clock

Thị Trường

14:14 19-06-2024

Một loại đồ uống của Việt Nam đang cực "hot" ở Nga, dẫn đầu thị trường, có DN bán được 700 tấn/năm

Cà phê Việt Nam trở thành thức uống được ưa chuộng của người dân xứ Bạch Dương.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nga tăng mạnh.

Tính đến hết tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Nga đạt 331,3 triệu USD, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, cà phê là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga lớn nhất, đạt 161,6 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo các nhà phân tích, kể từ năm 1991 đến nay, mức tiêu thụ cà phê bình quân trên đầu người của Nga đã tăng mạnh.

Cà phê trở thành thức uống quen thuộc của người Nga. Ảnh minh hoạ.

Theo Trung tâm Giám định Công nghiệp Rosselkhozbank, hiện tại, trung bình một người Nga uống khoảng 300 tách cà phê mỗi năm, tương đương với 60 lít mỗi người và 8,76 tỷ lít cho cả nước.

Thương vụ Việt Nam tại Nga cho biết, năm 2023, thị trường cà phê Nga bắt đầu hồi phục sau các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, trong khi các nhà nhập khẩu cà phê chủ chốt vẫn là các tập đoàn xuyên quốc gia cả cà phê hòa tan và rang xay. Áp lực trừng phạt đã khiến một số nhà sản xuất rời khỏi Nga hoặc đổi chủ, dẫn đến giảm chủng loại và tăng giá.

Cũng năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang thị trường Nga đạt 91.488 tấn và thu về hơn 245 triệu USD. Gần một nửa số hạt cà phê nhập khẩu vào Nga đến từ Việt Nam và gần 1/4 từ Brazil.

Doanh nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ dẫn đầu thị trường Nga

Ông Đỗ Văn Phương, Giám đốc Công ty Vietfood DV- đại lý chính thức cho thương hiệu café Trung Nguyên tại Nga nói với TTXVNTrung Nguyên là thương hiệu cà phê có lượng tiêu thụ lớn nhất tại Nga với 3 thị trường chính là Vlapostok, Novosibirsk và Moskva.

Năm 2023, công ty đã nhập khẩu khoảng 700 tấn cà phê Trung Nguyên các loại vào tiêu thụ ở thị trường này.

Theo TTXVN, đến nay, thương hiệu cà phê 3 trong 1 của Trung Nguyên tạo lập được chỗ đứng vững vàng ở thị trường Liên bang Nga.

Trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số doanh nghiệp nỗ lực tiếp thị các thương hiệu cà phê Việt Nam khác tại thị trường "xứ Bạch Dương".

Một doanh nhân Việt Nam đến từ thành phố Vladivostok cho biết ông là người trực tiếp nhập khẩu cà phê 3 trong 1 Trung Nguyên để tiêu thụ tại thị trường Liên bang Nga.

Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp của ông tiêu thụ khoảng 50 container cà phê Trung Nguyên các loại với trị giá khoảng 3 triệu USD và loại cà phê sử dụng phin giấy đang được ưa chuộng.

Doanh nhân này cũng khẳng định hiện doanh số tiêu thụ cà phê Trung Nguyên mỗi năm tại thị trường Nga ít nhất là 20 triệu USD.

Năm 2022, thị trường cà phê Nga đã trải qua một cú sốc về giá, khi giá trung bình mỗi cốc tăng từ 27% lên 36%, tạp chí Forbes ra tại Nga dẫn lời các nhà phân tích địa phương đưa tin. Mặc dù giá đã tăng đều đặn kể từ năm 2019, nhưng mức tăng năm đó gây chú ý.

Giá cà phê được người Nga xem như chỉ báo về lạm phát. Ảnh minh hoạ.

Marina Petrova, Giám đốc điều hành của Petrova Five Consulting, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Moscow, ước tính Nga tiêu thụ 1,5kg cà phê bình quân đầu người, nhập khẩu khoảng 230.000 tấn cà phê mỗi năm.

Albina Koryagina, đối tác của công ty tư vấn NEO-Center có trụ sở tại Moscow, cho biết trong vài năm qua, tăng trưởng tiêu dùng đã được đảm bảo bởi nhiều chuỗi cà phê mang đi. Vị này giải thích, các công ty này đã nỗ lực rất nhiều để đánh thức thị trường, cuối cùng đã thành công, giới thiệu văn hóa cà phê mang đi đến đại đa số người dân Nga.

Kết quả là, cà phê đã trở thành một sản phẩm quan trọng đối với người Nga, vốn được coi là những người yêu thích trà trong lịch sử, Koryagina nói.

Đối với người dân bình thường, giá cà phê là một chỉ báo thiết yếu về lạm phát lương thực và tình trạng chung của nền kinh tế đất nước.

Cơ quan thống kê liên bang Nga Rosstat tính toán tỷ lệ lạm phát thực phẩm hàng tháng, đánh giá cà phê cao ngang với xăng, xúc xích và nguồn cung cấp nước nóng.

 

Dy Khoa