clock

Giáo Dục

10:54 11-11-2022

Dừng chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều người "chết đứng"

Các diễn đàn trên mạng đang "dậy sóng" với thông tin các kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL, PTE đến các kỳ thi năng lực tiếng Nhật, tiếng Hoa... tạm hoãn.

Thí sinh nhận phiếu điểm thi IELTS tại IDP Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) trưa 10-11 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊNLỡ tốt nghiệp, lỡ kế hoạch du học, lỡ xin việc... là những vấn đề mà người đăng ký dự thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế gặp phải khi kỳ thi "bỗng dưng" tạm dừng.

Lỡ nhiều kế hoạch

Trần Công Đăng Khoa hiện là sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Chỉ còn nộp thêm chứng chỉ ngoại ngữ là hoàn tất hồ sơ xét tốt nghiệp nên cách đây một tháng, Khoa quyết định đăng ký dự thi IELTS. Ngày thi là 17-12 tới đây tại IDP ở TP.HCM.

Tuy nhiên đến trưa 10-11, IDP chính thức thông báo sẽ hoãn các kỳ thi IELTS do đơn vị này tổ chức ở hơn 40 tỉnh thành Việt Nam cho đến khi có cập nhật mới. 

Sáng 10-11, Hội đồng Anh (British Council) cũng đã đưa ra thông báo tương tự đăng tải công khai trên website của mình sau khi đã gửi email riêng đến một số thí sinh trước đó vào chiều tối 9-11.

Cả hai đơn vị IDP và Hội đồng Anh đều cho rằng "quyết định này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam. 

Thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào sự phê duyệt của Bộ GD-ĐT và chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với bộ để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể".

Dừng chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều người chết đứng - Ảnh 2.

Thông báo hoãn thi IELTS của Hội đồng Anh và IELTS IDP

Trong bối cảnh ngày thi vô cùng khó đoán, Đăng Khoa không thể chủ động được những phương án đã vạch ra từ trước. Theo lộ trình ban đầu, sau khi có kết quả IELTS, Khoa sẽ đồng thời vừa làm hồ sơ tốt nghiệp tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), vừa hoàn tất hồ sơ du học hiện chỉ còn thiếu một số thứ trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Thời hạn hoàn tất các thủ tục du học của trường Khoa lựa chọn là tháng 1-2023, tức còn khoảng hai tháng, nên nếu lịch thi IELTS hoãn hết tháng 12, bạn gần như sẽ lỡ đợt du học tới. 

Khoa tạm thời cũng đưa ra kế hoạch B: đến cuối tháng 11 nếu phía IDP vẫn chưa có "động tĩnh" gì mới trong việc tổ chức thi IELTS, bạn có thể sẽ lựa chọn thi một số chứng chỉ ngoại ngữ nội địa để không trễ hạn tốt nghiệp.

Dừng chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều người chết đứng - Ảnh 3.

Hội đồng Anh tại Hà Nội đã thông báo tạm hoãn thi chứng chỉ tiếng Anh IELTS - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Người dự thi lo lắng

Tương tự, bạn Đ.L.A. (Hà Nội) cho biết đã đăng ký thi IELTS tại Hà Nội ngày 10-12 để sau đó dành thời gian chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp, xem điểm để tháng 1 gửi hồ sơ xét học bổng du học. Tuy nhiên khi đột ngột nhận tin hai đơn vị sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam đều đã hoãn các kỳ thi IELTS, Đ.L.A. rất lo lắng.

"Trường mình nộp hồ sơ du học bắt buộc phải có chứng chỉ IELTS, không thể không có được. Việc ngừng thi đột ngột như thế này cũng đã khiến kế hoạch học tập của mình bị đảo lộn, giờ không biết làm gì trước, làm gì sau, và có cơ hội thi kịp không. Hiện tại mình và gia đình đang rất lúng túng, áp lực, không biết làm thế nào cả", Đ.L.A. tâm sự.

Bạn Hồng Nhung - vừa tốt nghiệp một trường đại học tại Hà Nội - có lịch thi IELTS sát hơn nhiều so với Đăng Khoa, vào hai ngày 18 và 19-11, tức chỉ còn một tuần nữa, tại Hội đồng Anh. Sau khi nghe tin Hội đồng Anh sẽ hoãn thi từ 10-11, Nhung khá hoang mang và tìm cách hỏi thăm từ phía những người quen biết. 

