clock

Thị Trường

05:44 30-09-2015

Giá nước sắp tăng 20%, cơ quan chức năng nói gì?

Từ ngày 1/10, các đơn vị cung cấp nước sạch Hà Nội sẽ tăng giá bán nước sạch khoảng 20% so với giá hiện hành. Lý giải về việc tăng giá nước trong bối cảnh nhiều khu vực trên địa bàn người dân luôn phải đối mặt với tình trạng mất nước, cơ quan chức năng cho rằng, việc tăng này là thực hiện theo lộ trình đã duyệt, giúp doanh nghiệp tăng đầu tư hạ tầng.

Theo Quyết định số 38 do UBND thành phố Hà Nội ban hành về giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn thì từ 1/10/2015 giá bán nước nước sinh hoạt cho hộ dân sẽ tăng lên 5.973 đồng/m3 cho mức 10m3 đầu tiên.

Còn mức trên 30m3 sẽ tăng lên thành 15.929 đồng/m3. Giá bán trên chưa có thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.

Theo tính toán, giá nước sinh hoạt sẽ tăng trung bình khoảng 20% so với mức giá hiện tại.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Hồng Quân- Trưởng phòng Hạ tầng cấp thoát nước (Sở Xây dựng) cho biết, việc từ ngày 1/10 các đơn vị cung cấp nước sạch Hà Nội tăng giá bán nước sạch là thực hiện theo lộ trình đã được thành phố phê duyệt từ năm 2013.

Cụ thể, theo ông Quân, tháng 9/2013 trên cơ sở đề nghị của liên ngành, thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định điều chỉnh giá bán nước sạch, trong đó xác định lộ trình ngày 1/10/2015 sẽ điều chỉnh tăng giá bán nước sạch theo khung đã được phê duyệt từ năm 2013.

“Việc điều chỉnh giá bán nước sạch lần này là có sự chuẩn bị, có lộ trình sẵn chứ không phải đột nhiên tăng giá bán”, ông Quân cho biết.

Đại diện Sở Xây dựng cũng cho hay, việc cho phép các đơn vị cung cấp, kinh doanh nước sạch điều chỉnh giá bán nước lần này là đợt cuối tăng giá trong lộ trình 3 năm (từ 2013 đến 2015).

“Dù nói tăng tới gần 20% nhưng so với các địa phương khác giá nước sạch Hà Nội vẫn thấp hơn. Đây là con số không cao và chấp nhận được", một vị cán bộ nói.

Theo vị này trước năm 2015, giá nước thường thấp hơn giá thành sản xuất của các đơn vị cung cấp nên thành phố đã phải bù giá cho các đơn vị này thông qua đầu tư như các chính sách ưu đãi chứ không bù trực tiếp.

“Giờ các đơn vị này giờ phải tự đầu tư, phải đi vay vốn ngân hàng để đầu tư nên cũng phải tính đủ tính đúng cho họ chứ kinh doanh lỗ thì ai dám làm nữa.

Theo tôi việc tăng giá nước là hợp lý, nhằm giúp cho các đơn vị tái sản xuất, tái đầu tư, mặt khác cũng là yếu tố để cho nhiều khách hàng sử dụng nước sạch tiết kiệm hơn”, vị cán bộ này lý giải.

Lý giải về việc tăng giá nước, Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) - đơn vị đang cung cấp nước cho hơn 100.000 khách hàng cho rằng, dù tăng giá tới gần 20% nhưng nếu trung bình mỗi gia đình sử dụng 10-15m3 mỗi tháng thì sau khi tăng giá số tiền của mỗi hộ gia đình phải trả thêm chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng/tháng.

“Việc giá nước nước sinh hoạt tăng theo lộ trình tăng từ tháng 10, theo tôi, khách hàng sẽ không có sự xáo trộn.

Điều quan trọng tăng giá bán sẽ giúp cho doanh nghiệp có điều kiện trong việc đầu tư hạ tầng để phục vụ khách hàng nhiều hơn.

Hiện đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch doanh nghiệp phải đi vay vốn trong khi giá bán không được quyết”, đại diện Viwaco nói.

“Nước mất nhà tan”

Nhiều hộ dân Thủ đô nói rằng, nếu giá nước tăng mà nước cấp ổn định, đường ống không vỡ nữa thì họ cũng vui lòng chấp nhận, nhất là khi nước cấp đủ, chảy mạnh, chất lượng tốt.

“Nếu không có chuyện vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 16, 17… thì gia đình tôi vui vẻ đóng tiền nước cao hơn bây giờ. Nhưng…”, bà Nguyễn Thị Vượng ở phố Triều Khúc, quận Thanh Xuân nói.

Năm ngoái, cũng từ ngày 1/10, giá nước tăng khoảng 25%, nhưng từ đó đến nay, đường ống vẫn vỡ, nước vẫn thiếu ở nhiều khu vực, các gia đình vẫn phải mua máy bơm hút, mua dây dẫn, mua nước xe bồn, mua nước đóng bình…

“Nếu sau 1/10 tới đây, đường ống vẫn vỡ thì mong người ta sớm xây đường ống thứ 2 cho chúng tôi được nhờ. Chứ như mấy hôm nay thì không khác gì mấy đợt vỡ trước.

Nước mất nhà tan. Mất nước, vợ chồng con cái chia năm sẻ bảy, tứ tán đến nhà nghỉ, nhà người quen ăn nhờ ở đậu, khổ lắm”, bà Vượng than.

theo Tiền Phong