanh số bán lẻ đồ ăn vặt chung của Kellogg trong quý đầu năm 2019.
Cuộc vật lộn để tìm lại mục đích sống
Tháng 5 năm nay, Rahal từ bỏ công việc điều hành ở Kellogg, nhưng vẫn giữ vị trí sáng lập viên, với hy vọng mong manh có ngày nào đó về lại với nguồn cội thành công của mình. “Với RxBar, tôi giống như bay ra khỏi giường vào mỗi sáng sớm. Tôi muốn có lại cảm giác ấy thêm một lần nữa", anh chia sẻ.
Giờ thì Rahal có thời gian, rất nhiều thời gian rảnh, để chạy xe Ferrari, đi nghỉ ở Maldives, hoặc chỉ đơn giản là nằm dài trên ghế bành để xem phim. Nhưng anh không làm những việc này. Đó không phải lối sống Rahal theo đuổi và anh không thấy có giá trị gì trong các hoạt động ấy. Ngay cả khi đã tham gia một chuyến du lịch cùng bạn bè gần đây tới vùng Caribbean, Rahal dường như vẫn không thể ngơi nghỉ, bởi khi tất cả đang tụ tập vui vẻ thì anh tách ra ôm máy tính làm việc.
Trong khi khía cạnh kinh doanh đang đi đúng lộ trình Rahal đã chọn, cuộc sống riêng của anh lại không như thế. Quá trình xây dựng RxBar, ngoài thời gian làm việc, tập luyện trong phòng gym, đi ngủ thì anh chẳng làm gì khác.
Năm 2018, trước khi thỏa thuận mua lại với Kellogg hoàn tất và đối diện với khả năng sắp thành người siêu giàu, Rahal đột nhiên thấy lo lắng. “Tôi biết việc bán công ty rồi sẽ diễn ra. Tôi đã rất lo và tự hỏi rằng liệu sẽ có ai thực sự yêu mình chân thành mà chẳng màng tới đống tiền khổng lồ đang nằm sau lưng không", anh chia sẻ.
Vì thế, trước khi thương vụ với Kellogg hoàn tất, Rahal đã cầu hôn một cô gái mà anh hẹn hò lâu nay. "Tôi đã rất trân trọng lời cầu hôn, với niềm tin rằng bạn gái đã yêu trước khi tôi là người giàu có", anh nói. Họ kết hôn vào tháng 7.2018 và ly hôn tháng 12 năm đó. "Tôi đã gấp gáp đưa ra một quyết định quan trọng, trong khi không cần phải vội thế," anh kết luận.
5 tháng sau khi ly hôn, Rahal mua tư dinh ở Miami. Anh làm việc tại một căn phòng nhỏ nhìn ra đường dẫn vào nhà, dù vẫn còn nhiều phòng lớn hơn nữa đang để trống. Cuộc sống của Rahal giờ giống nhiều doanh nhân sau khi họ đã bán công ty của mình và thu về một đống tiền lớn: Cố vấn và đầu tư cho các công ty khởi nghiệp. Rahal và Smith gần đây đã lập quỹ đầu tư và bỏ vốn từ 10.000-1,5 triệu USD vào 15 công ty khởi nghiệp.
Tuy nhiên, mục tiêu dài hạn mới là thứ khiến Rahal băn khoăn. Anh muốn mở một công ty khác và tự bỏ vốn vào đó. Anh không chỉ muốn lúc nào cũng thắng và có tiền. Anh còn muốn nếm cảm giác thua cuộc để có động lực vươn lên.
Anh muốn công ty tương lai sẽ có tác động tới xã hội, theo một cách tích cực, còn lớn hơn cả RxBar. Và trong khi công ty chưa thể thành hình, Rahal vẫn ở trong trạng thái lo lắng, boăn khoăn không biết mình nên làm điều gì tiếp theo.
Về cơ bản Rahal đang ở trong một cái vòng lẩn quẩn về tư duy. Anh nỗ lực làm việc để kiếm tiền khi thành công sẽ bớt gánh nặng. Nhưng chính nỗ lực vươn lên mới là thứ tạo ra con người Rahal, khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa, chứ không phải những đồng tiền anh kiếm được. Nay khi chỉ còn tiền ở lại, làm sao anh có thể bước tiếp?
Cảm giác trở nên giàu có quá nhanh thật kỳ lạ. Rahal giờ bắt đầu giao du với những anh chàng trẻ như mình ở Miami, phần lớn là người được thừa kế gia sản kếch xù hoặc cũng kiếm rất nhiều tiền như anh. Rahal tới dự tiệc do những nhà làm phim và nhạc lừng danh mời. Rahal sống trên một hòn đảo có bảo vệ. Nếu Rahal định hẹn hò ai đó, đối tác sẽ thường dùng Google kiểm tra tên anh và kết quả tìm kiếm hiện lên đầu tiên thường cho thấy anh đang có bao tiền.
Sống sung sướng không khiến Rahal thấy thoải mái nên anh đang tìm cách làm mình có lại cảm giác khổ sở và khó khăn như khi mới lập nghiệp - thứ đã khiến anh vươn tới thành công. Anh làm từ những thứ nhỏ nhất, ví dụ đi bộ ra siêu thị mua đồ ăn mang về nhà thay vì lái xe.
Anh thường nhịn ăn 18 tiếng hoặc bay hạng kinh tế thay vì thương gia, để nhớ lại những trải nghiệm cũ. Anh cố gắng đọc, một thách thức không nhỏ với người mắc chứng khó đọc.
Và Rhal vẫn đang tìm cách để tăng thêm độ khó cho cuộc đời, như mở ra một công ty mới và chấp nhận sẽ thua lỗ trong quá trình kinh doanh. "Xu hướng tự nhiên của con người là giảm bớt khó khăn gian khó. Nhưng chúng ta đã làm việc đó quá tốt, tới nỗi giờ tôi thấy mình đang tìm kiếm sự không thoải mái tiện nghi", Rahal giải thích, cho biết thêm rằng anh phải làm như thế để có thể tiếp tục tồn tại và trưởng thành.
theo Lao Động
Tin liên quan
- Cháy lớn ở Hà Nội, người dân leo lên mái tôn chạy lửa trong đêm
- Đón hè rực rỡ với giải golf SAM Tuyen Lam Summer Championship 2024
- Thứ chất lỏng đắt đỏ nhất thế giới, 1 lít có giá tới 10 triệu USD: Nhắc tên đã thấy nguy hiểm, nhưng được dùng để cứu sống hàng triệu người
- Một nhà hàng ở ngoại thành Hà Nội có view đẹp, báo Mỹ cũng khen hết lời