Một số người "đoán" Nhung vẫn có thể dự thi, vì hoãn thi chỉ là "sự cố" trong vài ngày. Số khác khuyên Nhung chờ đến khi nào có thư chính thức từ Hội đồng Anh gửi đến email cá nhân mới xem như chắc chắn hoãn, còn không cứ trên tinh thần sẽ thi.

"Thông tin mông lung như vầy rất khó để mình ôn tập. Giai đoạn cuối phải dành gần như 100% thời gian và sức lực để ôn thi. Mình cũng sẽ lỡ một số cơ hội tìm việc. Mấy nay mình đã phải dời lại nhiều buổi phỏng vấn xin việc để tập trung cho IELTS vì trước khi thi mình chỉ muốn toàn tâm toàn ý cho thi", Nhung nói.

 
Dừng chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều người chết đứng - Ảnh 4.

Anh Trần Công Đăng Khoa (22 tuổi) đăng ký thi IELTS tại IDP. Tuy nhiên, anh vừa nhận được thông báo hoãn thi - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhiều kỳ thi tạm hoãn

Đầu tháng 9-2022, Trung tâm Ngoại ngữ tin học TP.HCM trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã ra thông báo sẽ tạm dừng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài kể từ ngày 10-9, lý do là để hoàn tất hồ sơ theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-11, bà Trần Thị Vân Anh - phó giám đốc phụ trách trung tâm - cho biết đến nay các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà sở liên kết với một số đối tác tổ chức, bao gồm Movers, Flyers, PTE, TOEFL... vẫn đang phải tạm ngưng.

Căn cứ trên thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, các đơn vị liên kết phải đảm bảo đủ hồ sơ, thủ tục tổ chức thi và phải được Bộ GD-ĐT phê duyệt. So với một số quy định trước đây, thông tư này có nhiều điểm mới yêu cầu địa điểm thi phải đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ giám thị, coi thi... 

Bà Vân Anh cho biết trung tâm hiện đang thực hiện bổ túc hồ sơ theo đúng quy định để sớm nhận được sự phê duyệt của Bộ GD-ĐT để được tiếp tục tổ chức các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài.

"Việc này nhằm đảm bảo quyền lợi học tập và thi cử cho học sinh, đặc biệt là những học sinh có nhu cầu khảo sát năng lực ngoại ngữ. Trong thời gian tạm dừng tổ chức thi, trung tâm đã và đang hỗ trợ thí sinh tối đa trong việc bảo lưu lệ phí, điều chỉnh cấp độ dự thi, điều chỉnh thông tin thí sinh, rút lệ phí thi", bà Vân Anh nói.

Ngoài các kỳ thi tiếng Anh quốc tế, nhiều kỳ thi ở các ngôn ngữ khác cũng đã phải hoãn lại. Điển hình, ban tổ chức kỳ thi năng lực tiếng Nhật NAT-TEST tại điểm thi Hà Nội đã thông báo hủy hai ngày thi 23-10 và 11-12 ở cơ sở này. 

Ban tổ chức lý giải ngày 26-7, Bộ GD-ĐT đã ra thông tư 11 quy định về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, trong đó yêu cầu các địa điểm tổ chức thi cần được cấp phép từ Bộ GD-ĐT.

Ngay sau khi thông tư 11 được công bố, các đơn vị có liên kết tổ chức kỳ thi NAT-TEST đã phối hợp với phía Nhật tích cực làm đề án xin cấp phép. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được sự cho phép chính thức của Bộ GD-ĐT. 

Sau khi thảo luận với phía Nhật, ban tổ chức quyết định tạm dừng tổ chức kỳ thi NAT-TEST trong tháng 10 và tháng 12. Dự kiến bắt đầu từ tháng 2-2023, kỳ thi lại diễn ra bình thường.

Kỳ thi năng lực Hán ngữ quốc tế (HSK-HSKK) cũng rơi vào cảnh tạm thời "đóng băng". Cuối tháng 10-2022, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - một trong số ít cơ sở giáo dục liên kết tổ chức thi HSK-HSKK tại TP.HCM - ra thông báo chính thức hoãn các kỳ thi lấy chứng chỉ này trong hai tháng 10 và 11-2022. 

Viện Khổng Tử thuộc Trường ĐH Hà Nội cũng đã phải tạm ngưng các buổi thi vào ngày 16-10 và 19-11 cũng với nguyên nhân hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt và xin cấp phép của Bộ GD-ĐT...

Dừng chứng chỉ ngoại ngữ, nhiều người chết đứng - Ảnh 5.

Nguồn: Bộ GD-ĐT - Đồ họa: TUẤN ANH

Làm gì trong thời gian hoãn thi?

