clock

Giáo Dục

06:21 15-12-2016

GS Đại học Harvard tư vấn cách gỡ "nút thắt" của nền kinh tế Việt Nam

Với những câu chuyện của mình, mới đây, GS. Ricardo Hausmann, Trường Chính sách công Kennedy, Đại học Harvard đã gợi ý cho Việt Nam những cách thức để “gỡ nút thắt” trong tăng trưởng kinh tế.

Nhận xét về kinh tế Việt Nam, vị giáo sư người Mỹ cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, sánh ngang với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cụ thể, sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 4,3 lần so với năm 1986. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng đã thay đổi từ gạo, tôm cá… sang các sản phẩm điện tử. Hiện, năng lực sản xuất quốc gia của Việt Nam xếp tứ 27/123 nước trên thế giới.

Dù vậy, GS. Ricardo vẫn thẳng thắn khi cho rằng tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ được chất và lượng. Theo đó, tốc độ nhanh nhưng chưa thực chất, bền vững.

"Quá trình đô thị hóa của Hàn Quốc sau 30 năm, dân số nông thôn giảm 50%. Tại Trung Quốc, dân số nông nghiệp sau 30 năm qua cũng giảm 30%, còn tại Việt Nam sau 30 năm qua, dân số nông thôn, nông nghiệp vẫn chiếm 60%, chỉ giảm trên 10% so với trước. Tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tôi đang đặt câu hỏi phải chăng các điểm nghẽn của nền kinh tế đang ngáng đường, khiến chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm chạp, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển chậm hơn so với khu vực", G.S Ricardo nói.

Một trong những cách “khơi thông” điểm nghẽn, theo giáo sư chính là việc Việt Nam phải tận dụng được lợi thế của mình, hiện là một nước thu hút được FDI. Trong đó, đáng kể đến là 3 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua đó, họ được tiếp cận công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, được tiếp xúc với máy móc công nghệ cao. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi, Việt Nam liệu có biết cách lan toả những lợi thế đấy không.

Dẫn ra câu chuyện ở Bangladesh, khi tập đoàn Deawoo sang nước này đầu tư vào ngành dệt may, tập đoàn này đã chọn ra 80 lao động ưu tú và đưa sang Hàn Quốc học tập rồi về lại nhà máy làm việc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, 80 người này đã bỏ ra ngoài làm riêng, thành lập hơn 80 doanh nghiệp tư nhân, dần trở thành doanh nghiệp vệ tinh của Deawoo và trở thành những ông chủ thực sự trong ngành dệt may của đất nước.

Một câu chuyện tương tự là hãng máy tính Lenovo của Trung Quốc. Trước đó, họ chỉ là nhà máy cung cấp linh kiện cho thương hiệu máy tính Thinkpad của IBM (Mỹ). Nắm bắt thời cơ, họ đã tiến dần từ nhà cung cấp linh kiện, thành đối tác rồi cuối cùng mua lại toàn bộ thương hiệu máy tính trên.

Từ 2 câu chuyện, vị giáo sư người Mỹ đặt ra câu hỏi 3 triệu lao động Việt Nam liệu có “mạnh dạn” đứng ra thành lập doanh nghiệp khi học hỏi được công nghệ, thủ thuật của nước ngoài không.

Và để hiện thực hoá ý tưởng đó, ông cũng đề nghị Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phân bổ nguồn lực đúng chỗ, hiệu quả, ưu tiên phát triển khoa học công nghệ…

Mặt khác, ông cũng đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam cần phải tạo cơ chế để kêu gọi người Việt về xây dựng đất nước.

Lần này, ông lại tiếp tục liên hệ với chuyện ở Trung Quốc. Theo đó, vị này cho biết nước này đã có những chính sách kêu gọi Hoa Kiều quay về phát triển đất nước. Nhờ đó, đã có nhiều người Hoa ở Hong Kong, Singapore quay trở về đem theo vốn, công nghệ phát triển quay về cố hương.

“Hãy thay đổi cách thức, xây dựng cơ chế để kéo kiều bào trở về Việt Nam đóng góp cho phát triển", GS. Ricardo cho biết.

Theo Nam Dương

Trí thức trẻ