clock

Giáo Dục

07:53 21-11-2015

Doanh nhân Nguyễn Thế Trung: Thương vụ triệu đô và niềm tin vào phụ huynh

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP công nghệ DTT, ông Nguyễn Thế Trung quan niệm, nếu triển khai giáo dục đào tạo và trải nghiệm (STEM) sớm từ bây giờ, thì 20 năm sau sẽ có được kết quả, tương tự như cách đây 20 năm, ở thế hệ 7x, ai đầu tư cho tiếng Anh thì hiện tại, họ đang là người nắm cơ hội và thành công hơn.

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP công nghệ DTT, ông Nguyễn Thế Trung

Bớt một bữa bia sẽ tạo cơ hội cho con mình trải nghiệm STEM

Khoảng 1 tháng rưỡi nữa, vào đầu năm 2016, Khu đào tạo và trải nghiệm STEM tại Dolphin Plaza (Mỹ Đình, Hà Nội) của DTT sẽ bắt đầu đón lứa học viên đầu tiên cho các khóa đào tạo. Sau đó, vào tháng 3, Khu vực trải nghiệm với các công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay như đo sóng não, thế giới ảo, robot, Internet của vạn vật (IOT) sẽ được mở cửa.

“Trên diện tích hơn 700 m2, Khu đào tạo và trải nghiệm STEM gồm nhiều hoạt động được xây dựng theo theo chủ đề nhất quán như Giai điệu vũ trụ, Khám phá đại dương, Bí mật sự sống, Thế giới hóa học, Bảo tồn sinh thái, Thành phố thông minh, Nông nghiệp thông minh... Các chủ đề được cập nhật nhiều lần trong năm. Với ứng dụng IOT, học sinh sẽ không chỉ trải nghiệm tại trung tâm mà còn tiếp tục được trải nghiệm tại nhà trên Internet và các thiết bị di động”, ông Nguyễn Thế Trung nói về STEM với đầy đam mê. Trong kế hoạch của ông, địa chỉ tiếp theo sẽ là TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng...

“Tôi tin là các bậc phụ huynh sẵn sàng tiết kiệm một món đồ thời trang hay một bữa bia để cho con cái mình có thể trải nghiệm chương trình tốt nhất về STEM trên thế giới”, ông Trung hào hứng.

Ông Trung có lý do để tin vậy. Giáo dục STEM, về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật  và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý, mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Quan trọng hơn, giáo dục STEM chú trọng phương pháp “học qua hành”, hình thành khả năng tư duy sáng tạo để có đủ năng lực làm việc “tức thì”; tư duy máy tính là khả năng lặp đi lặp lại nhiều vòng thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu để điều chỉnh quyết định cũng như khả năng làm việc nhóm. Đây là lý do mà nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, EU đang coi giáo dục STEM là ưu tiên hàng đầu. Ở châu Á, Singapore, Malaysia đang đi đầu...

Đang có những quan điểm cho rằng, với doanh nhân, yêu nước chính là làm giàu chân chính, là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhưng điều đó dường như vẫn chưa đủ. Như ông Nguyễn Thế Trung nói, nhiều doanh nhân đang thể hiện lòng yêu nước chính bằng những đóng góp bền bỉ, thầm lặng để tạo nền tảng vững vàng cho phát triển trong tương lai. Đó là trách nhiệm xã hội của doanh nhân.

 

Ở Việt Nam, STEM không mới với nhiều bậc phụ huynh thời facebook, nhưng không có nghĩa là họ sẽ sẵn sàng đầu tư.

“Chúng tôi biết điều đó. Để có giáo trình tốt nhất về STEM, chúng tôi phải mua của Đại học Carnegie Mellon (trường đại học số 1 thế giới về kỹ nghệ phần mềm - PV) nhiều chục triệu USD cho thị trường Đông Nam Á, nếu tính riêng Việt Nam cũng nhiều triệu USD. Để dạy được, chúng tôi phải đầu tư các bộ robot và máy tính khoảng 1.500 USD cho nhóm 3 học sinh. Hiện nay, ngành giáo dục chỉ cho chúng tôi dạy vài giờ trong tuần với số lượng học sinh rất ít. Nếu tính bài toán đầu tư, thì hoàn toàn không có lãi vì chúng tôi không thể thu phí quá cao. Nhưng giống như những làn sóng tiến bộ khác, xã hội và đặc biệt các phụ huynh học sinh sẽ là những người quyết định sự thành công của chúng tôi. Họ sẽ hành động”, ông Trung chia sẻ.

Ông Trung không nhắc lại, nhưng DTT đã từng thất bại một lần trong thương vụ triệu đô để nhập khẩu giáo trình của Đại học Carnegie Mellon vào năm 2008. Khi đó, mục tiêu của DTT là triển khai đào tạo cho cấp đại học và người đi làm. Chương trình không thành công vì khủng hoảng kinh tế xảy ra sau đó.

“Thương vụ không thành này lại mở cho chúng tôi 2 cơ hội. Một là, hiểu hơn về căn nguyên của nguồn nhân lực công nghệ cao trong thời đại mới là sự cần thiết của nền tảng tri thức liên ngành và tư duy máy tính. Hai là, được tiếp cận với một đại học hàng đầu và biết cách họ mang giáo dục công nghệ cao đến với xã hội ngay từ học sinh phổ thông. Đây là lý do mà năm 2010, chúng tôi quyết định một lần nữa bắt tay làm giáo dục. Lần này đi thẳng vào điểm cốt lõi là giáo dục STEM ở cấp phổ thông”, ông Trung không ngần ngại nói về bài học kinh nghiệm trong đầu tư vào giáo dục của DTT.

