Văn Hóa
00:54 24-08-2020Chuyên gia nhân sự tiết lộ, 60% lao động đòi nhảy việc vì sếp: Nếu đang rơi vào trường hợp này, hãy suy tính kỹ những điều sau để tránh hối tiếc vì quyết định bồng bột
Theo các chuyên gia, nghỉ việc khi chưa làm rõ mâu thuẫn với sếp là một quyết định có phần ngắn hạn.
Công sở là nơi tập hợp rất nhiều cá nhân với những tích cách, độ tuổi khác nhau nên đôi khi không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn. Nếu như bất đồng giữa các đồng nghiệp có thể được giải quyết một cách dễ dàng thì bất đồng giữa sếp và nhân viên lại khó khăn hơn rất nhiều.
Mới đây, VietnamWorks đã có phiên thảo luận với chủ đề "Sếp & Đồng Nghiệp: Hòa thuận không hòa hoãn” vào sáng ngày 22/8. Phiên thảo luận này được livestream trên Facebook với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tuyển dụng và nhân sự.
Theo một báo cáo khảo sát chuyên sâu của VietnamWorks, hơn 60% số người lao động nhảy việc hoặc nghỉ việc vì sếp. Đây có thể là do những mâu thuẫn và bất đồng về chuyên môn, quan điểm… diễn ra trong quá trình làm việc.
Các chuyên gia nhân sự đều đồng ý rằng khó có thể đưa ra một giải pháp “thấu tình đạt lý” để giải quyết trường hợp này. Bởi lẽ, mỗi nơi lại có các sếp khác nhau, nhân viên khác nhau, môi trường làm việc khác nhau…
Tuy nhiên, chị Đoàn Huỳnh Vân An - nhà khai vấn chuyên nghiệp (career coaching) tại LCV - nhận định rằng hành động nhảy việc vì mâu thuẫn trực tiếp với sếp có thể là một quyết định ngắn hạn khiến bạn phải hối tiếc sau này.
“Lúc đó, cảm xúc của bạn sẽ dâng cao. Bạn muốn giảm bớt đau đớn và cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách ra khỏi trạng thái này. Bạn nghĩ nguyên nhân là do sếp, nhưng thực ra mối quan hệ nào cũng có hai chiều. Một phần cũng vì bạn đã để chuyện này xảy ra, khiến bản thân bức xúc và không thể giải quyết được, nên mới tìm cách nhảy việc”, chị giải thích.
Từ kinh nghiệm của bản thân, chị Vân An khuyên dân công sở nên “chỉnh bên trong, sửa bên ngoài” trước khi đi tới quyết định nhảy việc vì sếp. “Chỉnh bên trong” có nghĩa là tìm hiểu xem bên trong nội tại có điều gì đang ảnh hưởng tới giá trị, niềm tin, con người của mình. “Sửa bên ngoài” là giao tiếp, nói chuyện, trao đổi với sếp một cách phù hợp.
Sau khi đã làm tất cả các bước trên mà vẫn thấy không thể cứu vãn mối quan hệ, bạn mới nên đi tới quyết định nghỉ việc vì sếp. Nếu chưa dùng mọi biện pháp mà đã bồng bột đòi bỏ việc, bạn không thể đảm bảo mình sẽ tránh được trường hợp tương tự tại công ty mới, với một vị sếp mới.
Có mặt trong phiên thảo luận, anh Nguyễn Việt Hùng - Nguyên Giám đốc điều hành tại KMS Technology Vietnam, tác giả sách “Tản mạn về hạnh phúc” - cũng đồng tình với quan điểm trên. Anh cảnh báo, nếu không xử lý khéo léo mâu thuẫn giữa bản thân và sếp, bạn có thể bị ảnh hưởng đến uy tín nếu tiếng xấu lan xa.
Anh Hùng cũng nhấn mạnh, mọi người không nên quyết định bất cứ việc gì khi cảm xúc đang dâng cao. Trong trường hợp muốn nghỉ việc vì xảy ra mâu thuẫn với sếp, bạn nên dành 1-2 ngày để bình tĩnh suy ngẫm và tự hỏi mình những câu sau:
- Mình đã hoàn thành tốt các công việc được giao chưa?
Thỉnh thoảng, mọi người vì bị ảnh hưởng bởi lời nói bên ngoài và chuyện tiêu cực mà thiếu tập trung trong việc. Điều này có thể dẫn đến những đánh giá bất lợi cho bản thân mình.
- Mình đã cố gắng hết sức chưa?
Mọi người thường có xu hướng đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh thay vì nhận trách nhiệm về mình. Trong thời gian suy ngẫm này, bạn nên trung thực với bản thân, xem mình đã làm gì tốt và làm gì chưa tốt.
- Bất đồng này đã xảy ra lâu chưa, đối với ai?
Bất đồng thường xảy ra khi xuất hiện khoảng cách trong suy nghĩ. Theo anh Hùng, bất đồng diễn ra trong 6 tháng là khá lâu, còn kéo dài từ 1-2 năm là điều “không thể chấp nhận được”. Trong trường hợp này, mối quan hệ giữa bạn và sếp đã gần như đổ vỡ và bạn không có nhiều sự lựa chọn.
Sau khi trả lời được hết những câu hỏi này và hiểu ra vấn đề, nhân viên cần tìm cách đối thoại với lãnh đạo để giải quyết vấn đề. Điều này đòi bạn phải có một sự tự tin nhất định để có thể trao đổi một cách thẳng thắn và trực tiếp. Một cuộc đối thoại cần phải đề cập được 4 vấn đề:
- Điều mình thấy: Tôi vẫn làm tốt công việc, tôi vẫn chăm chỉ nhưng lại có bất đồng…
- So sánh tương quan với người khác: Đưa ra các dẫn chứng về khả năng làm việc so với các đồng nghiệp
- Cảm xúc của bản thân: Tại sao tôi làm tốt mà không được mọi người công nhận? Cảm xúc của mình bối rối ra sao?
- Điều mình cần làm: Tôi có thiếu sót gì cần phải sửa chữa? Tôi cần phải điều chỉnh như thế nào để giải quyết được bất đồng và làm việc tiếp?
Nếu ngại đối thoại trực tiếp với sếp, các chuyên gia khuyên bạn có thể gửi nội dung trên qua email và xin một buổi hẹn để làm rõ vấn đề sau.
Ngoài ra, anh Hùng cũng gợi ý rằng mọi người có thể nhảy việc nội bộ (chuyển sang bộ phận khác, làm việc dưới trướng người quản lý khác…).
Tin liên quan
- Cháy lớn ở Hà Nội, người dân leo lên mái tôn chạy lửa trong đêm
- Đón hè rực rỡ với giải golf SAM Tuyen Lam Summer Championship 2024
- Thứ chất lỏng đắt đỏ nhất thế giới, 1 lít có giá tới 10 triệu USD: Nhắc tên đã thấy nguy hiểm, nhưng được dùng để cứu sống hàng triệu người
- Một nhà hàng ở ngoại thành Hà Nội có view đẹp, báo Mỹ cũng khen hết lời