clock

Thị Trường

13:33 18-06-2024

Một sản vật Việt Nam được người Nga ưa chuộng, giá trị xuất khẩu trong 5 tháng tăng "khủng" gần 90%

Con số tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2023.

Sau khi ký Hiệp định EAEU-FTA, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga tăng nhanh, đạt 5,5 tỷ USD năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2016; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2016.

Thời gian sau đó, dù gặp một số khó khăn, biến động, nhưng đến năm 2023 giao thương hàng hoá giữa Nga - Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên năm 2023 đạt 3,63 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,74 tỷ USD, tăng 12%. Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 1,89 tỷ USD, giảm 5,2%

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai bên đạt 1,96 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 955,6 triệu USD, tăng 44,7%Nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu- châu Mỹ, các nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga có tăng trưởng cao gồm hàng thủy sản đạt 76,4 triệu USD, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2023; hạt điều đạt 28 triệu USD, tăng 82,4%; hạt tiêu đạt 12,5 triệu USD, tăng 96,2%; hàng dệt may đạt 320,8 triệu USD, tăng 97,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 90,1 triệu USD tăng 102%.

Nga nhập khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Ở chiều ngược lại, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh từ Nga gồm quặng và khoáng sản các loại đạt 9,7 triệu USD, than các loại, hóa chất, phân bón các loại, kim loại thường khác, linh kiện, phụ tùng ô tô…

Hồi tháng 4 năm ngoái, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam và Nga đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD vào năm 2025.

Hợp tác thương mại song phương giữa hai nước phát triển mạnh mẽ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (Việt Nam-EAEU FTA) có hiệu lực vào năm 2016.

Thương mại hai chiều tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021 lên 5,5 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, đã giảm xuống còn 3,55 tỷ USD vào năm 2022.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, dệt may và giày dép sang Nga.

Nhiều dự án của doanh nghiệp Nga còn hiệu lực tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Tính đến tháng 3/2023, Nga có 171 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 970 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực khai khoáng, dịch vụ và sản xuất, chế biến.

Trong khi đó, Việt Nam có 17 dự án còn hiệu lực với số vốn hơn 1,6 tỷ USD tại Nga, chiếm 7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, Phạm Tuấn Anh, từng cho biết những kết quả đạt được trong những năm gần đây vẫn còn khiêm tốn so với tình hữu nghị và tiềm năng của hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất xanh.

Đến năm 2035, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển công nghiệp, công nghiệp xanh thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành có công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng tiêu chuẩn ở các nước phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng sự tăng trưởng trong quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp tục trong tương lai.

 

Dy Khoa