clock

Thị Trường

08:09 11-10-2015

Đổ xô vào rừng hái lá chua ke bán cho thương lái lạ

Những ngày qua, người dân ở các huyện miền núi Nghệ An đổ vào rừng hái lá chua ke. Năm nào cũng vậy, vào dịp này, thương lái lại đến địa phương để gom loại lá nói trên.

Những ngày gần đây, các huyện ở Nghệ An như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông… xuất hiện tình trạng người dân vào rừng hái lá chua ke (hay còn gọi là lá cò ke) về nhập cho các lái buôn.Chua ke là một loại dược liệu. Trong đông y, lá cây dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa và một số bệnh khác. Ngoài ra, loại cây này còn có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất rất tốt.

Khoảng 3 năm trở lại đây, cứ vào dịp này, các lái buôn lại tìm đến các hộ dân để thu mua lá chua ke. Năm nay, giá bán lá chua ke tươi là 13.000-14.000 đồng/10 kg, 50.000 đồng/kg lá chua ke khô (thấp hơn năm ngoái từ 5.000 đến 7.000 đồng).

Sau khi đi hái lá chua ke về là lái buôn sẽ đến thu mua ngay. “Thời gian này việc nông nhàn, chúng tôi không có gì làm nên người dân đi hái lá chua ke về bán nhiều lắm”, chị Lương, một hộ dân ở xã Châu Phong, huyện Quế Phong cho biết.

Người dân có thể để hái lá cây tươi đem về sau đó bán thẳng cho các lái buôn hoặc phơi khô.

Nếu mua lá tươi, lái buôn mua về sẽ đem phơi khô rồi đóng thành bao tải lớn. Khi thu hoạch được nhiều, họ sẽ gọi thương lái đem ôtô tải chở đi.

Chị Vi Thị Hồng, một đầu nậu thu gom ở xã Châu Thôn cho biết, Chị mua lá chua ke từ năm 2013 đến nay. Mỗi vụ, chị mua hàng tấn lá khô rồi đem bán cho thương lái. Theo lời chị Hồng, khi gom đủ hàng, các thương lái sẽ cho xe tải đến chở đến cửa khẩu Trung Quốc. “Họ mua lá chua ke để làm gì thì chúng tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết có người mua thì mình thu gom rồi bán lại thôi”,chị nói.

Những bì lá chua ke khô được đóng sẵn chờ xe của thương lái đến mang đi.

 

Ông Lê Hải Lý, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quế Phong cho biết, đơn vị cũng đang lo ngại về việc thu mua lá chua ke xảy ra trong dân cư như hiện nay.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã ban hành quy định các thương lái mua lá chua ke phải có giấy phép mới được chở ra khỏi địa bàn. Người dân phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương mới được tổ chức khai thác. Khi được cấp phép, họ cũng không được khai thác triệt để tránh tình trạng loài thực vật này bị chết.

Theo Sơn Dương

Zing