clock

Thị Trường

13:15 08-10-2024

Hiệu ứng domino “dẹp tiệm” của loạt phòng tập gym: Điều gì đang diễn ra?

Chi phí vận hành, mặt bằng cao, trong khi, người dân chưa sẵn sàng “bạo chi” cho gym cao cấp hoặc có quá nhiều sự lựa chọn luyện tập khiến nhiều chuỗi phòng tập rơi vào cảnh lao đao.

Doanh nghiệp “hụt hơi” khi đầu tư phòng gym

Mới đây, chuỗi phòng gym cao cấp Fit24 thông báo trên fanpage rằng sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh từ ngày 5/10 "vì những lý do khách quan bất khả kháng".

Không chỉ Fit 24, trước đó, Getfit Gym & Yoga – chuỗi phòng gym có tuổi đời 14 năm cũng đóng cửa tất cả chi nhánh từ ngày 4/9 vì "những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Getfit hiện đã mở cửa trở lại 2/3 cơ sở, nhưng founder chuỗi này nhận định thị trường vẫn còn muôn vàn khó khăn.

Đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động không phải là tình trạng cá biệt tại hai chuỗi này.

Theo khảo sát, so với hồi 2022, một chuỗi phòng gym như CityGym, 25 Fit, Diamond Fitness Center… thu hẹp hoạt động với quy mô từ một cho đến hàng chục chi nhánh.

Trong khi đó, các “ông lớn” ngành này như California Fitness & Yoga hay Elite cũng thận trọng với quyết định mở mới phòng tập. So với hồi cuối năm 2022, số lượng chị nhánh của Elite vẫn “dậm chân tại chỗ”, trong khi, California Fitness & Yoga chỉ khai trương thêm vỏn vẹn 2 chi nhánh trong hai năm.

Thậm chí, mới đây trên Shark Tank Việt Nam, dù nhận mưa lời khen nhưng Founder người Tây Ban Nha của Hustle Vietnam vẫn bị tất cả các cá mập từ chối. Trong đó, Shark Phi Vân cho rằng, startup cần linh hoạt hơn, doanh nghiệp phải tạo ra không gian tập luyện bất kể diện tích phòng tập là 400m2 hay thậm chí 60m2, 40m2.

“Tôi đã từng đầu tư cũng như exit (thoái vốn) tại một doanh nghiệp về thể hình. Do đó, tôi những thách thức mà doanh nghiệp cần phải vượt qua”, Shark Phi Vân nói.

Lý do nào khiến loạt phòng gym tuyên bố đóng cửa

“Thách thức” là cụm từ được Shark Phi Vân nhấn mạnh khi nói về ngành thể hình. Mặt khác, đây cũng là thực tế các chuỗi phòng gym đang trả qua.

Trả lời báo chí về lý do “tạm” đóng cửa Fit24, ông Lê Chí Trung – Giám đốc Fit 24 cho biết, khách hàng của chuỗi chủ yếu là những người làm ăn, kinh doanh nên khi kinh tế đi xuống, họ không còn xuống tiền nhiều cho các dịch vụ tại phòng gym. Doanh thu của Fit24 vì thế mà ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của Ken Research (Ấn Độ), giá dịch vụ hội viên tại một số phòng tập tăng, trung bình 4%, trong khi, khách hàng lại có xu hướng “thắt lưng, buộc bụng” do tình hình kinh tế khó khăn.

Một khảo sát khác về thị trường Fitness tại Việt Nam của Cốc Cốc chỉ ra, ngân sách luyện tập hàng tháng của khách hàng có thể dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng. Do đó, các chuỗi phòng gym cao cấp không có nhiều dịch vụ gia tăng cho khách hàng khó thuyết phục người tập rút hầu bao.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt cũng khiến nhiều ông lớn ngành gym“hụt hơi” trong cuộc đua thị phần trong ngành này. Theo khảo sát của Vietdata, hiện ngành gym Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 20%.

Thị trường cũng phân ra thành nhiều phân khúc, như phòng gym của những thương hiệu lớn dành cho những người có thu nhập cao, phân khúc phòng gym dành cho sinh viên, học sinh và những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, phần lớn “miếng bánh” thị phần đa số nằm trong tay các thương hiệu cao cấp nên các phòng tập bình dân dù có quy mô lớn nhưng không chiếm tỷ lệ nhiều.

Ngoài việc cạnh tranh với các ông lớn vốn đã mạnh về tiềm lực, một số chuỗi phòng gym theo hướng tất cả trong một còn phải cạnh tranh với mô hình phòng tập "Private Gym". Đây là xu hướng phòng tập riêng tư cùng PT trong khung giờ nhất định để bảo đảm sự tập trung, nhắm đến khách thu nhập trung bình - cao.

“Có sự chuyển dịch từ dịch vụ phòng tập thể dục truyền thống sang các hoạt động như Zumba, pilates, yoga hay mô hình riêng tư hơn”, Ken Research viết trong báo cáo.

Chưa kể, gần đây, các môn thể thao ngoài trời như chạy bộ, pickleball cũng hút một lượng lớn người tham gia. Trong 8 tháng đầu năm nay, pickleball thu về 189.000 lượt thảo luận, đánh dấu sự tăng trưởng lên đến 400%. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 8, số lượng cuộc thảo luận liên quan đến bộ môn này tăng trưởng gấp 7 lần, đạt 49.100 lượt.

Với những đơn vị đầu tư phòng tập gym, giá thuê mặt bằng tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân gây “sức ép” đến tình hình hoạt động của một số doanh nghiệp thể hình.

Anh Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc của một trung tâm thể hình có 2 chi nhánh tại Hà Nội cho biết, mặt bằng là một trong những chi phí chiếm tỷ trọng cao nhất trong cấu phần kinh doanh của doanh nghiệp thể hình. Đặc biệt, với những doanh nghiệp thuê mặt bằng tại các chung cư cao cấp, chi phí này còn lớn hơn.

Khảo sát giá thuê mặt bằng thương mại tại TP HCM của Savills chỉ ra, giá thuê mặt bằng tầng trệt trung tâm thương mại tại TPHCM trong quý II đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Còn ta

Còn trong báo cáo của Savills, giá thuê mặt bằng tầng trệt trung tâm thương mại tại TPHCM trong quý II đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước nhờ 20% tổng nguồn cung có giá thuê tăng.

Với CBRE Việt Nam, đơn vị này cho biết, trong nửa đầu năm, tại Hà Nội, giá thuê khu vực trung tâm tăng 11% còn ngoài trung tâm tăng tới 18% so với cùng kỳ năm trước. Tại TPHCM, giá thuê tăng 18% ở khu vực trung tâm và 15% ở khu vực ngoài trung tâm.

 

Thảo Vân