Thị Trường
13:57 03-08-2024Láng giềng bước vào thập kỷ tăng trưởng thấp, Việt Nam sẽ là đầu tàu của kinh tế khu vực
Kinh tế Việt Nam trong 10 năm tiếp theo sẽ tăng trưởng hơn 6%, top đầu Đông Nam Á.
Dẫn báo cáo "Navigating High Winds: Southeast Asia Outlook 2024-2034" (Tạm dịch: Điều hướng gió mạnh: Triển vọng Đông Nam Á), báo Bangkok Post cho biết nền kinh tế Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 5,1%, trong đó Việt Nam và Philippines dẫn đầu tăng trưởng của khu vực, với mức tăng trưởng GDP vượt 6%. Indonesia sẽ bám sát phía sau với mức tăng trưởng 5,7%.
Báo cáo Triển vọng Đông Nam Á 2024-2034 do Hội đồng Angsana, công ty tư vấn Bain & Co. (Mỹ) và Ngân hàng DBS (Singapore) công bố dự báo GDP của 6 nền kinh tế chính trong khu vực (ASEAN-6), bao gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
"Tăng trưởng GDP và đầu tư trực tiếp nước ngoài của ASEAn có khả năng vượt Trung Quốc trong thập kỷ tới", báo cáo do Hội đồng Angsana, Bain & Company và Ngân hàng DBS công bố.
Năm ngoái, FDI tại sáu nền kinh tế ASEAN đạt 206 tỷ USD, trong khi Trung Quốc ghi nhận 43 tỷ USD. Từ năm 2018 đến năm 2022, FDI của ASEAN-6 đã tăng 37%, so với mức 10% của Trung Quốc.
"Nhờ tăng trưởng trong nước mạnh mẽ và chiến lược Trung Quốc+1, chúng tôi ngày càng lạc quan rằng Đông Nam Á sẽ vượt qua Trung Quốc về cả tăng trưởng GDP và FDI trong thập kỷ tới", Charles Ormiston, đối tác tư vấn tại Bain & Company và chủ tịch Hội đồng Angsana cho biết.
Tuy nhiên, các khoản đầu tư đa quốc gia sẽ có tính cạnh tranh cao, với sự cạnh tranh giữa các quốc gia cải thiện kết quả cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông nói thêm.
Bangkok Post: Thái Lan bước vào thập kỷ tăng trưởng thấp
Ông Taimur Baig, Giám đốc điều hành kiêm Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng DBS, cho biết nền kinh tế toàn cầu ngày càng bảo hộ và tập trung hướng nội khó có thể thay đổi.
"Hầu hết các nền kinh tế và công ty Đông Nam Á đều có vị thế tốt để tìm kiếm cơ hội khi phân bổ vốn được hiệu chỉnh lại trên khắp các khu vực địa lý và lĩnh vực, trong khi phải đối phó với sự gián đoạn công nghệ và biến đổi khí hậu", ông Baig lưu ý.
Trong khi đó, BofA Global Research cho biết triển vọng tăng trưởng trung hạn của sáu quốc gia ASEAN được đề cập được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư, với dòng chảy FDI đáng khích lệ.
Năm 2024, tăng trưởng được dự báo là 4,7% với động lực trong nửa cuối năm được hỗ trợ bởi sự phục hồi của ngành du lịch.
Trong khi Việt Nam có tín hiệu tăng trưởng tích cực, nền kinh tế Thái Lan dự kiến chỉ tăng trưởng trung bình 2,8% mỗi năm trong thập kỷ tới.
Tờ Bangkok Post đã nhấn mạnh "Thái Lan đang bước vào thập kỷ tăng trưởng thấp".
Tại Thái Lan, các động lực tích cực là sự phục hồi của du lịch, một trung tâm ô tô khu vực quan trọng với cơ sở hạ tầng được kết nối tốt và thực tế là các tập đoàn lớn hàng đầu của Thái Lan, cụ thể là Charoen Pokphand (CP), Central Group, PTT, Siam Cement và Thai Union có tính khu vực hơn so với các đối tác Đông Nam Á của họ, báo cáo lưu ý.
Tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố tiêu cực về bối cảnh chính trị không chắc chắn, lo ngại về sự hợp nhất trong các lĩnh vực chính bao gồm bán lẻ và viễn thông, và thách thức về nhân khẩu học, báo cáo lưu ý.
"Đối với Thái Lan, chúng tôi chưa đưa tác động của ví kỹ thuật số vào, với việc đăng ký sẽ bắt đầu vào tháng 8. Theo cơ sở của chúng tôi, chúng tôi ước tính tác động ròng vào khoảng 0,4% GDP, với hầu hết tác động vào năm 2025", báo cáo của BofA cho biết.
Dy Khoa
Tin liên quan
- Chuyên gia: "Mua vàng và hãy chờ xem những thay đổi bất ngờ có thể xảy ra trong năm 2025"
- Honda và Nissan: Bi hài cảnh 2 biểu tượng ô tô Nhật Bản phải dẹp bỏ mối thâm thù suốt 70 năm, bắt tay làm đồng minh để đấu với xe điện giá rẻ Trung Quốc và Toyota
- Thị trường 300.000 ô tô điện và 1 triệu xe máy điện của Việt Nam năm 2025: VinFast có một lợi thế áp đảo
- 5G sẽ đóng góp 900 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, Việt Nam thăng hạng 8 bậc khi có mạng 5G đầu tiên