Thị Trường
08:32 04-01-2016Ngành tôm và cá tra: Lớn mà yếu
Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,3% so với trên 7,8 tỷ USD của năm 2014. Tôm và cá tra vẫn là hai mặt hàng lớn nhất, chiếm đa số kim ngạch xuất khẩu, nên cũng bộc lộ rõ nhất thực trạng yếu kém chuỗi giá trị của ngành.
Tổng kết năm 2015, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Nếu tiếp tục như năm 2015, nuôi trồng sẽ tiếp tục lỗ. Thị trường xuất khẩu vẫn còn đó nhưng thị phần chúng ta tăng hay giảm, quyết định bởi cạnh tranh được hay không, giá thành, chất lượng thế nào”.
Manh mún, rủi ro
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú nuôi cá tra ở xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang), đi dự hội chợ thủy sản Brussels (Bỉ) về, hơi buồn: “Cá tra không như mình nghĩ”. Ở hội chợ chuyên ngành thủy sản thường niên lớn nhất thế giới, lúc chưa đi ông tưởng con cá tra có vị trí quan trọng nhưng thực tế, nhỏ xíu. Đặc biệt, ông thấy: “Gian hàng thủy sản của các nước khác, treo những tấm bảng lớn để giới thiệu tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã đạt được như ASC, SQF, GlobalGAP. Còn cá tra của ta chưa chú trọng quảng bá các tiêu chuẩn này, trong lúc người tiêu dùng thế giới đề cao tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, trước năm 2007, cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU chiếm 60% tổng kim ngạch, nay chỉ còn gần 40%. Sự đa dạng hóa thị trường hiện nay, mở ra các thị trường như Nga, Mỹ Latin, Trung Đông, Trung Quốc “là các thị trường dễ hơn về chất lượng, giá thấp”.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nếu như xuất khẩu cá tra năm 2014 đến 151 quốc gia và vùng lãnh thổ thì năm 2015 chỉ còn 113. Cuối năm 2015, sản phẩm cá tra phi lê, cắt khúc và nguyên con chiếm hơn 85% khối lượng, sản phẩm giá trị gia tăng chỉ 0,53%, còn lại là phụ phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, chất lượng sản phẩm cá tra thấp, qua tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm. Rất ít sản phẩm đạt mạ băng tối đa 10%, hàm ẩm tối đa 83% theo quy định của Nghị định 36. Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Hồ Văn Vàng than phiền, sản phẩm cá tra có nhiều nước sẽ bị bủng, nhạt.
Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng phân tích chuỗi sản phẩm cá tra yếu cả chất lượng lẫn hệ thống phân phối. Ông cho biết, đang tồn tại sự hội nhập ngược, thay vì liên kết trong nước để phát triển thị trường thì các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lại làm hẹp thị trường, quay về trong nước khép kín chuỗi để cạnh tranh lẫn nhau.
Thế nhưng, ngành cá tra vẫn là mơ ước của ngành tôm, vì ngành tôm còn manh mún và rủi ro hơn nữa. Giám đốc Trung tâm Chiến lược chính sách miền Nam, ông Nguyễn Văn Giáp, cho biết diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 550.000 ha và chủ yếu nông hộ nhỏ lẻ, rất ít được doanh nghiệp chế biến liên kết. Giống phụ thuộc nước ngoài, đầu vào không kiểm soát được nên dịch bệnh, giá thành cao, nhiễm kháng sinh luôn đè nặng lên ngành tôm. Khảo sát của Trung tâm trong năm 2015, tỷ lệ hộ nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thua lỗ là 35,4% (nuôi tôm sú thua lỗ 33,3%, tôm thẻ chân trắng 38,7%).
Thách thức về công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng
Thông tin xôn xao dư luận từ Cục Thú y, trong 10 tháng đầu năm, hơn 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về, do nhiễm kháng sinh, vi sinh vượt mức cho phép. Sản phẩm bị trả về nhiều nhất là tôm đông lạnh, phi lê cá tra từ những nước đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Nhiều chuyên gia còn cảnh báo, thủy sản có thể đánh mất thị trường nội địa, bởi thách thức hàng đầu khi mở cửa thị trường là “luật chơi về an toàn thực phẩm, luật chơi về chất lượng cao”. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, khi thực hiện hiệp định thương mại tự do, thủy sản được tác động tích cực và cơ hội mở rộng thị trường nhưng cũng đối diện thách thức về công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng.
Ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ban hành quy định giám sát các cơ sở nuôi và chế biến cá da trơn trong lẫn ngoài nước, để đảm bảo đồng nhất tiêu chuẩn Mỹ đang áp dụng. Khi có hiệu lực từ tháng 3/2016, trong 18 tháng tiếp theo, các cơ sở nuôi và chế biến cá tra nước ta muốn xuất khẩu vào Mỹ phải đạt các tiêu chuẩn của Mỹ. Việc này sẽ buộc nhiều cơ sở tốn chi phí để thay đổi nhưng cũng gây niềm phấn khởi: phải thay đổi để lớn lên.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Thới An nuôi cá tra ở quận Ô Môn (Cần Thơ) bày tỏ: “Chúng tôi đã nuôi theo tiêu chuẩn cao nên mong được giám sát, đảm bảo minh bạch, khỏi phải nói nhiều mà không có tác dụng như mấy năm qua”. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần Hùng Vương cũng tự tin: “Không có vấn đề gì quá khó, chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn cao về con giống, nuôi trồng, chế biến, thương mại”.
Tuy nhiên, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Anh ở Khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo: Phải chú ý khâu sản xuất giống. Ở Mỹ nuôi cá giống tự nhiên, nước ta sản xuất giống nhân tạo và dễ lạm dụng kháng sinh. Bà nhấn mạnh, cần chú trọng đến sản xuất cá giống, đảm bảo hài hòa lợi ích theo chuỗi giá trị. Thực tế, một số chuỗi sản phẩm cá tra được thí điểm hơn năm nay ở tỉnh Đồng Tháp và An Giang cho kết quả tốt, ngành ngân hàng đang tổng kết để mở rộng.
Còn ngành tôm, xuất hiện một số doanh nghiệp nuôi tôm chất lượng cao. Đến cuối năm 2015, Tập đoàn Việt-Úc ở tỉnh Bạc Liêu đã có 365 ha nuôi tôm siêu thâm canh, một năm 2-3 vụ, có thể cho 120 -300 tấn/ha. Cũng ở tỉnh Bạc Liêu, GĐ Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, ông Lê Anh Xuân, cho biết đã nghiên cứu phương pháp nuôi siêu thâm canh với 2 và 3 giai đoạn, giảm được chi phí đầu tư để áp dụng cho hàng nghìn hộ gia đình.
Tiền phong
Tin liên quan
- Trước khi được đề xuất chuyển về Bộ Công an quản lý, MobiFone làm ăn thế nào?
- Thủ đoạn đánh cắp thẻ ngân hàng khiến nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn bị lợi dụng lừa đảo người khác, đối mặt nguy cơ pháp lý
- Ngành kinh tế sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong năm nay, có đóng góp lớn từ dự án được đầu tư 200 triệu USD
- Mẫu điện thoại giá nhỉnh hơn 5 triệu đồng: Camera "khủng" 108MP, pin trâu khó có đối thủ