clock

Giáo Dục

08:26 20-12-2022

Giáo viên khốn khổ vì phụ huynh "canh" camera

Trong các hội nhóm giáo dục, không ít tâm sự của các cô giáo mầm non về áp lực và những trăn trở khi trường trực tuyến camera lớp học, và các phụ huynh “canh”, “soi” camera từng phút giây.

Các cô giáo khổ vì nhiều phụ huynh liên tục “canh”, “soi” camera trực tuyến  THÚY HẰNG

Từ ba mẹ tới ông bà nội, ngoại ngồi “canh”

Chị T.N, chủ một hệ thống trường mầm non tư thục ở TP.HCM, cho hay camera không thể quan sát hết toàn cảnh trong lớp, chưa kể hình ảnh mà phụ huynh xem được trên điện thoại không có âm thanh, do đó nếu chỉ quan sát vài khoảnh khắc trên màn hình, phụ huynh không thể hiểu được cô và trò đang tham gia những hoạt động nào trên lớp.

“Có những cô giáo than cứ đang ngồi chăm trẻ thì phụ huynh gọi điện thắc mắc những chuyện rất nhỏ nhặt như “Tại sao cô lại cho con tui đứng sau cùng vậy?”, dù các bé đang xếp hàng để chơi trò chơi hay lấy đồ ăn. Hay trong camera, phụ huynh thấy một bé trai đang đứng cầm chiếc quần và chưa được mặc. Nhưng camera không quay được tới góc của cô giáo, phụ huynh không biết là cô đang hỗ trợ mặc đồ cho rất nhiều bé, chưa thể tới lượt bé kia. Vậy là phụ huynh cũng gọi điện liền rồi nhắc “Sao cô không mặc đồ cho bé nhà tui?”, chị T.N kể.

Chị T.N cho hay nhiều cô giáo mầm non rất tủi thân vì đi làm vất vả sớm tối, nhận lương vài triệu đồng mỗi tháng nhưng nhiều phụ huynh có tâm lý “tôi bỏ tiền ra cho con tôi đi học thì các cô phải làm thế này, thế kia cho con tôi”.

Cô C.S, từng quản lý chuyên môn một trường mầm non tư thục ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho hay nhiều phụ huynh thi thoảng mở camera nhưng cũng có một số người ngồi “soi” camera suốt nhiều giờ và gọi điện nhiều lần cho cô giáo.

“Có một bé kia mới đi học, không chỉ ba mẹ ở VN ngồi xem camera mà ông bà nội, ông bà ngoại đang ở nước ngoài cũng “soi” camera . Ông bà có Zalo của cô giáo, gọi điện ngay về VN thắc mắc như “Sao bé kia cứ ngồi sát bé nhà tui vậy?”, “Cô ơi đắp lại chăn cho bé đi, bé nhà tui nó bị thò cái chân kìa.”, cô C.S kể.

Tìm trường có camera mới cho con học

Vì sao phụ huynh muốn trường mầm non của con phải có camera và không ít phụ huynh phải tìm được trường có camera trực tuyến thì mới yên tâm gửi con?

Chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh có con học tại Trường mầm non tư thục N.M, đường Tạ Quang Bửu, Q.8, TP.HCM, cho biết tiêu chí tìm trường cho con từ trước đến nay là phải có camera trực tuyến. “Ban đầu con mới đi học thì tôi nhớ con và xem liên tục. Bây giờ thì ít hơn. Tôi cũng gọi điện nhắc cô vài lần, vì xem trong camera thấy con đổ hết đồ ăn ra áo mà cô chưa thay cho con”, chị Hương nói.

Chị Vũ Ngọc Tuyết, có con học lớp lá tại một trường mầm non tư thục đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho hay: “Nói chung là phụ huynh sợ con bị đánh nên mới tìm trường học có camera trực tuyến. Dù biết là camera có “góc khuất”, cô giáo muốn đánh, mắng con cũng khó mà biết được nhưng có camera còn yên tâm hơn chút đỉnh”.

Nhiều phụ huynh muốn trường mầm non của con phải có camera và không ít phụ huynh phải tìm được trường có camera trực tuyến thì mới yên tâm gửi con  ĐÀO NGỌC THẠCH

Anh T.H, chủ một trường mầm non tại TP.HCM cho biết có những lúc rất khổ vì cái camera, nhưng nếu không lắp thì sợ phụ huynh không tin tưởng và không gửi con. Có phụ huynh còn nói với chủ trường là muốn lớp phải gắn 2 cái camera để tiện quan sát 360 độ, tất cả các góc trong lớp. Rồi có những phụ huynh nhìn camera một đằng, diễn giải ra một nẻo. Cái mà các thầy cô trực tiếp nhìn thấy bằng mắt thì thấy bình thường, nhưng qua camera phụ huynh lại nghĩ khác.

“Hành động của giáo viên khi nhìn qua camera sẽ thấy nhanh hơn một chút, đôi khi dễ gây hiểu lầm là các cô có vẻ mạnh tay. Nói một cách thẳng thắn là giáo viên ngại camera. Vì các cô cũng là con người, nhân vô thập toàn, có ai hoàn hảo được. Tế nhị nhất là chuyện kỷ luật trẻ hư, nếu phụ huynh chỉ nhìn thấy trên camera vài giây, không thể biết cô đang rèn trẻ như thế nào, lại nghĩ là cô bạo hành trẻ và ý kiến. Riết rồi cô giáo sợ, nản, không ai dám rèn nền nếp cho trẻ chưa ngoan nữa”, anh T.H than thở.