Ông Phùng Quang Huy - giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho rằng trong thời gian hoãn thi, các thí sinh trước hết cần giữ được sự bình tĩnh bởi hoang mang sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Tiếp đó cần vạch ra các lộ trình ôn tập theo những tình huống có thể xảy ra nhằm giữ phong độ.

Theo ông Huy, nên thi IELTS trên tinh thần đây là một kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, hơn là chỉ là một nơi để "trả bài". Vì vậy, nếu thật sự có khả năng sử dụng tiếng Anh, bạn chắc chắn sẽ có điểm số IELTS tốt.

Tương tự, cô D.C.T. - giáo viên dạy các lớp tiếng Anh nền tảng và luyện thi IELTS tại Hà Nội - cho biết với những người đang ôn tập dần để thi thì cứ bình tĩnh và tiếp tục ôn tập cho kỹ bởi với các kỳ thi quốc tế, khả năng phải ngưng hoàn toàn ở một quốc gia nào đó là không cao.

Riêng những người cần bằng rất gấp để kịp hạn nộp xét học bổng hoặc hồ sơ xin học, nên viết email giải trình với nhà trường hay các bên tổ chức để xin phép bổ túc chứng chỉ sau.

Thời điểm tổ chức phụ thuộc phê duyệt của Bộ Giáo dục - đào tạo

Hội đồng Anh tại Việt Nam thông báo cho thí sinh: "Từ ngày 10-11-2022, chúng tôi rất tiếc phải thông báo tất cả các kỳ thi IELTS và Aptis của Hội đồng Anh tại Việt Nam sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới.

Quyết định này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam.

Thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GD-ĐT và chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với bộ để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể...". Tương tự, IDP cũng thông báo rằng các kỳ thi IELTS "sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới...".

Tìm hiểu để qua Thái Lan thi

Khánh Hà (21 tuổi, Đà Nẵng) đang cần gấp chứng chỉ IELTS để có thể đủ hồ sơ du học tại Mỹ vào đầu năm tới. Hiện tại, cô đang tìm hiểu cách thi IELTS ở Thái Lan, vừa đảm bảo được tiến độ lấy bằng, vừa kết hợp đi du lịch sau thi.

"Theo tìm hiểu của tôi trên mạng, giá thi IELTS ở Thái không chênh lệch là bao so với Việt Nam. Đồng thời, chi phí đi lại, ăn ở tại Thái cũng rất rẻ nên coi như mình chuẩn bị cho chuyến đi "2 trong 1" vậy. Thi xong lại được du lịch thì coi như cũng nhẹ nhõm hơn nhiều" - Hà bày tỏ.

NHƯ QUỲNH

Bộ GD-ĐT: sẽ cùng các đơn vị giải quyết vướng mắc

idp

IDP thông báo chính thức về việc hoãn các kỳ thi ngoại ngữ (ảnh chụp trưa 10-11) - Ảnh: P.QUYÊN

Chiều 10-11, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về băn khoăn trong thông tư 11 về bảo đảm chất lượng trong liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết đó là những yêu cầu cần thiết đảm bảo chất lượng cũng là bảo vệ quyền lợi của người dự thi lấy chứng chỉ và không khó để các trung tâm đáp ứng.

Về đề thi, yêu cầu không chọn các đề vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam và có biện pháp bảo mật là cần thiết. Các đơn vị chỉ cần cam kết việc này, Bộ GD-ĐT không yêu cầu các đơn vị phải có minh chứng liên quan tới nội dung, quy trình ra đề.

Về thiệt hại của người học khi bị đảo lộn kế hoạch học tập và công việc khi không thể thi lấy chứng chỉ IELTS trong thời gian này, ông Độ cho biết sẽ chủ động cùng với các đơn vị rà soát, kiểm tra vướng mắc nằm ở đâu để cùng tháo gỡ, hỗ trợ các đơn vị có thể tổ chức thi cấp chứng chỉ trở lại trong thời gian sớm nhất trên tinh thần đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập, như hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng...

Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...

Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6-6-2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, một số quy định tại nghị định số 86/2018/NĐ-CP còn chưa cụ thể. Vì vậy, nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã giao bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Độ lý giải nguyên nhân một số tổ chức đột ngột dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD-ĐT phê duyệt theo quy định của nghị định số 86/2018/NĐ-CP và thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.

Cụ thể, để triển khai thực hiện nghị định số 86/2018/NĐ-CP và thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ GD-ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, email) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định.

Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GD-ĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát...

VĨNH HÀ - NGUYÊN BẢO

Theo Tuổi Trẻ