Lần này, bước đi của DTT có vẻ vững chắc và khả quan hơn khi chọn đúng môn vừa đại diện cho giáo dục STEM, vừa mang lại hứng thú cho học sinh là STEM Robotics. Tính đến nay, đã có nhiều ngàn lượt học sinh được tiếp cận phương pháp học này ngay từ lớp 2. Hiện nay, chương trình đang được mở rộng sang nhiều môn học STEM - khoa học máy tính; STEM - công nghệ phục vụ giải trí; STEM - Internet của vạn vật...

“Chúng tôi đang hướng đến một chương trình đầy đủ toàn diện từ lớp 1 đến lớp 12. Nếu triển khai giáo dục STEM sớm từ bây giờ, 20 năm sau chúng ta nhìn lại và sẽ có được những kết quả. Giống như cách đây 20 năm, ở thế hệ 7x, ai đầu tư cho tiếng Anh thì hiện tại, họ đang là người nắm cơ hội và thành công hơn”, ông Trung nói.

Trách nhiệm của những người trẻ

Nguyễn Thế Trung là thế hệ 7x đang nắm trong tay cơ hội đó. Trung vốn là dân chuyên toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng giành giải nhì Toán quốc tế năm 1995 tại Canada. Năm 1996, Trung sang Australia học công nghệ thông tin tại Đại học Công nghệ Sydney, theo học bổng toàn phần của Chính phủ Australia. Tại đây, năm thứ 4, mặc dù chưa tốt nghiệp, Trung đã làm giám đốc kinh doanh cho một công ty của Australia với mức lương 70.000 AUD/năm, quản lý nhiều nhân viên có bằng thạc sĩ, tiến sĩ... Nguyễn Thế Trung hiện đang điều hành công ty với 200 nhân viên, với các chi nhánh và liên doanh toàn cầu tại Mỹ, Singapore và Đan Mạch... Bởi vậy, Trung nhận thức rõ ảnh hưởng của chất lượng giáo dục tới nguồn nhân lực.

“Giáo dục STEM là một trụ cột quan trọng bậc nhất của DTT, nhưng thực ra nó nên là trụ cột quan trọng bậc nhất của cả ngành giáo dục Việt Nam vì tác động của nó tới từng học sinh, tới từng gia đình, tới đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục. Một ví dụ đơn giản, một học sinh 8 tuổi nếu “học qua hành”, áp dụng khoa học công nghệ và tư duy máy tính vào hoạt động hàng ngày, nó sẽ tạo ra môi trường thực học, thực làm, thực sáng tạo không chỉ trong nhà trường mà trong cả xã hội. Chính học sinh 8 tuổi này sẽ đòi hỏi những người lớn xung quanh cũng phải nhanh chóng nói thực, làm thực và sáng tạo thực”, ông Trung làm rõ.

Nhưng ở góc độ kinh doanh, đây không phải là khoản đầu tư hấp dẫn, thậm chí là khó sống trong bối cảnh quản lý giáo dục vẫn theo mô hình tập trung chưa phát huy sáng tạo cùng sự tham gia của xã hội. Có thể điều này cũng lý giải một phần đầu tư của khu vực tư nhân vào giáo dục còn rất thấp.

“Chúng tôi coi việc giáo dục STEM vừa là định hướng chiến lược trong kinh doanh, vừa là trách nhiệm xã hội. Nói ví dụ, trồng cây macca thì 6-7 năm mới có lãi, trồng sâm Ngọc Linh cũng phải 5 năm, trong kinh doanh người ta coi thế là dài. Nhưng trong giáo dục, không thể nhìn vào thời gian để quyết định đầu tư”, ông Trung nói và kể về những người bạn của mình.

Đó là Nguyễn Quang Thạch phải  mất 18 năm triển khai chương trình Sách hóa nông thôn – để trẻ em nông thôn có sách đọc. Đó là Đỗ Hoàng Sơn cũng mất tới 7 năm với dự ánsách khoa học có Index, hiệu sách có biển sách khoa học - những điều căn bản như cần phải uống nước đun sôi - mà vẫn chưa đâu vào đâu...

Hay như việc kết hợp với bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP TID trong dự án Khu đào tạo và trải nghiệm STEM tại Dolphin Plaza, theo ông Trung, cũng dựa trên những điều cốt lõi như vậy bởi xã hội đang rất cần, nhưng lại chưa phổ biến, chưa được ngành giáo dục tạo điều kiện cho dạy học sinh trong giờ, nên chắc sẽ còn nhiều khó khăn.

“Chúng tôi vẫn làm vì tin tưởng rằng, sự phát triển đi lên của Việt Nam cần một nền giáo dục hiện đại, hội nhập. Một em bé lớp 2 sẽ mất hàng chục năm để bắt đầu sử dụng các sản phẩm khác của DTT, nhưng với giáo dục STEM, em bé đó sẽ góp phần tạo nên sự tăng tốc của sức sáng tạo của xã hội. Em bé đó có thể là doanh nhân làm ra của cải vật chất, giá trị cho xã hội một cách thực sự. Đó mới là điều mà chúng tôi muốn hướng tới”, ông Trung nói.

Có lẽ cũng phải nhắc lại một triết lý kinh doanh đơn giản của Nguyễn Thế Trung, đó là cách triết tự về từ “kinh doanh”: kinh là lớn, doanh là bao lại. Doanh nhân là người biết cách bao lại (phạm vi hóa) các việc lớn để biến nó thành sự thực. “Đó cũng chính là động lực của tôi. Việc càng lớn thì thử thách càng nhiều, đó là lúc ta phải cố gắng phạm vi hóa nó lại để giải quyết nhưng nhất quyết không được bỏ cuộc mà vẫn phải thực hiện bằng được việc lớn kia”, ông tâm sự.

 
Khánh An/ Baodautu.vn