clock

SỰ KIỆN

02:48 02-01-2019

HỘI THẢO “TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC TRONG PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG DU LỊCH”

Ngày 31 tháng 12 năm 2018, tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp cùng Công ty Đối tác vàng (Công ty ĐTV) tổ chức Hội thảo: “Tầm nhìn chiến lược trong phát triển các vùng du lịch”. Hội thảo là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện nhân Lễ công bố Năm Du lịch Quốc gia năm 2019 diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhằm tìm ra những giải pháp then chốt để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.

Tham gia hội thảo có các đại biểu:  Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên -Thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội; Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh;  Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập báo Đại biểu nhân dân.

Toàn cảnh Hội thảo tầm nhìn chiến lược trong phát triển các vùng du lịch

Ông Nguyễn Quốc Hưng, UVTT UB Văn Hóa – Thanh Thiếu Niên Nhi Đồng, phụ trách du lịch, Nguyên Tổng Cục Phó Tổng Cục Du lịch phát biểu tầm nhìn chiến lược phát triển các vùng du lịch

Ông Trần Sơn Hải Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu chào mừng

Những năm qua du lịch Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sự phát triển của du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước; du lịch Việt Nam chưa có sức cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực. Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận tập trung vào việc phân tích và đề xuất các giải pháp mang tính vĩ mô: tầm nhìn trong phát triển du lịch. Theo đó, phát triển du lịch phải có tầm nhìn bao quát mọi khía cạnh phát triển; bên cạnh đó, cần phải có sự đổi mới, đột phá về tư duy và quan niệm trong phát triển du lịch. Đó là sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế chính sách phù hợp, có quy hoạch chuẩn, định hình các mô hình du lịch, tạo sự liên kết vùng trong hoạt động du lịch. Đồng thời, các địa phương phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, quảng bá du lịch và xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn…

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, những năm qua du lịch Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Năm 2018, Việt Nam đón 15,6 triệu du khách quốc tế; phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 620.000 tỷ đồng. Hiện nay, cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 phòng, trong đó có 145 khách sạn 5 sao với hơn 47.000 phòng, 267 khách sạn 4 sao với gần 35.500 phòng. Riêng Khánh Hòa đón khoảng 6,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 15,6% so với năm 2017; trong đó có 2,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 36%; doanh thu du lịch ước đạt 21.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay phát biểu tham luận “Một kỳ nghỉ - Hai vùng di sản”                                                                                                                                                

Các tham luận đã tập trung vào việc phân tích và đề xuất các giải pháp mang tính vĩ mô để phát triển các vùng du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch bằng sản phẩm chiến lược mang tính bền vững, xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, vì vậy, việc tạo ra chuỗi các giá trị để hình thành nên sản phẩm du lịch là do rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều ngành kinh tế cùng tham gia.

Phiên tọa đàm về phát triển du lịch

Các đại biểu còn quan tâm đến du lịch miền Trung với những lợi thế về du lịch và nguồn thu từ du lịch. Miền Trung với 1.200 cây số bờ biển có điều kiện hơn các nơi khác để phát triển du lịch, ngoài cơ chế chính sách phù hợp chú ý phát triển hạ tầng, quảng bá sự kiện lễ hội, di tích thắng cảnh, cơ sở du lịch, quảng bá thời tiết và ẩm thực, để góp phần đưa xã hội tiến lên và du lịch miền Trung phải là du lịch xanh và bền vững.

Lãnh đạo các đơn vị tham gia tham luận tại Hội thảo nhận hoa từ Ban Tổ chức

Để tháo gỡ những điểm nghẽn và tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, ngành du lịch rất cần tầm nhìn chiến lược, bao quát mọi khía cạnh phát triển. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển, lãnh đạo các địa phương cần có sự đổi mới, đột phá về tư duy và quan niệm trong phát triển du lịch; sự hỗ trợ của Trung ương về cơ chế chính sách phù hợp, có quy hoạch chuẩn, định hình các mô hình du lịch, tạo sự liên kết vùng trong hoạt động du lịch; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, quảng bá du lịch và xây dựng nguồn nhân lực chuyên nghiệp để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.

 

 

Bài và ảnh Ngọc Vân