“Vấn đề không phải cái camera mà là con người”

Chủ các trường mầm non ở TP.HCM nói với PV, họ mong muốn sự tin tưởng, thấu cảm từ phụ huynh. Trước khi quyết định cho con học, phụ huynh hoàn toàn có thể tìm hiểu kỹ lưỡng môi trường giáo dục mà con sẽ học, tham gia các hoạt động cùng cô trò, tìm hiểu năng lực giáo viên... Đồng thời, các trường đều có đường dây nóng, bộ phận tiếp nhận ý kiến từ phụ huynh. Nếu cha mẹ ai cũng liên tục gọi điện, nhắn tin cho cô qua điện thoại cá nhân, cô giáo nào còn thời gian để chăm trẻ, toàn tâm toàn ý cho trẻ nữa?

Từ góc độ người làm giáo dục, chị Trần Thị Lệ Hằng, nguời sáng lập "Kỷ Luật Yêu Thương" - tổ chức đào tạo phụ huynh và giáo viên - chia sẻ với PV Thanh Niên: “Nhiều phụ huynh cho rằng nếu không được xem camera thì không biết cô làm gì với con mình. Nhưng thực tế camera không có tiếng và luôn có “góc chết”. Nếu mà cô giáo đó đã cố tình làm đau con, cô có thể dẫn ra “góc chết” thì phụ huynh cũng không thể nhìn? Vậy thì vấn đề không phải là cái camera mà là con người”. Đồng thời, theo chị Lệ Hằng, các trường học hiện nay đều quan tâm tới hai từ hạnh phúc, trẻ muốn hạnh phúc thì các cô cần được hạnh phúc. Nếu các cô áp lực, căng thẳng vì chiếc camera thì không thể nào mang tới niềm vui trọn vẹn cho các con. “Có ngành nghề nào mà trong sinh hoạt cả một ngày, người đi làm bị theo dõi như các cô giáo mầm non không? Trong thực tế, có những phụ huynh đang “theo dõi” các cô từ sáng đến chiều qua chiếc camera. Quyền con người của cả cô và trẻ đều bị xâm phạm”, chị Lệ Hằng chia sẻ.

Phụ huynh tranh luận về xem camera

Các phụ huynh có ý kiến khác nhau về việc được xem camera trực tuyến của con. Phụ huynh Vũ Thị Phượng, có con học tại Trường mầm non công lập Hoa Mai (Q.3, TP.HCM), cho biết khi chọn trường gửi con, nghe giới thiệu trường cho phụ huynh xem camera thì rất yên tâm. “Trường có camera là cần thiết. Thời gian đầu con mới đi học, tôi vừa làm vừa mở camera xem con đang làm gì, chơi với các bạn ra sao, cô chăm con thế nào và yên tâm hơn. Còn cô giáo tôi nghĩ nếu cô chăm các bé tốt thì không có gì áp lực cả”, chị Phượng nói.

Phụ huynh Bảo Phúc có con học tại một trường mầm non trên địa bàn P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM thì cho rằng: “Không nên cho phụ huynh xem camera trong lớp vì có thể ảnh hưởng sự riêng tư của trẻ, ví dụ có lớp trẻ thay quần áo buổi trưa giữa lớp, bé trai và bé gái chỉ được ngăn bằng một vách ngăn nhưng camera quay lại được”.

Phụ huynh Nguyễn Đình Sơn, có con học tại 1 trường mầm non công lập tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM (không trực tuyến camera cho phụ huynh) cho hay: “Có camera cũng tốt. Tuy nhiên đây không phải là “chiếc đũa thần” để bảo vệ trẻ hay chăm sóc trẻ tốt nhất. Quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu mỗi cô không phải chăm quá đông trẻ, các cô đều yêu thương, có đủ nghiệp vụ để chăm trẻ chu đáo thì ai cũng yên tâm khi con đi học”.

Như vậy, chia sẻ với nghề mầm non không phải là “đeo thêm gông” cho các cô qua cái camera trực tuyến, mà phải tăng hiểu biết cho phụ huynh để các cô được an yên, an toàn, hạnh phúc khi được làm việc với trẻ.

Chị Lệ Hằng cho rằng có nhiều trường đã và đang thay đổi bằng cách chuyển từ camera trực tuyến sang lắp camera nội bộ, lắp ở không gian vui chơi chung, hành lang, cầu thang… với mục đích phục vụ an toàn nội bộ, đảm bảo sự an toàn cho các bé, như vậy là một sự chuyển mình rất tích cực.

Chị Lệ Hằng thẳng thắn: “Giáo dục là mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình mà ở đó chúng ta cùng đặt sự quan tâm tới trẻ em lên hàng đầu. Để làm được điều này cần xây dựng trên sự tin tưởng, thấu hiểu lẫn nhau chứ không phải phụ huynh hay ban giám hiệu chỉ “nhòm” vào chiếc camera, phán đoán cảm tính và đưa ra phán quyết về giáo viên. Để phụ huynh thêm an tâm, nhà trường cũng cần làm tốt trong khâu tuyển chọn, đào tạo giáo viên, quản lý giáo viên dựa trên sự kết nối, thấu hiểu và trao quyền. Không có một mối quan hệ nào có thể tốt đẹp nếu thiếu vắng lòng tin”. (còn tiếp)

Theo Thanh Niên